Tỉnh lộ 433 - con đường huyết mạch 'gồng mình' giữa thiên tai

Tỉnh lộ 433, dài khoảng 90km, không chỉ là một tuyến đường bộ mà còn là huyết mạch, kết nối vùng thuận lợi với các xã vùng cao như Đà Bắc, Cao Sơn, Tân Pheo, Đức Nhàn (tỉnh Phú Thọ) và nối sang tỉnh Sơn La. Đây còn là cầu nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH cho cả một vùng rộng lớn. Tuy vậy, do điều kiện đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi cao, có độ dốc lớn, con đường này luôn phải 'gồng mình' chống chọi với những thách thức khắc nghiệt từ thiên tai...

Tuyến tỉnh lộ 433 thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất nguy hiểm trong các hình thái thời tiết cực đoan.

Tuyến tỉnh lộ 433 thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất nguy hiểm trong các hình thái thời tiết cực đoan.

Tuyến đường huyết mạch của các xã vùng cao

Tỉnh lộ 433 không chỉ là một con đường đơn thuần mà còn là huyết mạch giao thông mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KTXH và đời sống của người dân các xã vùng cao của tỉnh. Tuyến đường này đóng vai trò then chốt trong việc kết nối, giao thương và thúc đẩy sự thay đổi tích cực cho cả một khu vực rộng lớn. Tỉnh lộ 433 nối liền từ phường Tân Hòa đến với các xã vùng sâu, vùng xa như Đà Bắc, Cao Sơn, Tân Pheo, Đức Nhàn... (tỉnh Phú Thọ). Thậm chí, tuyến đường này còn vươn xa hơn khi nối sang tỉnh Sơn La, tạo thành một trục giao thông liên tỉnh.

Điểm sạt lở tại dốc suối Láo tỉnh lộ 433.

Điểm sạt lở tại dốc suối Láo tỉnh lộ 433.

Theo đồng chí Lương Văn Thi - Bí thư Đảng ủy xã Đà Bắc, tỉnh lộ 433 không chỉ dừng ở việc đi lại mà còn là đòn bẩy quan trọng cho phát triển KTXH của khu vực. Khi nó trở thành đòn bẩy để thúc đẩy giao thương, buôn bán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ vùng cao đến với thị trường và ngược lại. Các sản phẩm đặc trưng của các xã vùng cao như cá sông Đà, mật ong, măng, chè Shan tuyết... có thể dễ dàng được tiêu thụ. Đồng thời, hàng hóa thiết yếu từ miền xuôi cũng được đưa lên phục vụ nhu cầu của người dân vùng cao. Bên cạnh đó, tỉnh lộ 433 còn là cửa ngõ quan trọng để các địa phương vùng cao mở rộng phát triển du lịch. Du khách tiếp cận các điểm du lịch cộng đồng, khám phá vẻ đẹp hoang sơ và trải nghiệm văn hóa của người Mường, Dao, Tày. Sự phát triển của du lịch sẽ tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Con đường còn giúp người dân vùng cao tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản...

Mặc dù vậy, tỉnh lộ 433 là tuyến đường đã được đầu tư xây dựng từ lâu và qua quá trình khai thác sử dụng đã xuống cấp. Đặc biệt, do thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhiều đoạn trên tuyến đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nguồn vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm còn hạn hẹp, việc bảo trì sửa chữa tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức rõ tầm quan trọng và những khó khăn mà tỉnh lộ 433 đang phải đối mặt, năm 2023 tỉnh Hòa Bình (cũ) đã quyết định đầu tư một khoản ngân sách hơn 60 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp tuyến đường này. Sau khi được sửa chữa, nhiều vị trí mặt đường bị hư hỏng đã được khắc phục triệt để, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

“Gồng mình” giữa thiên tai

Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, tỉnh lộ 433 vẫn luôn phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt từ thiên nhiên. Với đặc thù men theo địa hình đồi núi cao, đèo dốc quanh co, bên dưới là vực sâu, tuyến đường này luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Điển hình là những ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra vào tháng 9/2024. Trên tuyến tỉnh lộ 433 đã sạt lở ở 10 vị trí và 1 điểm ngầm tràn. Trong đó có 5 điểm tắc đường hoàn toàn.

Đợt mưa lũ đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 5/2025 gây xói, lở và cuốn trôi hàng chục mét đường tại xóm Chàm xã Tân Pheo.

Đợt mưa lũ đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 5/2025 gây xói, lở và cuốn trôi hàng chục mét đường tại xóm Chàm xã Tân Pheo.

Tại nhiều vị trí, khối lượng đất, đá sạt lở xuống lòng đường là rất lớn lên tới hàng nghìn m3. Đáng nói, không chỉ xảy ra sạt lở taluy dương, trên tuyến đường này còn có nhiều điểm bị sạt lở taluy âm, gây nguy hư hỏng nền đường. Những sự cố này không chỉ gây gián đoạn giao thông, cản trở việc đi lại và giao thương của người dân mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Mới đây nhất do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra từ ngày 21/6/2025 đến ngày 22/6/2025 tại Km24+790 thuộc xã Cao Sơn đã có khoảng hơn 4.000m3 đất đá bị sạt lở lấp xuống mặt đường gây ách tắc giao thông. Cũng tại khu vực này đã xảy ra tình trạng sạt taluy âm dài khoảng 7m và sâu khoảng 15m ảnh hưởng trực tiếp đến mặt đường.

Hàng chục mét mặt đường bị nước lũ cuốn trôi đã gây ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433 trong nhiều ngày.

Hàng chục mét mặt đường bị nước lũ cuốn trôi đã gây ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433 trong nhiều ngày.

Trước đó, trong đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng 5/2025 gây xói, lở và cuốn trôi hàng chục mét mặt, nền đường gây ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 433 trong nhiều ngày. Ngoài các vị trí trên, mưa lũ còn gây ra tình trạng sạt lở đất, đá ở nhiều điểm. Đặc biệt ở các khu vực xã Đức Nhàn và Cao Sơn, Tân Pheo, gây ách tắc giao thông. Các điểm sạt lở nghiêm trọng đã được ghi nhận tại Km 68+500 xã Đức Nhàn và Km 36+120 xã Cao Sơn.

Ngoài ra, khi có mưa lớn, nước đổ về trên các dòng suối còn gây ngập lụt, lũ ống tại một số khu vực như ngầm Chàm I, Km49+321, thuộc xã Tân Pheo. Mới đây nhất, có mặt tại dốc Suối Láo thuộc xóm Rằng của xã Cao Sơn vào trưa ngày 18/7/2025, dù điểm sạt lở đã được các cơ quan, lực lượng chức năng khắc phục, người và phương tiện có thể đi lại bình thường nhưng theo ghi nhận của chúng tôi hai bên taluy dương và taluy âm đoạn đường tỉnh lộ 433 chạy qua vẫn còn đất đá ngổn ngang. Hàng nghìn m3 đất đá có còn nguy cơ sạt lở, vùi lấp nền đường bất cứ lúc nào.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, do điều kiện địa chất và địa hình vùng núi cao của khu vực tuyến đường tỉnh lộ 433 đi qua có liên kết yếu, dễ sạt trượt. Hơn nữa, đặc điểm của tuyến đường là chạy men theo các sườn đồi, núi đất nên mỗi khi có mưa to là trên toàn tuyến lại xuất hiện các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao ở cả taluy âm lẫn taluy dương. Những năm qua với tần suất và mức độ tàn phá của thiên tai ngày càng tăng, việc duy trì sự an toàn và ổn định cho tuyến tỉnh lộ 433 là một bài toán khó, đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để tỉnh lộ 433 thực sự là một tuyến đường bền vững, kiên cường trước thiên tai, cần có những giải pháp đồng bộ và dài hạn. Bên cạnh việc tiếp tục duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá địa chất để xác định các điểm xung yếu, từ đó có biện pháp phòng ngừa sạt lở một cách hiệu quả bằng các công trình phòng hộ vững chắc như kè chắn, hệ thống thoát nước, mái dốc... triển khai theo lộ trình phù hợp. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông và phòng chống thiên tai cũng đóng vai trò quan trọng, giúp người chủ động, cảnh giác hơn trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp về thiên tai khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Mạnh Hùng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tinh-lo-433-con-duong-huyet-mach-gong-minh-giua-thien-tai-236366.htm
Zalo