Tinh giản bộ máy qua góc nhìn doanh giới: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tinh giản bộ máy là một cuộc cải tổ sâu rộng về cấu trúc và vận hành, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, loại bỏ sự chồng chéo và tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý.

Chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước là một bước đột phá chiến lược, không chỉ nhằm giải quyết tình trạng cồng kềnh của hệ thống hành chính mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Tinh giản bộ máy không đơn thuần là giảm nhân sự, mà là một cuộc cải tổ sâu rộng về cấu trúc và vận hành, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, loại bỏ sự chồng chéo và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc

Thời cơ đã sẵn sàng

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, khi yêu cầu về sự linh hoạt, sáng tạo và minh bạch ngày càng tăng, việc tinh gọn bộ máy không chỉ là nhiệm vụ nội tại của Nhà nước mà còn là bước đi để bắt kịp xu thế toàn cầu, tạo động lực cho đổi mới và tăng trưởng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực cải cách hành chính, nhu cầu vừa hội nhập vừa cạnh tranh quốc tế cùng những thành tựu công nghệ và chuyển đổi số, tinh giản bộ máy chính là chìa khóa để cải thiện hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên công. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, không chỉ từ Trung ương mà cần sự đồng lòng ở tất cả các cấp.

Dĩ nhiên, nhận thức và nỗ lực tinh giản bộ máy không phải đến bây giờ mới có. Các thế hệ lãnh đạo đều đã ý thức và có những quan tâm nhất định đến nhu cầu này. Tuy thế, sự tiếp cận một cách có hệ thống, đến tận gốc rễ và quyết liệt “ngay và luôn” thì chỉ đến bây giờ mới xuất hiện. Có lẽ cũng một phần vì các điều kiện và thời cơ cũng đã sẵn sàng hơn.

Một điểm đáng ghi nhận là tinh thần “Trung ương làm trước, các tỉnh, huyện làm theo” đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu và dẫn dắt của các cơ quan đứng đầu. Nhưng thành công của chủ trương này cũng còn phụ thuộc rất lớn vào cách triển khai: Nếu chỉ tập trung giảm số lượng mà không chú trọng chất lượng và tính hiệu quả thì không những không đạt được mục tiêu mà còn gây ra những bất ổn không đáng có.

Tôi tin với sự quyết liệt và kinh nghiệm trực tiếp từ thành công trong việc tinh giản tại Bộ Công an trước đây sẽ giúp nỗ lực này thuận lợi và thành công. Mặc dù, theo tôi, ban đầu, việc tinh giản không tránh khỏi những tác động tiêu cực như việc giảm số lượng nhân sự có thể gặp phải sự phản kháng từ một bộ phận cán bộ, công chức do tâm lý lo ngại mất việc. Quá trình tái cấu trúc cũng có thể dẫn đến gián đoạn tạm thời trong hoạt động hành chính, gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Đối với xã hội, tinh giản có thể tạo ra những xáo trộn về tâm lý nếu không đi kèm với chính sách hỗ trợ thích hợp, chẳng hạn như đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Hơn nữa, nếu không quản lý tốt, nguy cơ mất cân đối nhân sự ở các lĩnh vực trọng yếu cũng có thể xảy ra.

Giảm quỹ lương và chi phí vận hành

Về lâu dài,việc tinh giản sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, với Nhà nước, sẽ giảm quỹ lương và chi phí vận hành, giảm đáng kể chi tiêu vào lương bổng, văn phòng, cơ sở hạ tầng, tạo ra nguồn lực tài chính lớn để tái đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu như hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục, chuyển đổi số, đồng thời tăng hiệu quả làm việc. Một bộ máy nhỏ gọn sẽ loại bỏ tình trạng quan liêu, chồng chéo nhiệm vụ và đùn đẩy trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp: Doanh nghiệp được hưởng lợi từ môi trường kinh doanh minh bạch hơn, với ít thủ tục hành chính rườm rà. Họ có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng và rõ ràng, giảm thiểu chi phí gián tiếp do sự trì trệ của bộ máy hành chính gây ra.

Đối với người dân: Tinh giản bộ máy giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi tiếp cận các dịch vụ công. Một hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả sẽ phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn, giảm các phiền hà không cần thiết trong giao dịch với cơ quan nhà nước.

Tinh giản bộ máy bao gồm kết hợp với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực

Tinh giản bộ máy bao gồm kết hợp với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực

Tinh giản kết hợp với chuyển đổi số

Để việc tinh giản bộ máy thật sự mang lại hiệu quả, thúc đẩy xã hội phát triển, doanh nghiệp phát triển và mang lại những lợi ích thật sự cho đất nước, cần xây dựng kế hoạch chi tiết và minh bạch. Theo tôi, việc phân tích chức năng, đánh giá hiệu quả công việc cần được thực hiện bài bản, với các tiêu chí rõ ràng để đảm bảo không bỏ sót những lĩnh vực quan trọng.

Quan tâm đến con người: Chính sách hỗ trợ, tái đào tạo và hướng nghiệp cho những người bị ảnh hưởng cần được chú trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Tăng cường văn hóa trách nhiệm và sáng tạo: Tinh giản bộ máy không chỉ là cắt giảm mà còn là cơ hội để xây dựng đội ngũ có tính trách nhiệm cao, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong cách làm việc.

Phát hiện và nuôi dưỡng lãnh đạo: Một hệ thống tinh gọn giúp sàng lọc và thúc đẩy những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực thực sự, tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn.

Tinh giản bộ máy nhà nước là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhưng cần được triển khai với tư duy đổi mới và phương pháp quản lý thay đổi bài bản.. Nó bao gồm kết hợp với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống giám sát độc lập, đảm bảo quá trình tinh giản được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng. Đặc biệt, lắng nghe ý kiến từ xã hội, tạo diễn đàn để người dân và doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đảm bảo chính sách sát với thực tiễn và nhu cầu.

(*) Chuyên gia tư vấn cao cấp, Tổng giám đốc Đông A Solutions

Kỳ vọng lớn lao trong việc cải cách đất nước

1. Giảm quỹ lương và chi phí vận hành: Tiết kiệm để tái đầu tư

Chủ trương tinh giản bộ máy nhà nước, nếu nhìn nhận từ góc độ chiến lược, không chỉ đơn thuần là giảm bớt số lượng bộ, ngành, cán bộ, công chức, mà còn hướng đến một loạt mục tiêu sâu xa hơn, phản ánh những kỳ vọng lớn lao trong việc đổi mới và cải cách đất nước. Từ kinh tế, quản lý đến văn hóa, tổ chức, tinh giản bộ máy mang lại nhiều tầng ý nghĩa và lợi ích lâu dài.

Một trong những mục tiêu rõ ràng nhất của tinh giản bộ máy là giảm quỹ lương, chi phí hoạt động và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như văn phòng, trang thiết bị. Với nguồn lực hiện tại, bộ máy cồng kềnh không chỉ tạo áp lực lên ngân sách nhà nước mà còn hạn chế khả năng phân bổ tài nguyên vào các lĩnh vực cần thiết hơn như giáo dục, y tế, chuyển đổi số.

Ví dụ, hệ thống tinh gọn sẽ giúp cắt giảm chi tiêu không cần thiết cho các tầng nấc quản lý trung gian, từ đó tạo ra nguồn lực dồi dào hơn để đầu tư vào những chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là cơ hội để Nhà nước tái cơ cấu tài chính công một cách hiệu quả.

2. Tăng hiệu quả làm việc, loại bỏ quan liêu và chồng chéo

Tinh gọn bộ máy nhà nước còn là giải pháp quan trọng để khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay như tình trạng quan liêu, chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan, và đùn đẩy trách nhiệm. Khi bộ máy nhỏ gọn, chức năng và trách nhiệm của từng vị trí sẽ rõ ràng, từ đó giảm thiểu tình trạng “đá bóng - thổi còi” giữa các cơ quan.

3. Xây dựng văn hóa trách nhiệm và kích hoạt sáng tạo

Một mục tiêu dài hạn của tinh giản bộ máy chính là tạo dựng và tăng cường văn hóa trách nhiệm (accountability) và phụ trách (ownership). Trong một hệ thống tinh gọn, mỗi cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn đối với công việc của mình, không thể “ẩn nấp” hay dựa dẫm vào các tầng lớp quản lý trung gian.

Điều này không chỉ thúc đẩy tính chuyên nghiệp mà còn khuyến khích tính sáng tạo trong đội ngũ công chức.

4. Tìm kiếm động lực và không gian phát triển mới

Sau nhiều thập niên vận hành trong một hệ thống nặng nề và ì ạch, tinh gọn bộ máy nhà nước mở ra cơ hội tìm kiếm động lực và không gian phát triển mới. Một hệ thống linh hoạt và hiệu quả hơn sẽ tạo điều kiện để chính quyền và xã hội cùng khai thác những nguồn lực chưa được tận dụng.

Phạm vi phụ trách của các bộ ngành và địa bàn, nguồn lực của các tỉnh - thành sau tinh giản, tái cấu trúc sẽ lớn và kết nối với nhau hơn nên “dư địa chiến lược” để tư duy, thử nghiệm và triển khai các sáng kiến phát triển cũng sẽ nhiều hơn rất nhiều. Chứ như hiện tại thì không ai dám làm gì, mà có muốn làm gì cũng không làm được bởi “thiếu này, thiếu kia” và “đụng này, đụng nọ”.

5. Phát hiện và thúc đẩy những nhà lãnh đạo có tầm nhìn

Một bộ máy tinh gọn cũng tạo điều kiện để phát hiện và nuôi dưỡng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và năng lực thực sự. Khi giảm bớt những vị trí thừa thãi, bộ máy sẽ tập trung vào những người có khả năng đảm nhận vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng cho đội ngũ.

Tinh giản không chỉ là cắt giảm mà còn là sàng lọc, từ đó tạo ra một lớp lãnh đạo mới, sẵn sàng đối mặt với thách thức của thời đại. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng một nhà nước đổi mới, đủ năng lực để dẫn dắt đất nước trên con đường phát triển bền vững.

Trần Bằng Việt (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tinh-gian-bo-may-qua-goc-nhin-doanh-gioi-can-nhieu-giai-phap-dong-bo-315057.html
Zalo