Tinh gọn sau sắp xếp
Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Nghĩa là chỉ còn 1 tháng nữa để bộ máy mới sau sắp xếp đi vào hoạt động. Để đảm bảo hiệu quả cao cho việc sắp xếp, sẽ có nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Tại TP Thanh Hóa - đơn vị có sự sắp xếp lớn nhất của tỉnh đợt này khi sáp nhập nguyên trạng huyện Đông Sơn vào thành phố và nâng cấp một số đơn vị hành chính xã, thị trấn thành phường, không khí đang diễn ra rất khẩn trương.
Cách đây 1 tuần, thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1238/NQ-BTVQH15 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1582/KH-UBND, đặt ra yêu cầu sau khi đi vào hoạt động các đơn vị duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; không làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Trên bình diện cả tỉnh, trong lần sắp xếp này một số huyện, thị xã cũng có nhiều đơn vị hành chính phải sắp xếp, trong đó có những đơn vị thực hiện giải thể, thành lập mới. Vì thế, tâm lý chung ở các cộng đồng dân cư là khó tránh khỏi băn khoăn. Rồi đây sẽ có nhiều vấn đề thay đổi, nhất là khi người dân phải đi giải quyết các thủ tục hành chính để đảm bảo các vấn đề học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tỉnh Thanh Hóa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Trong những lần sắp xếp trước đây nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện giải thể, sáp nhập, thành lập mới hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực kia, người dân cũng tâm tư, và thực tế là bộ máy ở những đơn vị hành chính này cũng chưa thể hoạt động trơn tru ngay được. Nhất là con người luôn là vấn đề đặt ra khi có những điểm khác biệt nhất định cả trong sinh hoạt lẫn nhận thức, kiến thức... Tuy nhiên, chúng ta không quá áp lực, những vướng mắc chỉ mang tính nhất thời, mọi việc rất nhanh trở lại quỹ đạo, đáp ứng yêu cầu đề ra, và đạt mục đích mong muốn đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính công vụ.
Thực tế cho thấy, đến nay tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp đã có một diện mạo hoàn toàn mới với bộ máy được kiện toàn, tinh gọn, giúp tiết kiệm chi. Những kinh nghiệm này sẽ giúp các địa phương có đơn vị hành chính phải sắp xếp triển khai thực hiện chắc chắn, hiệu quả hơn các bước quy trình cũng như sự vận hành sau đó. Tuy nhiên, vấn đề sâu xa và lâu dài ở đây vẫn là câu chuyện vận hành bộ máy tổ chức hành chính mới, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi cả dân số và diện tích tự nhiên đều tăng, có phường, xã tăng lên gấp đôi, là áp lực không nhỏ cho câu chuyện đường dài. Những vấn đề này cần được lường trước để tính toán, xử lý sớm, ngay từ đầu.
Và hơn cả, dù có sắp xếp thế nào, sử dụng con người ra sao, thì trên hết cũng phải đặt mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh nhuệ nguồn nhân lực lên trên hết. Xét cho cùng, việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này không chỉ là hướng tới giảm số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã một cách cơ học, mà chính là bước đi cụ thể thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm về sắp xếp bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Những cán bộ không đáp ứng yêu cầu cần phải được mạnh dạn giải quyết chế độ sớm để không gây áp lực lên bộ máy, cũng rộng đường xử lý khi chúng ta thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy đồng loạt tại cơ sở sau này.