Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 an toàn, nghiêm túc

Tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, TP diễn ra ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng BCĐ đã đưa ra nhiều thông điệp và lưu ý trong công tác tổ chức kỳ thi.

Số lượng thí sinh tăng 45.000

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023); trong đó, số thí sinh tự do là 46.978 (chiếm 4,38% tổng số thí sinh). Các thí sinh dự thi tại 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023) với tổng số 45.149 phòng thi.

Cả nước có gần 67.000 thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ (chiếm 6,25% tổng số thí sinh); Hà Nội là địa phương có thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ đông nhất với hơn 21.500 em.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định".

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định".

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/TP trực thuộc T.Ư chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Năm nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành sớm và đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức kỳ thi. Các công việc chuyên môn như: xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi; các hệ thống, phần mềm, công tác tập huấn… được tích cực chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Bộ GD&ĐT tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi ở 10 địa phương và sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra chuyên sâu từ nay đến trước khi kỳ thi diễn ra.

Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã chủ động trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi, sớm thành lập BCĐ thi cấp tỉnh, cấp huyện với đầy đủ các thành phần theo quy định, huy động cả hệ thống chính trị, sở, ban, ngành vào cuộc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng thành viên BCĐ.

Cùng với đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là việc tuyền truyền, phổ biến cho kỳ thi, bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Sở GD&ĐT địa phương đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi; đội ngũ cán bộ làm thi được huy động và tập huấn đầy đủ, bảo đảm nắm vững quy chế trước khi bố trí tham gia thực hiện các khâu của kỳ thi.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi còn khó khăn, hạn chế; còn xảy ra tình trạng chậm duyệt hồ sơ của thí sinh so với lịch công tác…

Tiếp tục rà soát mọi điều kiện

Từ nay đến trước kỳ thi, BCĐ cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi; phân công trực đường dây nóng đã công bố đến 63 tỉnh, TP để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Đồng thời tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức kỳ thi; triển khai thanh tra, kiểm tra các khâu tiếp theo của kỳ thi theo kế hoạch và phương án đã được phê duyệt.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Cùng với đó, BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh kết thúc đúng hạn; tiếp tục rà soát việc ban hành văn bản, các quy định thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện; rà soát phân công nhiệm vụ hoặc bổ sung nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ.

Các địa phương lưu tâm đến việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi; chọn nhân sự làm thi; phân cấp, phân công đúng người đúng việc; tập huấn kỹ càng; rà soát tổng thể mọi khâu trước khi diễn ra kỳ thi; thực hiện công tác báo cáo, cập nhật số liệu về công tác tổ chức thi, chấm thi theo đúng quy định...

BCĐ lưu ý, các địa phương tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, quy định pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng kịch bản và phương án dự phòng cho từng khâu trong quá trình triển khai tổ chức kỳ thi.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: kỳ thi tốt nghiệp THPT có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trên quy mô toàn quốc với số lượng rất đông thí sinh, cán bộ làm thi nhưng lại trong thời gian rất ngắn; vì vậy đòi hỏi phải có nhận thức đúng, đủ và sự chuẩn bị chủ động từ sớm, từ xa.

Do đó, các địa phương cần quán triệt phương châm tất cả vì thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh khó khăn, vùng sâu vùng xa, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế khó khăn hoặc vì giao thông cách trở. Ngoài yếu tố nghiêm túc, an toàn, kỳ thi còn hướng đến sự nhân văn, chu đáo và thân thiện.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng 3 không"; trong đó "4 đúng" là: đúng quy chế, đúng vị trí chức trách, đúng thời điểm và đúng quy trình và "3 không" là không lơi là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

“Với tinh thần chủ động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và công tác phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tin chắc rằng kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, chu đáo, thân thiện, nhân văn” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/to-chuc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2024-an-toan-nghiem-tuc.html
Zalo