Tổ truyền thông cộng đồng giúp thu hẹp khoảng cách giới cho phụ nữ dân tộc Nùng
Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, Tổ truyền thông cộng đồng thôn Công Lý, xã Thành Hòa, tỉnh Lạng Sơn, đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Mô hình Tổ truyền thông cộng đồng nằm trong Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 - 2025). Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Để thực hiện các chỉ tiêu của Dự án 8, Tổ truyền thông cộng đồng thôn Công Lý đã được Hội LHPN xã Thành Hòa thành lập, với đa dạng hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo, phù hợp giúp phụ nữ dân tộc tại địa phương tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức và bình đẳng giới.
Ông Triệu Văn Hiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, đồng thời là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Công Lý, chia sẻ các hoạt động của Tổ.
- Xin ông chia sẻ về một số hoạt động tiêu biểu Tổ truyền thông cộng đồng thôn Công Lý đã và đang triển khai?
Thôn Công Lý, xã Thành Hòa, tỉnh Lạng Sơn, có 105 hộ dân, trong đó dân tộc Nùng chiếm 99%. Từ khi Dự án 8 được Hội LHPN xã triển khai, chúng tôi đã thành lập Tổ truyền thông cộng đồng của thôn, gồm 7 thành viên, là các nhân sự nằm trong ban lãnh đạo và các đoàn thể của thôn.
Thời gian qua, Tổ truyền thông cộng đồng thôn đã tuyên truyền đến bà con nhân dân, đặc biệt là hội viên, phụ nữ trong thôn các kiến thức như: Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
- Trong quá trình hoạt động, theo ông, những khó khăn bất cập tổ truyền thông cộng đồng thôn gặp phải là gì?
Xã Thành Hòa là xã khó khăn, thôn Công Lý cũng là thôn khó khăn. Đặc biệt, sau khi thôn tiến hành sáp nhập, địa bàn của thôn khá rộng, trải dài khoảng 7km, dân cư thưa thớt, nên khi triển khai các hoạt động, cái khó khăn đầu tiên là vận động bà con tham gia. Khó khăn thứ 2 là trình độ chuyên môn của các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng, năng lực của các thành viên trong tổ còn hạn chế. Khó khăn thứ 3 là trình độ của bà con tại địa phương còn hạn chế, nên khi tổ truyền thông đi vào hoạt động, bà con chưa thực sự chú tâm và hưởng ứng.
Để khắc phục những khó khăn đó, Tổ truyền thông cộng đồng thôn thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn và nắm các kiến thức và các nguyên lý hoạt động. Chúng tôi cũng thường xuyên triển khai các nội dung kết hợp lồng ghép với các buổi như họp thôn hay các nội dung thôn đang triển khai để tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các nội dung trong Dự án 8 do Hội LHPN triển khai, để bà con nhân dân để nắm được những nội dung quan trọng. Qua đó, bà con có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Dự án 8, với những nội dung rất thiết thực, hiệu quả dành cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.
- Từ khi tổ truyền thông cộng đồng thôn đi vào hoạt động, ông thấy nhận thức của bà con đã thay đổi như thế nào?
Lúc ban đầu, một số bà con chưa chú tâm vào các hoạt động truyền thông của chúng tôi. Dần dần, sau nhiều hoạt động truyển khai, tuyên truyền, ý thức của bà con đã được nâng cao. Đến nay, việc thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm hay trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt hơn, người dân trong thôn được tiếp nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích để thay đổi bản thân, tạo mối quan hệ gắn kết với những người xung quanh, tạo môi trường sống hài hòa, ổn định và cùng nhau phát triển.
Chúng tôi cũng được Hội LHPN huyện hướng dẫn các kỹ năng tuyên truyền để các thành viên tự tin phát huy nhiệm vụ, vai trò của mình. Từ đó, Tổ truyền thông cộng đồng luôn cố gắng vừa đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vừa chắt lọc hình thức phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân để tăng tính hiệu quả.
- Ông có đề xuất gì đối với Hội Liên hiệp phụ nữ cũng như các cấp chính quyền để triển khai những hoạt động tuyên truyền cho bà con được hiệu quả hơn?
Tổ truyền thông cộng đồng đã thực sự mang lại hiệu quả cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi mong muốn Hội LHPN các cấp tiếp tục quan tâm hơn đến những vùng sâu vùng xa, các địa phương còn gặp khó khăn để người dân nơi đây có thể tiếp cận với các chủ trương, các chương trình hưởng thụ, để bà con chúng tôi bắt kịp với các tiến bộ, đặc biệt là theo kịp sự phát triển của công nghệ 4.0, hướng tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.