Tổ chức sự kiện ở vỉa hè, lòng đường: Cân nhắc giữa lợi và hại
Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ và sự gia tăng mật độ dân cư tại các thành phố lớn, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích ngoài giao thông đang là vấn đề được bàn luận rộng rãi. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất cho phép người dân sử dụng vỉa hè, lòng đường để tổ chức các sự kiện như: Đám tang, đám cưới..., nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.Một trong những lý do được đưa ra để ủng hộ việc cho phép tổ chức các sự kiện trên vỉa hè, lòng đường vì đây là nhu cầu thực tế phát sinh từ sự hạn chế về không gian sống trong các khu đô thị đông đúc. Chịu ảnh hưởng của tình trạng mật độ dân cư quá cao, nhiều gia đình không có đủ không gian trong nhà để tổ chức các sự kiện như: Đám cưới, đám tang... Họ buộc phải sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để dựng rạp và tổ chức các hoạt động đó.Việc cho phép tổ chức các sự kiện trên vỉa hè, lòng đường được xem như một giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Đà Nẵng - nơi không gian sống chật hẹp và cơ sở hạ tầng công cộng như: Nhà văn hóa... chưa đủ đáp ứng.
Được biết, từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, trong đó có quy định rõ về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè và giao cho Bộ GTVT trình Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông đường bộ. Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về nội dung dùng lòng đường, vỉa hè.
Bộ GTVT đề xuất Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phục vụ các hoạt động: Sự kiện chính trị và hoạt động văn hóa, thể thao; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống cháy nổ; tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh; phục vụ thi công xây dựng công trình.
Người dân cũng sẽ được sử dụng lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường huyện, xã, thôn, đường chuyên dùng, đường đô thị nhưng không bao gồm đường phố chính đô thị theo quy định. Người dân dùng các khu vực đường này để tập kết, thu gom rác thải, vật liệu xây dựng; tổ chức đám tang; tổ chức đám cưới; sử dụng vào việc trông, giữ phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp cần thiết.
Theo Bộ GTVT đề xuất, người dân khi muốn dùng vỉa hè lòng đường vào mục đích khác ngoài giao thông phải có đơn đề nghị cấp phép của khu quản lý đường bộ thực hiện đối với quốc lộ được giao quản lý; Sở GTVT thực hiện đối với đường được giao quản lý; UBND cấp huyện, xã thực hiện đối với đường được giao quản lý; Sở Xây dựng thực hiện đối với vỉa hè đô thị. Thời hạn xem xét phê duyệt đơn trong vòng 1 ngày đối với đám tang, không quá 5 ngày làm việc đối với các trường hợp khác.
Nếu người dân được cấp phép thì sau khi dùng xong phải trả lại nguyên trạng lòng đường, vỉa hè và phải bồi thường thiệt hại nếu gây ra nếu hư hỏng kết cấu hạ tầng đường bộ…
Việc cho phép tổ chức các sự kiện trên vỉa hè và lòng đường có thể giải quyết nhu cầu của người dân khi không có đủ không gian trong gia đình hoặc khu vực sinh sống để tổ chức các sự kiện quan trọng. Trong nhiều trường hợp, việc tổ chức các sự kiện tại các nhà văn hóa, trung tâm tiệc cưới, hoặc các địa điểm công cộng là không khả thi hoặc quá đắt đỏ đối với một bộ phận người dân. Tổ chức sự kiện ngoài trời, trong một số trường hợp, có thể giúp gia đình gắn kết với cộng đồng xung quanh, tạo nên không khí đoàn kết, chung tay trong những dịp đặc biệt.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường cho các mục đích như tổ chức đám tang, đám cưới là hợp lý, nhưng cần đảm bảo rằng việc sử dụng không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Luật sư Nguyễn An Bình cũng nhấn mạnh rằng các quy định cần phải được thiết kế sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa bảo vệ được an toàn cho cộng đồng.
Ở góc nhìn khác, đối với một số người, việc tổ chức đám cưới, đám tang ngay trên vỉa hè, lòng đường sẽ làm giảm vẻ đẹp và sự văn minh của đô thị. Điều này có thể làm xấu đi không gian công cộng, đặc biệt trong những khu vực trung tâm thành phố. Việc tổ chức sự kiện trên đường phố có thể gặp phải sự phản đối từ người dân sống xung quanh, đặc biệt nếu việc sử dụng vỉa hè, lòng đường gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ. Bên cạnh đó, việc dựng rạp, kéo dài thời gian tổ chức sự kiện có thể làm tắc nghẽn giao thông, đặc biệt là ở các khu vực đông đúc; thậm chí, còn tiềm ẩn các nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần có quy định rõ ràng về việc lựa chọn các tuyến đường phù hợp để tổ chức các sự kiện, và chỉ cho phép sử dụng vỉa hè, lòng đường nếu đảm bảo được an toàn giao thông và không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia về giao thông, cần áp dụng các quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường nhằm giúp giảm thiểu tình trạng chiếm dụng trái phép, đồng thời giúp các sự kiện diễn ra một cách có trật tự, không ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Có thể thấy, quy định về việc tổ chức đám tang, đám cưới... ở vỉa hè, lòng đường cần có sự xem xét toàn diện, đa chiều giữa việc đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Các quy định cần phải rõ ràng, nghiêm ngặt và linh hoạt để tránh lạm dụng và đồng thời không làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Mặc dù việc cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường có thể giúp giải quyết nhiều khó khăn của các gia đình trong các dịp đặc biệt, nhưng cần phải thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở và có phương án kiểm soát hợp lý từ các cơ quan chức năng liên quan.
(Theo dangcongsan.vn)