TMĐT xuyên biên giới: Đòn bẩy đưa hàng Việt chinh phục thị trường toàn cầu

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do phụ thuộc nền tảng ngoại, hạn chế về logistics, thiếu hiểu biết pháp lý và chưa làm chủ được dữ liệu khách hàng quốc tế.

Năng lực vận hành còn yếu, phụ thuộc vào nền tảng quốc tế

TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang trở thành xu hướng tất yếu khi doanh thu B2C tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, đạt khoảng 3,3 tỷ USD năm 2021 và được dự báo đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2026. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT đạt khoảng 25 tỷ USD, chiếm 9% tổng mức bán lẻ và tăng trưởng 20% so với năm trước đó.

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành động lực then chốt giúp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới tăng trưởng xuất khẩu dài hạn. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự làm chủ được sân chơi này.

Nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái TMĐT bền vững tại Việt Nam đang được Cục TMĐT&KTS tích cực triển khai thông qua nhiều chương trình hành động cụ thể. Ảnh: PV

Nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái TMĐT bền vững tại Việt Nam đang được Cục TMĐT&KTS tích cực triển khai thông qua nhiều chương trình hành động cụ thể. Ảnh: PV

Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2024 cho thấy, TMĐT trong nước tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn tồn tại “tính không bền vững” do “khoảng cách số và nguồn nhân lực hạn chế”, đặc biệt là năng lực tham gia TMĐT xuyên biên giới. Theo dữ liệu từ Access Partnership năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu qua TMĐT B2C của Việt Nam đạt khoảng 86 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 26%. Đáng chú ý, 93% SME cho biết họ không thể xuất khẩu nếu không thông qua TMĐT.

Dù TMĐT đã góp phần giúp hàng hóa Việt Nam ra quốc tế, nhưng phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn phụ thuộc vào các nền tảng TMĐT ngoại và chưa làm chủ được toàn bộ chuỗi giá trị số. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế, thiếu kiến thức pháp lý và bảo hộ thương hiệu khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Theo ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương, TMĐT toàn cầu không đơn thuần là mở gian hàng mà là cuộc chơi đòi hỏi tư duy từng bước làm chủ chuỗi giá trị số. Để TMĐT xuyên biên giới trở thành đòn bẩy tăng trưởng dài hạn, doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn trong tư duy tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế, thay vì chỉ dựa vào nền tảng sẵn có. Hiện nay không ít doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay dừng lại ở việc đưa hàng lên sàn mà thiếu chiến lược bài bản về xây dựng cơ sở dữ liệu, vận hành, marketing và dịch vụ hậu mãi xuyên biên giới.

Chìa khóa để hàng Việt bứt phá trong chuỗi giá trị toàn cầu

Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TMĐT được xác định là lĩnh vực tiên phong để hiện đại hóa hệ thống sản xuất và mô hình phân phối, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo đà tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu. Tại Vietnam International Sourcing 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cũng nhấn mạnh: TMĐT xuyên biên giới là công cụ hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt, đặc biệt là SME, vượt qua rào cản địa lý và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện Cục TMĐT&KTS, cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển TMĐT xuyên biên giới, cần xây dựng hệ sinh thái TMĐT đồng bộ, kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất, kênh phân phối, công nghệ, logistics và tài chính. Không một doanh nghiệp nào có thể đơn lẻ xử lý toàn bộ các yếu tố này. Vì vậy, hệ sinh thái TMĐT phải là mạng lưới hợp tác đa chiều giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ, đơn vị xuất khẩu, dịch vụ logistics, tổ chức tài chính, người tiêu dùng, các cơ sở đào tạo và truyền thông để tạo nên nền tảng phát triển bền vững và linh hoạt.

Để nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam, Cục TMĐT&KTS đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái TMĐT bền vững qua các chương trình hành động như: hoàn thiện chính sách, đào tạo và hỗ trợ SME, phát triển hạ tầng số (thanh toán, logistics, AI), thúc đẩy hợp tác quốc tế và TMĐT xuyên biên giới để mở rộng xuất khẩu.

TMĐT xuyên biên giới mở ra cơ hội xuất khẩu mới, nhưng cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp. Ảnh: PV

TMĐT xuyên biên giới mở ra cơ hội xuất khẩu mới, nhưng cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp. Ảnh: PV

Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ xây dựng năng lực nội tại để tự điều phối, tối ưu và đo lường hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới, thay vì chỉ “tham gia” mà không “làm chủ”. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt, hiện tại có nhiều đối tác vận hành TMĐT quốc tế đã và đang làm việc với Cục TMĐT&KTS để trao đổi thí điểm các mô hình xuất khẩu hàng hóa qua TMĐT, đồng thời từng bước mở rộng phạm vi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

TMĐT xuyên biên giới mở ra cơ hội xuất khẩu mới, nhưng cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp. TMĐT xuyên biên giới không chỉ là phương thức bán hàng, mà còn là công cụ định vị hàng Việt trên bản đồ kinh tế số toàn cầu. Để khai thác hiệu quả kênh này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia đồng bộ và sự chuyển mình thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp.

Ánh Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tmdt-xuyen-bien-gioi-don-bay-dua-hang-viet-chinh-phuc-thi-truong-toan-cau-post1216418.vov
Zalo