Tin vui: Hàng nghìn người sẽ hưởng lợi khi tham gia BHXH tự nguyện từ 1/7/2025 vì lý do này
Mức hỗ trợ từ Nhà nước hiện tăng ra sao và phương thức hỗ trợ sẽ như thế nào là điều mà nhiều người đang rất quan tâm.

Người lao động được giới thiệu, tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: vtcnews.vn
Nghị định số 159/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện có nội dung đáng chú ý là tăng mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.
Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định số 159/2025/NĐ-CP: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 của Luật BHXH, cụ thể:
- Bằng 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Bằng 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;
- Bằng 30% đối với người tham gia là người dân tộc thiểu số;
- Bằng 20% đối với người tham gia khác.
Mức hỗ trợ này tăng nhiều so với quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ (còn hiệu lực đến ngày 30/6/2025): Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ không quá 10 năm.
Nghị định số 159/2025/NĐ-CP cũng nêu rõ, người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng hỗ trợ ở nhiều mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn ngoài mức hỗ trợ quy định tại Nghị định này.
Được biết, Nghị định 159/2025 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/7. Văn bản quy định chính sách với người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 1/1/2021, có từ đủ 20 năm đóng trở lên nếu có nguyện vọng thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, đủ 55 tuổi với nữ.
Như vậy, tuổi hưởng lương hưu của lao động tham gia BHXH tự nguyện trước 1/1/2021 thấp hơn so với quy định chung. Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, lao động đóng bảo hiểm 15 năm, đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu trí. Thời điểm luật có hiệu lực, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng và tăng theo lộ trình cho đến khi đạt 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035.
Mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện bằng 45% bình quân thu nhập làm căn cứ đóng tương ứng với 15 năm tham gia. Mỗi năm sau đó tính thêm 2% cho đến khi đạt mức tối đa 75%. Lao động nam bằng 45% bình quân thu nhập làm căn cứ đóng, tương ứng 20 năm tham gia. Mỗi năm sau đó tính thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.
Thời điểm hưởng lương hưu của lao động được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu. Chính phủ giao Bộ Nội vụ quy định chi tiết nội dung, song khi Nghị định có hiệu lực vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.
Lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho thời gian thiếu để hưởng hưu trí nhưng không quá 5 năm, thay vì 10 năm như trước. Mức đóng một lần này được tính bằng tổng mức đóng của những tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội bình quân tháng của năm trước liền kề năm đóng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.