Tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực thi hành của 3 Luật

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương), có ý kiến cho rằng, cần tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 đối với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh thời hạn có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1.8.2024. Riêng Khoản 10, Điều 255 và Khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1.1.2025.

Quang cảnh Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương thảo luận tại tổ

Quang cảnh Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương thảo luận tại tổ

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, việc đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống "không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này".

Ủy ban Kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật sớm đi vào cuộc sống. Một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) thảo luận tại tổ

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) thảo luận tại tổ

Đồng tình với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, cần tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và phải hết sức thận trọng về tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của Luật từ ngày 1.8.2024; mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành Luật trong trường hợp Luật có hiệu lực thi hành từ 1.8.2024.

Về hồ sơ của dự án Luật, trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, Chính phủ cần báo cáo bổ sung các nội dung: tiến độ, lộ trình xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật; phân tích, so sánh về chi phí, lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đánh giá tác động, vấn đề sử dụng đất của cá nhân là người nước ngoài; tổng hợp ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và các tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khi các luật có hiệu lực sớm.

Hiện nay, Chính phủ mới ban hành văn bản quy phạm hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Trung ương, nhưng văn bản thuộc thẩm quyền địa phương theo quy định của Luật thì chưa có. Đây là những vấn đề cần làm rõ.

Về điều kiện bảo đảm thi hành đối với Luật Đất đai, cần có 16 văn bản quy định, trong đó có 9 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 6 thông tư. Nhưng đến nay mới chỉ ban hành được một nghị định (ngày 16.4.2024) của Chính phủ (quy định về hoạt động lấn biển).

Đối với Luật Nhà ở, cần ban hành 7 văn bản quy định chi tiết; Luật Kinh doanh bất động sản cần 4 văn bản, nhưng hiện nay cũng chưa ban hành được văn bản nào thuộc thẩm quyền Trung ương. Trong khi đó, các văn bản thuộc thẩm quyền của địa phương lại phụ thuộc vào văn bản của Trung ương. Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, phải rất cẩn trọng khi thông qua nội dung này.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tinh-toan-ky-thoi-diem-dieu-chinh-hieu-luc-thi-hanh-cua-3-luat-i376198/
Zalo