Tổ hợp tác nghề ve chai lan tỏa lối sống xanh
Hơn 30 thành viên của các tổ hợp tác nghề ve chai công nghệ tại TP Huế không chỉ là đơn thuần làm công việc thu gom rác tái chế, mà còn chính là những tuyên truyền viên tích cực góp phần thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, lan tỏa lối sống xanh và môi trường không rác thải nhựa.

Các cô, các chị của Tổ hợp tác nghề ve chai An Đông thu mua rác tái chế và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn
Nhắc đến nghề ve chai, ai cũng nghĩ đến những người phụ nữ lam lũ, vất vả, khó khăn trong guồng quay của xã hội. Nhưng ở Huế, có những phụ nữ làm nghề ve chai đã bắt kịp công nghệ, nắm thông tin kết nối nhận đơn và thu gom rác tái chế như một nghề chính…
Thu gom ve chai thời công nghệ
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự tài trợ của WWF Na Uy đã phối hợp với dự án Sáng kiến mGreen triển khai tổ ve chai công nghệ, thu gom rác tái chế tại Huế từ cuối năm 2023, ban đầu là tổ Hương Sơ (nay thuộc phường Hương An) và tổ An Đông (nay thuộc phường An Cựu), đến nay có thêm tổ thứ ba có quy mô hoạt động rộng hơn ở nhiều địa phương như phường Thuận Hóa, Phú Xuân, Thủy Xuân, Vỹ Dạ…
Việc thành lập tổ hợp tác ve chai thứ ba tại TP Huế sẽ hỗ trợ thu gom rác tái chế ở nhiều phường, xã ở xa. Dự kiến ban đầu chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ cho các thành viên về công sức đi lại; sau đó, các cô, các chị sẽ kết hợp tuyên truyền kết nối tại mỗi địa phương để có thêm thành viên thu gom ve chai công nghệ, lan tỏa mô hình này khắp 40 phường, xã của TP Huế.
(Bà TRẦN THỊ THOA, Giám đốc sáng kiến mGreen)
Bà Trần Thị Thoa, phụ trách sáng kiến mGreen, cho biết ứng dụng mGreen giúp kết nối người thu gom rác và người phân loại rác tái chế với nhau; người dân chỉ cần ở nhà đặt lịch thu gom rác tái chế thì sẽ có thành viên của tổ đến tận nhà thu gom và có thể thanh toán bằng tiền hoặc bằng điểm trên app, để đổi thành các phiếu mua hàng tại các siêu thị trên địa bàn TP Huế.
“Ứng dụng mGreen góp phần kết nối nhu cầu mua, bán phế liệu, rác tái chế, thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, xây dựng thói quen văn minh trong phân loại rác; đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng rác tái chế có quản lý và minh bạch hơn, hướng đến góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nâng cao sinh kế cho những người thu gom, thu mua ve chai”, bà Thoa chia sẻ.
Theo thông tin từ người phụ trách sáng kiến mGreen, khởi động từ năm 2023 đến nay đã thu gom được hơn 100 tấn rác tái chế, gồm có bao bì, giấy, nhựa, kim loại... Đó là nỗ lực lớn của các thành viên hai tổ hợp tác nghề ve chai tại Hương Sơ và An Đông. Việc có thêm tổ hợp tác thứ ba với quy mô hoạt động rộng hơn, kỳ vọng sẽ lan tỏa và thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế trên địa bàn toàn TP Huế.
Ban đầu, khi tiếp cận với việc sử dụng smart-phone và ứng dụng mGreen, các thành viên của tổ hợp tác ve chai cũng gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn các cô, các chị là những người trung tuổi.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, sáng kiến mGreen và Hội Phụ nữ ở cơ sở đã kết nối để tập huấn, phân công một số đoàn viên trẻ theo dõi hỗ trợ cho các cô trong thời gian đầu. Cùng với đó, các thành viên của từng tổ hợp tác cũng cùng quản lý, kết nối, tạo điều kiện, chia sẻ “đơn hàng” và “thị trường” cho nhau.
Khi mới thành lập, tổ có hơn 10 thành viên thì chỉ có ba người có smart-phone nên những thành viên không có sẽ được chung nhóm với người có smart-phone. Hiện nay, đến 70% các thành viên đã có smart-phone để sử dụng app, nhận đơn hàng thu gom rác tái chế trên mGreen. Thời gian đầu, phía dự án cũng hỗ trợ thêm 10.000 đồng/đơn để các thành viên có thêm chi phí đi lại.
“Kiểm tra trên hệ thống, chúng tôi thấy mỗi tháng, các tổ nhận được trung bình có 100-200 đơn thu gom tại nhà, có đơn ít, có đơn nhiều, có đơn lên đến 60-80 kg”, bà Trần Thị Thoa thông tin.

Mỗi người là một tuyên truyền viên tích cực
Bà Trần Thị Xuân, thành viên của Tổ hợp tác nghề ve chai An Đông, cho biết “tham gia mô hình này, chúng tôi thấy có nhiều lợi ích, tiết kiệm thời gian, có thêm thu nhập. Chị em trong tổ đoàn kết và hỗ trợ nhau nhiều trong công việc. Đặc biệt, khi đi thu mua rác tái chế, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền cho người dân phân loại rác thải tại nguồn, những lần sau đó họ chủ động hơn và phân loại trước, phân loại đúng”.
Theo bà Xuân, ngoài tiếp nhận các đơn hàng trên app có nhiều người biết mình làm nghề ve chai nên chủ động gọi điện đến thu gom. Các thành viên nhận được đơn cũng sẽ kết nối, phân chia, hỗ trợ cho nhau đi thua mua. Với những trường hợp mình đi thu mua, họ chưa biết đến ứng dụng mGreen thì chúng tôi cũng tuyên truyền và hướng dẫn cho bà con cài app, thuận tiện cho việc đặt lịch.
Còn bà Trương Thị Xuân Hằng, thành viên Tổ hợp tác nghề ve chai Hương Sơ (nay là phường Hương An) chia sẻ, “ban đầu chúng tôi nhận được đơn với khối lượng rác rất ít, có lúc quảng đường đi thu gom lại xa, phải 5-10 km, ảnh hưởng đến công sức và thời gian. Sau này, chúng tôi chủ động đề xuất với dự án sáng kiến mGreen thay đổi chính sách nhận đơn tối thiểu từ 5-10 kg, nhờ đó việc thu gom hợp lý hơn, tiết kiệm sức lực, chi phí và các chị em cũng có thêm nguồn thu nhập phù hợp”.
“Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi gặp không ít người dân phân loại rác không đúng, dẫn đến khó xử lý khi thu gom. Từ đó, tổ hợp tác đã cùng trao đổi kinh nghiệm, đề xuất truyền thông lại, cung cấp hình ảnh minh họa rõ ràng và hướng dẫn cụ thể hơn để người dân hiểu và thực hiện đúng việc phân loại rác. Tôi tin rằng, với sự kiên trì của mỗi tổ hợp tác, chủ động tìm những giải pháp cho vấn đề mình gặp phải thì chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra môi trường sống xanh - sạch - đẹp”, bà Xuân Hằng cho biết.
Thời gian qua, các tổ hợp tác cũng nhận được rất nhiều hỗ trợ của Hội phụ nữ các cấp, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” và chính quyền địa phương. Các thành viên làm nghề thu gom ve chai, phế liệu cũng đã được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn xoay vòng, giúp thuận lợi hơn cho việc mua bán ve chai của mình. Niềm vui của các chị là được tiếp cận với chủ nguồn thải nhiều hơn và tự hào vì góp phần trong công tác tuyên truyền giảm nhựa, phân loại rác tại nguồn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Cựu Hồ Phương Uyên Nhi thông tin rằng, tổ hợp tác nghề ve chai ở An Đông khi thành lập có 11 thành viên, là các cô, các chị đều có thâm niên về nghề thu gom ve chai. Tham gia tổ hợp tác đã tạo điều kiện cho các chị sinh hoạt đúng ngành nghề của mình, tạo thêm động lực tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. T
hông qua các nguồn vốn xoay vòng, các chị ở tổ An Đông đã trích lại 20% từ lợi nhuận của các đơn hàng để duy trì quỹ của tổ hợp tác. Nguồn quỹ này không nhiều nhưng dành để sinh hoạt, thăm hỏi các thành viên trong tổ khi ốm đau và phần còn lại hỗ trợ cho chị em vay để thu mua ve chai.
Theo bà Hồ Phương Uyên Nhi, sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, phường An Cựu mới có địa bàn rộng hơn (được sáp nhập từ phường An Đông, An Cựu, An Tây - PV), có nhiều cơ sở thu mua ve chai, phế liệu. Nên chăng dự án cân nhắc kết nạp thêm thành viên vào tổ hợp tác nghề ve chai, có các chính sách hỗ trợ như thành viên cũ trước đó để mở rộng hoạt động và tăng cường tuyên truyền, lan tỏa phân loại rác tại nguồn cũng như xây dựng lối sống xanh trong cộng đồng.