Tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả

Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng với nền kinh tế phát triển và sự ổn định chính trị, sở hữu một hệ thống pháp luật được thiết kế chặt chẽ, gọn gàng và đặc biệt hiệu quả. Các chuyên gia pháp luật trên thế giới đánh giá, phong cách làm luật của Nhật Bản không chỉ phản ánh tư duy tổ chức khoa học mà còn thể hiện tính linh hoạt để thích nghi với thay đổi của thời đại.

 Nguồn: photostock

Nguồn: photostock

Tính ngắn gọn và trọng tâm

Một trong những đặc điểm nổi bật của pháp luật Nhật Bản là sự ngắn gọn trong nội dung. Các đạo luật thường chỉ tập trung vào nguyên tắc cốt lõi, còn các nội dung chi tiết và kỹ thuật sẽ được quy định ở các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoặc hướng dẫn hành chính.

Sau khi luật được thông qua, các cơ quan hành chính sẽ soạn thảo thêm nghị định, thông tư, hoặc các văn bản hướng dẫn nhằm chi tiết hóa luật. Những văn bản này được thiết kế để dễ dàng sửa đổi mà không cần thông qua quy trình phức tạp như khi sửa đổi luật.

Trong trường hợp luật không rõ ràng, tòa án sẽ đóng vai trò giải thích và áp dụng, dựa vào án lệ hoặc nguyên tắc chung. Điều này giúp bổ sung chi tiết cho các lỗ hổng có thể tồn tại trong luật.

Những đạo luật điển hình

Mặc dù không phải đạo luật nào của Nhật Bản cũng được thiết kế tinh gọn, nhưng nhìn chung “quý hồ tinh bất quý hồ đa” là phong cách nổi bật của Nhật Bản trong quá trình làm luật. Ví dụ điển hình là Hiến pháp Nhật Bản (1947). Là văn bản pháp lý tối cao, song Hiến pháp Nhật Bản chỉ gồm 11 chương và 103 điều, ngắn gọn hơn rất nhiều so với Hiến pháp của nhiều nước khác. Trong đó, các điều khoản cũng được quy định vô cùng súc tích. Chẳng hạn, Điều 9 (Điều khoản hòa bình) cấm Nhật Bản tham gia chiến tranh và duy trì quân đội chính thức. Mặc dù chỉ là một dòng rất ngắn gọn nhưng có ý nghĩa và tác động sâu rộng, đặt nền móng cho chính sách hòa bình của Nhật Bản sau Thế chiến II. Các quy định liên quan đến quyền con người rất khái quát, tạo không gian linh hoạt cho các bộ luật khác.

Luật Công ty: quy định tổng quát về cách thành lập và vận hành công ty, nhưng các thủ tục chi tiết liên quan đến thuế, báo cáo tài chính thường được ban hành qua nghị định hoặc hướng dẫn từ cơ quan quản lý.

Luật bảo vệ thông tin Cá nhân: được ban hành lần đầu năm 2003, nhưng được sửa đổi nhiều lần để theo kịp sự phát triển công nghệ. Trong khi luật quy định chung về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, các chi tiết về loại thông tin, phương pháp bảo vệ, và mức phạt được quy định tại các nghị định.

Luật Giáo dục cơ bản: Luật này chỉ nêu các nguyên tắc cơ bản về giáo dục bắt buộc và quyền lợi của trẻ em. Các quy định cụ thể như chương trình học, sách giáo khoa, và ngân sách được giao cho Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) quy định.

Phong cách viết luật này phản ánh triết lý pháp lý của Nhật Bản: "Quy định ít, tác động lớn".

Nguồn gốc của phong cách lập pháp tinh gọn

Hệ thống pháp luật Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ hai nền pháp luật lớn là pháp luật Đức và Pháp, còn được gọi là hệ thống dân luật (Civil Law - để phân biệt với hệ thống thông luật là Common Law), trong đó luật pháp chủ yếu mang tính khung pháp lý và được làm rõ qua các văn bản dưới luật hoặc án lệ.

Bên cạnh đó, phong cách lập pháp này cũng bắt nguồn từ văn hóa tổ chức Nhật Bản với việc ưu tiên tính rõ ràng, chặt chẽ và giảm thiểu xung đột pháp lý đã ăn sâu vào cách tổ chức luật pháp.

Tư duy lập pháp này cũng gắn liền với bối cảnh lịch sử. Từ cuối thế kỷ XIX, khi Nhật Bản bước vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân, việc học hỏi các mô hình pháp luật tiên tiến từ phương Tây đã định hình phong cách viết luật súc tích và tập trung vào nguyên tắc lớn, để dễ dàng thích nghi với sự phát triển.

Phong cách thiết kế luật khung cũng thể hiện sự phân quyền, phân cấp rõ ràng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp, trong đó, Quốc hội (Kokkai) ban hành luật với vai trò xác định các nguyên tắc cơ bản. Các bộ, ngành và cơ quan chính phủ phụ trách xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết, phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể. Điều này tạo nên sự phân cấp rõ ràng giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.

Chẳng hạn, Luật Bảo vệ môi trường đặt ra mục tiêu giảm phát thải, nhưng cách thực hiện như áp dụng công nghệ nào, trợ cấp ra sao sẽ do các nghị định hoặc thông tư quyết định.

Hoặc như Luật Bảo vệ thông tin cá nhân đưa ra các nguyên tắc chung, nhưng chi tiết về cách thực hiện sẽ được quy định bởi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp.

Tính ưu việt và hạn chế

Tư duy lập pháp của Nhật Bản đã chứng tỏ sự ưu việt của nó khi bảo đảm cho hệ thống pháp luật của Nhật Bản vừa ổn định vừa linh hoạt trong nhiều thập kỷ qua. Các vấn đề chi tiết được xử lý bởi cơ quan hành chính, giúp giảm áp lực cho Quốc hội. Việc thay đổi nội dung chi tiết không cần sửa đổi luật, chỉ cần sửa đổi văn bản dưới luật. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội, khoa học, công nghệ phát triển và thay đổi từng ngày, việc tạo ra tính linh hoạt các đạo luật là vô cùng cần thiết. Điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực để sửa đổi các bộ luật đồ sộ, với những quy trình phức tạp và tốn kém.

Bên cạnh đó, việc thiết kế luật ngắn gọn, rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ áp dụng đặc biệt trong một hệ thống pháp luật chặt chẽ như Nhật Bản. Những nội dung phức tạp sẽ được giải thích rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn bổ sung. Và các văn bản bổ sung (văn bản dưới luật) này cũng được công bố công khai để bảo đảm minh bạch.

Trường phái luật khung cũng giúp bảo đảm sự ổn định của hệ thống pháp lý: Nhật Bản là quốc gia luôn đối mặt với thay đổi nhanh chóng về công nghệ, xã hội, và môi trường toàn cầu. Việc giữ luật ngắn gọn giúp Quốc hội dễ dàng sửa đổi khi cần mà không phải tái cấu trúc toàn bộ luật cũng như làm xáo trộn toàn bộ hệ thống pháp lý. Chẳng hạn, Luật Đầu tư Nước ngoài liên tục được điều chỉnh để phù hợp với các yêu cầu hội nhập quốc tế mà không phải viết lại toàn bộ.

Hạn chế xung đột pháp lý: bằng cách tập trung vào các nguyên tắc lớn, luật Nhật Bản giảm nguy cơ mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản khác.

Tuy nhiên, trường phái thiết kế luật khung với các điều khoản ngắn ngọn cũng có những mặt hạn chế. Trước hết là luật sẽ phụ thuộc nhiều vào văn bản dưới luật: một số quy định cụ thể quan trọng lại không được đề cập rõ trong luật mà nằm ở các thông tư, nghị định. Luật đôi khi cần nhiều văn bản hướng dẫn bổ sung, dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào cơ quan hành chính. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho người dân khi tra cứu. Đặc biệt là người nước ngoài hoặc doanh nghiệp quốc tế thường gặp khó khăn trong việc nắm rõ toàn bộ quy định khi chúng nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào cơ quan hành pháp để đưa ra hướng dẫn chi tiết có thể làm gia tăng quyền lực cho cơ quan hành pháp. Vì nhiều chi tiết do cơ quan hành chính quyết định, nên đôi khi có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền hoặc thiếu kiểm soát chặt chẽ.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tinh-gon-linh-hoat-va-hieu-qua-post397939.html
Zalo