Tin vui cho thị trường tài chính
Giới chuyên gia tài chính đã chia sẻ góc nhìn về tác động của khả năng xóa bỏ cơ chế hạn mức tín dụng tới ngành ngân hàng nói riêng, thị trường tài chính nói chung.
Hứa hẹn khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế

TS. Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính
Room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước sử dụng như một công cụ để kiểm soát quy mô tín dụng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, từ kiểm soát lạm phát đến ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, cơ chế này đã dần bộc lộ những điểm bất cập. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành sản xuất, bất động sản hay tiêu dùng thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu vốn khi các ngân hàng bị giới hạn bởi room. Điều này làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng: 8% trong năm 2025 và hai con số trong các năm tiếp theo.
Việc yêu cầu bỏ room tín dụng từ năm 2026 cho thấy Chính phủ muốn trao quyền tự chủ lớn hơn cho các ngân hàng thương mại, để họ linh hoạt phân bổ vốn dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực quản trị rủi ro. Đây là một tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ khơi thông dòng vốn và thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm.
Bên cạnh đó, việc bỏ room giúp tăng tính cạnh tranh và minh bạch trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh dựa trên năng lực thực sự, từ quản trị rủi ro đến chất lượng dịch vụ, thay vì phụ thuộc vào hạn mức được cấp. Điều này cũng giảm dần cơ chế “xin - cho”, tạo môi trường tài chính công bằng hơn.
Việc chuyển sang cơ chế thị trường, kết hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Basel, là bước đi quan trọng để hiện đại hóa hệ thống tài chính Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới một nền kinh tế thị trường phát triển. Nhưng việc bỏ room tín dụng có thể dẫn đến tăng trưởng tín dụng quá nóng nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Kinh nghiệm từ giai đoạn 2007 - 2011, khi tín dụng tăng đến 53% một năm, đã khiến lạm phát vọt lên 19%. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chí giám sát rõ ràng, dựa trên các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn, nợ xấu và thanh khoản. Thứ hai, sự chênh lệch về năng lực giữa các ngân hàng có thể tạo ra sự phân hóa. Những ngân hàng mạnh sẽ dễ dàng mở rộng tín dụng, trong khi các ngân hàng yếu hơn có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường giám sát và sử dụng các công cụ chính sách hiện đại như lãi suất điều hành hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Chính phủ đang nhấn mạnh việc định hướng tín dụng vào các lĩnh vực như nhà ở xã hội, đặc biệt cho người trẻ và lao động thu nhập thấp, với các gói vay ưu đãi lãi suất dưới 4%/năm và thời hạn lên đến 20 - 25 năm. Đây là một hướng đi đúng đắn, nhất là khi năm 2024 chỉ hoàn thành 21.000 căn nhà ở xã hội, thấp xa so với mục tiêu 130.000 căn. Bỏ room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc cấp vốn cho các dự án này, đồng thời hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo và tiêu dùng.
Bỏ room tín dụng sẽ tác động tích cực tới các thị trường tài chính

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Môi giới, Khối Kinh doanh Khách hàng cá nhân HSC
Trước đây, room tín dụng, một công cụ hành chính, được sử dụng để kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời kiểm soát được lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang thúc đẩy các giải pháp để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2025 là 8%, nên nếu gỡ bỏ cơ chế này, các ngân hàng sẽ có nhiều dư địa hơn để mở rộng cho vay, đồng nghĩa với việc dòng vốn được bơm ra nền kinh tế có thể gia tăng đáng kể.
Bởi vì, tín dụng là nguồn thu chính của ngân hàng, nên khi không còn bị giới hạn bởi room, các nhà băng sẽ chủ động hơn trong việc khai thác thị trường. Trong bối cảnh đó, việc bỏ room tín dụng sẽ tác động đến các thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán, sẽ diễn ra theo hai giai đoạn. Trước mắt, khi dòng tiền dồi dào hơn, một số ngành phụ thuộc nhiều vào vốn vay như bất động sản và đầu tư công sẽ hưởng lợi. Tuy nhiên, về dài hạn, hiệu quả sử dụng dòng vốn mới là yếu tố then chốt quyết định khả năng tăng trưởng bền vững của thị trường. Ngược lại, nếu việc vốn phân bổ vốn không hiệu quả, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ khó được đáp ứng.
Để lộ trình bỏ room tín dụng thành công, Ngân hàng Nhà nước phải có bộ công cụ giám sát thay thế hiệu quả. Nếu buông lỏng kiểm soát, tăng trưởng tín dụng có thể vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế, tạo ra nguy cơ hình thành bong bóng tài sản và rủi ro hệ thống. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cao, ước đạt 134% và có thể lên đến 145% vào cuối năm 2025 (Việt Nam đã điều chỉnh kỹ thuật GDP tăng thêm 24,7% vào năm 2019). Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu tỷ lệ này chạm ngưỡng 180 - 200%, nền kinh tế sẽ đối mặt với rủi ro tài sản tăng nóng và bất ổn tài chính.
Vì vậy, trong lộ trình bỏ room, tôi cho rằng, hai giải pháp sau đây cần thực hiện triệt để: Một là, tái phân loại tài sản theo mức độ rủi ro để điều hướng tín dụng vào các ngành ưu tiên. Hai là, tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các khoản vay sai mục đích. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo dòng vốn đi đúng hướng, hỗ trợ tăng trưởng nhưng không đánh đổi bằng sự bất ổn vĩ mô.
Tác động của việc bỏ room tín dụng với ngành ngân hàng có thể phân hóa

Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS)
Với tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, nhu cầu vốn dự kiến sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng tối ưu hóa nguồn lực, vừa hỗ trợ nền kinh tế vừa tạo nguồn thu lãi, miễn là đảm bảo các chỉ số an toàn. Thông tin này sẽ khơi dậy kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm ngân hàng và các nhóm ngành khác, khi có thêm vốn để mở rộng sản xuất; đồng thời, nhóm ngân hàng - với tỷ trọng vốn hóa lớn - sẽ lan tỏa tác động tích cực đến toàn bộ thị trường chứng khoán.
Việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho các ngân hàng trong hoạt động cấp tín dụng, nhưng tác động có thể dẫn đến sự phân hóa, thay vì tăng trưởng đồng đều. Dù hạn mức được gỡ bỏ, không chắc các ngân hàng sẽ mạnh dạn đẩy mạnh tín dụng ngay lập tức. Để tiến tới mô hình không trần tín dụng, các ngân hàng phải tuân thủ các chỉ số an toàn nghiêm ngặt, thực hiện “stress test” định kỳ, tương tự cách các nước khác áp dụng nên không phải ngân hàng nào cũng có thể mở rộng tín dụng mạnh mẽ.
Những ngân hàng có bảng cân đối tài chính lành mạnh và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt sẽ có lợi thế hơn so với các ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao hoặc chất lượng tài chính yếu. Đồng thời, khả năng cao là các ngân hàng sẽ cạnh tranh thu hút vốn để cho vay, điều này có thể đẩy lãi suất huy động tăng và gia tăng cạnh tranh về lãi suất cho vay, từ đó gây áp lực giảm NIM của ngành. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng sẽ không mang tính tham vọng quá mức, mà ban lãnh đạo sẽ ưu tiên cách tiếp cận thận trọng hơn trong giai đoạn tới.
Về diễn biến cổ phiếu, hiệu quả sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố định giá. Thị trường có thể phản ứng tích cực nhờ thông tin này khi kỳ vọng của nhà đầu tư tăng cao, tuy nhiên, để tác động bền vững lên cổ phiếu, cần có kết quả thực tế từ các con số kinh doanh được phản ánh. Trước khi các báo cáo tài chính cụ thể được công bố, sự lạc quan có thể chỉ mang tính tạm thời, cho thấy ảnh hưởng thực sự lên giá cổ phiếu sẽ rõ ràng hơn khi có dữ liệu hiệu quả kinh doanh xác thực.
Cổ phiếu ngân hàng được định giá lại theo hướng tích cực hơn

Ông Dương Quang Minh, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
Việc bỏ room tín dụng là một bước đi cải cách mang tính nền tảng, đánh dấu sự kết thúc của cơ chế “xin - cho” trong cấp tín dụng. Thời gian tới, khi được đưa vào triển khai, đây sẽ là cú huých quan trọng giúp các ngân hàng thương mại tháo gỡ rào cản tăng trưởng, tối ưu hóa phân bổ vốn và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Về mặt tích cực, khi không còn bị giới hạn bởi trần tín dụng, các ngân hàng có năng lực tài chính và quản trị rủi ro tốt sẽ có điều kiện mở rộng tín dụng linh hoạt hơn theo nhu cầu thị trường. Điều này giúp họ chủ động khai thác thêm từ cho vay tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản có kiểm soát hoặc tài trợ cho các dự án hạ tầng, năng lượng xanh - những lĩnh vực đang cần vốn trung - dài hạn lớn, từ đó cải thiện lợi nhuận. Ngoài ra, về dài hạn, việc vận hành tín dụng theo cơ chế thị trường cũng sẽ nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh và tạo điều kiện để thị trường đánh giá đúng năng lực từng tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, về mặt rủi ro, dỡ bỏ room tín dụng cũng đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước phải chuyển vai trò từ “kiểm soát hành chính” sang “giám sát” bằng các công cụ thị trường như lãi suất điều hành, tỷ lệ an toàn vốn (CAR), hệ số rủi ro tài sản (RWA). Việc này đặt ra thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh một số tổ chức vẫn còn chạy theo tăng trưởng “nóng”, tập trung vào các mảng có độ rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Nếu thiếu công cụ giám sát hiệu quả hoặc không kịp thời điều tiết thanh khoản, hệ thống dễ rơi vào chu kỳ tín dụng thiếu kiểm soát, làm nợ xấu gia tăng mạnh, từ đó gây mất ổn định tới nền kinh tế vĩ mô.
Việc tiến tới dỡ bỏ cơ chế room tín dụng chắc chắn sẽ tạo lực đẩy tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Về mặt kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đây là tín hiệu chính sách rõ ràng cho thấy định hướng nới lỏng mang tính cấu trúc, thay vì chỉ hỗ trợ ngắn hạn như các biện pháp bơm thanh khoản hay hạ lãi suất trước đây.
Trong ngắn hạn, thông tin bỏ room tín dụng có thể giúp cổ phiếu ngân hàng được định giá lại theo hướng tích cực hơn. Các ngân hàng có nền tảng vững chắc về vốn và quản trị rủi ro như Vietcombank, BIDV, MB, Techcombank nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi sớm nhất do có khả năng mở rộng tín dụng mạnh mẽ từ nền tảng nguồn vốn lớn, từ đó gia tăng lợi nhuận. Nhóm nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là khối ngoại, cũng có thể quay lại giải ngân vào các mã ngân hàng dẫn dắt, bởi triển vọng tăng trưởng trung hạn trở nên rõ ràng và rộng mở hơn.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, thị trường sẽ phân hóa rõ nét hơn. Những ngân hàng có hệ số an toàn vốn thấp, tỷ lệ nợ xấu cao hoặc phụ thuộc quá mức vào các phân khúc rủi ro như bất động sản sẽ bị định giá thấp hơn, do lo ngại về khả năng kiểm soát tăng trưởng và tuân thủ chuẩn Basel II, III. Việc này sẽ khiến dòng tiền đầu tư thông minh tập trung vào các ngân hàng có chất lượng tín dụng và tài sản cao hơn.
Bước đi phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường

Ông Vũ Duy Khánh AAS, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest
Việc bỏ room tín dụng là bước đi phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường. Khi theo cơ chế thị trường, dòng tín dụng sẽ được phân bổ linh hoạt hơn, tùy theo khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm có năng lực tài chính tốt, sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn, có thể thương lượng lãi suất thấp hơn. Ngược lại, doanh nghiệp trong lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản sẽ phải tìm đến các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận khẩu vị đó. Điều này tạo ra một thị trường tín dụng cạnh tranh, thúc đẩy phân bổ vốn hiệu quả hơn, thay vì bị giới hạn bởi trần tín dụng hành chính - nơi có ngân hàng thừa room mà không dám cho vay, trong khi ngân hàng khác lại cạn room giữa chừng.
Khi đó, dòng vốn trong thị trường được lưu thông thuận lợi hơn, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng được cải thiện. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán, khi chất lượng tài chính doanh nghiệp được củng cố, triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng trở nên rõ ràng hơn, từ đó góp phần cải thiện định giá trên thị trường.
Vấn đề là muốn quản lý bằng công cụ thị trường hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước phải có đủ dữ liệu định lượng, nắm rõ dòng vốn đang chảy vào đâu, không chỉ trong hệ thống ngân hàng mà cả ở các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp, cho vay ngang hàng...
Tôi muốn nhấn mạnh, có công cụ là một chuyện, nhưng giám sát được việc thực thi công cụ đó hay không mới là điều cốt lõi, đi kèm với năng lực thanh tra, kiểm tra thực chất.