Tỉnh miền núi Sơn La bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Sáng 30/6, 75 xã, phường mới của tỉnh Sơn La đã đồng loạt tổ chức hội nghị trực tiếp, kết hợp kết nối trực tuyến với điểm cầu trung tâm của tỉnh để các đại biểu cùng theo dõi Lễ công bố các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến hoạt động của cấp xã mới, bắt đầu từ ngày 1/7/2025.

Xã Phiêng Pằn mới của tỉnh Sơn La được thành lập từ việc sáp nhập 3 xã Chiềng Lương, Phiêng Pằn và Nà Ớt của huyện Mai Sơn (cũ), với trụ sở đặt tại xã Phiêng Pằn cũ. Tổng số cán bộ, công chức xã là 64 người, bao gồm cả cán bộ của 3 xã sáp nhập và chuyển từ huyện Mai Sơn về.

Xã biên giới Phiêng Pằn được thành lập từ việc sáp nhập 3 xã Chiềng Lương, Phiêng Pằn và Nà Ớt của huyện Mai Sơn.

Xã biên giới Phiêng Pằn được thành lập từ việc sáp nhập 3 xã Chiềng Lương, Phiêng Pằn và Nà Ớt của huyện Mai Sơn.

Trong tuần qua, xã đã thử nghiệm vận hành bộ máy mới, qua đó, giúp các cán bộ, công chức ở từng bộ phận có điều kiện làm quen với công việc của mình để khi vận hành chính thức không bị bỡ ngỡ. Chị Lò Thị Giang, chuyên viên thuộc Trung tâm Hành chính công và chị Phạm Thu Hằng, cán bộ trẻ thuộc Văn phòng Đảng ủy xã Phiêng Pằn mới cho biết:

"Công tác tại Trung tâm hành chính công, chúng tôi xác định làm việc với tinh thần trách nhiệm chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phần nâng cao sự phát triển của đất nước và nhu cầu của người dân". - Chị Lò Hương Giang nói.

"Chúng tôi là những cán bộ trẻ sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng hành cùng nhân dân trong phát triển kinh tế, vì nhân dân phục vụ các thủ tục hành chính, tận tâm, tận tụy hết mình, xây dựng xã Phiêng Pằn vững mạnh, giàu đẹp và văn minh, tự tin vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước". - Chị Phạm Thu Hằng chia sẻ.

Cán bộ, chuyên viên xã Phiêng Pằn thử nghiệm vận hành bộ máy mới.

Cán bộ, chuyên viên xã Phiêng Pằn thử nghiệm vận hành bộ máy mới.

Với diện tích hơn 320 km², dân số trên 24.000 người, xã Phiêng Pằn mới thuộc top 10 xã rộng nhất tỉnh Sơn La. Toàn xã hiện có 45 bản và hơn 4.800 hộ, với 5 dân tộc chủ yếu là Thái, Mông, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú sinh sống. Những ngày này, đội ngũ lãnh đạo các bản đã, đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu về chủ trương sáp nhập, nhất là biết rõ từ ngày 1/7/2025 khi làm các thủ tục hành chính thì cần phải đến trụ sở xã mới để triển khai.

Ông Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng bản Phú Lương, xã Chiềng Lương (cũ) thuộc huyện Mai Sơn, Sơn La nói: "Sau khi được nắm bắt được thông tin, chúng tôi đã về họp và thống nhất trong chi ủy chi bộ cùng tuyên truyền để người dân nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh, của huyện về các nhiệm vụ chung, bà con cũng rất đồng tình ủng hộ. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn con hiểu sâu rộng về lợi ích của việc sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, huyện, mục đích chính là phục vụ nhân dân, đưa chính quyền về gần dân hơn, sát dân hơn, tất cả vì nhân dân".

Nhờ được tuyên tuyền, hướng dẫn, nên người dân ở cả 45 bản của xã Phiêng Pằn mới đều cơ bản đã nắm được mình cần phải đến trụ sở xã mới để thực hiện các thủ tục hành chính.

Ông Lò Văn Tươi ở bản Chẳm Hin, xã Nà Ớt (cũ) hôm nay đến trụ sở xã mới làm thủ tục khai sinh cho cháu nội, ông rất vui khi được đội ngũ cán bộ xã hướng dẫn tận tình và triển khai các phần việc thuận lợi, nhanh chóng.

"Các xã sáp nhập vào tôi thấy các thủ tục liên quan đến người dân được giải quyết nhanh, gọn, không phức tạp và không phải đi lại nhiều". - Ông Lò Văn Tươi cho hay.

Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.

Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, mang lại sự hài lòng cho nhân dân.

Trong 1 tuần vận hành thử nghiệm bộ máy mới, từ đặc thù xã biên giới khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao gần 22%, các cán bộ sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của xã nhanh chóng họp bàn để thống nhất phương châm, kế hoạch hoạt động ngắn hạn và dài hạn.

Ông Lò Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn chia sẻ: "Xã trước hết là sẽ tập trung cao để rà soát, đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 cũng như lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông để kết nối giữa các xã cũng như các bản để đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân".

Chủ tịch xã Phiêng Pằn Lò Đức Ngọc cũng cho biết, trụ sở xã Phiêng Pằn (cũ) - nơi làm việc của xã mới hiện nay chỉ có 15 phòng làm việc và 01 nhà vệ sinh, vì thế việc bố trí phòng làm việc đáp ứng đủ cho nhu cầu của 64 người là vô cùng khó khăn. Cùng với đó, số cán bộ, công chức chuyển từ nơi khác đến phải ở lại nghỉ trưa và qua đêm là 47 người, trong khi nhà ở công vụ không có.

Chính vì vậy, UBND xã đã xây dựng phương án tạm thời, giúp các cán bộ, viên chức ở từng bộ phận có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chức trách được phân công.

"Hiện tại chúng tôi mới tạm thời bố trí được phòng làm việc riêng cho các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã và đang tận dụng 4 phòng công vụ của xã trước đây để bố trí phòng làm việc cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm việc với đơn vị trường học trên địa bàn và trạm y tế xã để mượn tạm phòng công vụ để bố trí tạm thời cho cán bộ, công chức nghỉ trưa, nghỉ tối. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư trụ sở mới và nhà công vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho cán bộ, công chức xã trên địa bàn". Ông Lò Đức Ngọc cho biết thêm.

Cán bộ, lãnh đạo xã Phiêng Pằn nhận nhiệm vụ tại Lễ công bố.

Cán bộ, lãnh đạo xã Phiêng Pằn nhận nhiệm vụ tại Lễ công bố.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; việc sáp nhập các xã không tránh khỏi những xáo trộn. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và người dân xã biên giới Phiêng Pằn nói riêng, 75 xã phường trong toàn tỉnh Sơn La nói chung đều vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng đời sống sẽ ổn định, phát triển hơn khi bước sang trang sử mới là thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bắt đầu từ ngày 1/7/2025.

Thu Thùy - Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-mien-nui-son-la-bat-dau-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-post1211348.vov
Zalo