Tình quân dân nơi thượng nguồn Sê Rê Pốk
Từ trung tâm xã Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, men theo con đường đất đỏ bazan quanh co, vượt qua những rẫy cà phê, hồ tiêu xanh ngắt, chúng tôi tìm đến Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP tỉnh Đắk Lắk - một 'pháo đài thép' án ngữ nơi vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia. Vùng đất này không chỉ in dấu chân của những người lính Biên phòng trong hành trình gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, mà còn đong đầy những việc làm nghĩa tình, góp phần thắp sáng niềm tin yêu vào Đảng và Nhà nước vào màu áo xanh người lính của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M'nông.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Phương Thùy
"Bà con cần, chúng tôi có mặt!"
Nắng tháng 7 trải vàng rực khắp đại ngàn. Tiếng gió thổi qua rừng khộp, rừng bằng lăng vi vu như bản nhạc nền cho câu chuyện kể về những bước chân bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk trong hành trình kết nối trái tim nơi vùng biên.
Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 13km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia và phụ trách địa bàn xã biên giới Buôn Đôn - một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Ở nơi vùng biên đầy nắng gió và đầy khó khăn này, câu chuyện về tình quân dân lại một lần nữa được viết nên bằng những việc làm đầy nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk. Trong đó, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình ông Y Phok Hra, dân tộc Ê Đê, trú tại buôn Đrang Phốk đã trở thành địa chỉ đỏ trong hành trình sẻ chia, nâng bước của những người lính quân hàm xanh.
Gia đình ông Y Phok Hra là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã biên giới Buôn Đôn. Hai ông bà nay tuổi cao, sức yếu, thường xuyên đau ốm; gia đình chỉ có ít đất canh tác trồng lúa, trồng rau sinh sống qua ngày. Vợ chồng ông Y Phok Hra lấy nhau gần 30 năm nhưng lại không có con nên khi đau ốm không có người đỡ đần, chăm sóc, phải nhờ bà con lối xóm và BĐBP giúp đỡ. Căn nhà trước đây hai ông bà đang ở là của Lâm trường buôn Đrang Phốk dựng cho hơn 20 năm nên gỗ ván, mái ngói đã mục nát, cột nhà đã xiêu vẹo, có khả năng sẽ sập đổ bất cứ lúc nào.
Thấu hiểu khó khăn đó, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã phối hợp với Báo Đại đoàn kết và các mạnh thường quân quyết định xây tặng cho gia đình ông Y Phok Hra một căn nhà mới với mong muốn động viên, chia sẻ khó khăn, giúp ông bà không còn lo sợ mỗi khi mùa mưa, bão đến. Sau gần 3 tháng khởi công xây dựng, đến nay, căn nhà Đại đoàn kết đã hoàn thiện và bàn giao, đưa vào sử dụng. Căn nhà tuy nhỏ nhưng chứa đựng nghĩa tình lớn lao của những người lính Biên phòng dành cho đồng bào nơi phên giậu Tổ quốc. Với gia đình ông Y Phok Hra, đó không chỉ là nơi che mưa, trú nắng, mà còn là điểm tựa vững chắc để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Còn với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, niềm vui lớn nhất chính là được sẻ chia, được đồng hành cùng bà con, để mỗi mái nhà nơi biên giới luôn ấm tình quân dân.
Những đóa hoa thơm nở giữa đá sỏi
Việc làm nhà Tình nghĩa, phát gạo cứu đói mùa giáp hạt, hỗ trợ sinh kế bằng con giống, cây trồng không còn là chuyện lạ ở vùng đất này. Đó là hành động thường xuyên, thấm đẫm tình người, xuất phát từ cái tâm của những người lính quân hàm xanh luôn sát cánh cùng dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tặng bò giống cho các hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Phương Thùy
Gần 2 năm kể từ ngày được Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hỗ trợ mô hình sinh kế “nuôi heo rừng lai”, vợ chồng chị H’Nghĩa Mlô, xã Buôn Đôn đã tìm được niềm vui và hy vọng mới trong cuộc sống. Chị H’Nghĩa Mlô kể, gia đình chị thuộc diện khó khăn trong buôn. Để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, chồng chị từng phải dùng súng tự chế để vào rừng săn bắn. Nắm bắt được hoàn cảnh, cách đây hơn 2 năm về trước, các cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình tự nguyện giao nộp vũ khí, đồng thời hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp bằng một cặp heo rừng lai. “Từ 2 con giống ban đầu, nay gia đình đã phát triển thành 5 con, trong đó có 3 con chuẩn bị đẻ, hứa hẹn sẽ giúp gia đình mở rộng quy mô chuồng để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống” - chị H’Nghĩa Mlô phấn khởi cho biết thêm.
Không chỉ chăm lo “miếng cơm, manh áo”, các chiến sĩ còn nâng niu con chữ, ánh sáng tri thức cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số. Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” từ khi được triển khai đến nay đã giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Như em Y Phú Mlô, sinh năm 2014, có hoàn cảnh rất khó khăn, mẹ mất sớm, bố bỏ đi nơi khác sinh sống, em sống với gia đình ông ngoại đã ngoài 60 tuổi. Khi được nhận làm “con nuôi”, em được bố trí ở tại đồn, ăn ở như một thành viên trong gia đình lính. Các anh chăm lo từ bữa cơm đến giấc ngủ, hỗ trợ tiền học phí, dụng cụ học tập. Giờ đây, em Y Phú Mlô đã trở thành học sinh giỏi của trường, mơ ước sau này sẽ trở thành chiến sĩ Biên phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ sự bình yên cho buôn làng của mình.
Ngoài Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk còn duy trì đều đặn các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Tay kéo Biên phòng”, “Tủ sách Biên phòng”... Những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, thể hiện sự gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân. Đơn cử như con đường gần 2km dẫn vào buôn Ea Mar, xã Buôn Đôn trước đây chỉ toàn ổ voi, ổ gà, mùa mưa thì trơn trượt, lầy lội, học sinh đến trường phải lội bùn, trượt ngã là chuyện thường ngày. Thấu hiểu nỗi vất vả ấy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã phối hợp với chính quyền địa phương, vận động mạnh thường quân hỗ trợ vật liệu, còn bộ đội thì góp công sức, từng bước san lấp, đổ bê tông. Sau nhiều tháng kiên trì, con đường mơ ước ấy đã hoàn thành, mở ra hành trình đến trường an toàn hơn cho bao thế hệ học trò vùng biên.
Nơi biên giới không thiếu những gian nan. Mỗi mùa khô, gió Lào hun đốt những cánh rừng, còn mùa mưa, nước suối dâng cao, cô lập bản làng. Nhưng chưa bao giờ người dân cảm thấy đơn độc, vì luôn có những người lính Biên phòng kề vai sát cánh. Không dừng ở đó, mỗi khi có bệnh dịch, thiên tai, cán bộ y tế của đồn lại lên đường mang thuốc, khẩu trang, xuống từng hộ dân để kiểm tra sức khỏe, tuyên truyền phòng bệnh cho nhân dân. Sống giữa vùng đất “gió bụi đỏ chân, rừng khộp cháy mùa khô”, những người lính Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk vẫn ngày ngày thầm lặng gieo hạt yêu thương, hy vọng cho người dân. Nơi ấy, tình quân dân ngày càng bền chặt và giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, vẫn vang lên những khúc nhạc ngợi ca người lính Biên cương như những đóa hoa thơm nở giữa đá sỏi, vươn mình giữa nắng gió để che chở cho cuộc sống yên bình của dân làng.