Tin tức kinh tế 13/12: lãi suất cho vay về mức thấp kỷ lục
Giá vàng đồng loạt lao dốc; lãi suất cho vay về mức thấp kỷ lục; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 13/12.
Lãi suất cho vay về mức thấp kỷ lục
Trong báo cáo triển vọng ngân hàng năm 2025, chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024.
Cụ thể, theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 điểm % từ mức đỉnh của quý I/2023. Theo VCBS, đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Các chuyên viên phân tích dự báo việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV/2024 và tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm % vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Giá vàng đồng loạt lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 13/12 giao ngay ở mức 2.682,7 USD/ounce, giảm 35,4 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở ngưỡng 83,9 - 86,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 700.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.
Tương tự, thương hiệu DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC 83,9 - 86,4 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 900.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn 9999 chỉ lên mức 83,8 – 84,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh
Báo cáo của Bộ Công Thương 11 tháng năm 2024 cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến phục hồi mạnh trong 11 tháng năm 2024, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, sơ bộ đạt 313,6 tỷ USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ. Các mặt hàng khác như dệt may, da giày hay sắt thép cũng đạt mức tăng trưởng ổn định 11 tháng qua.
Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024
Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.
Riêng với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.
Tổng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng tốt.
Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng đạt 3.828.000 tỷ đồng, tăng 1,14% so với tháng trước; tăng 8,1% so với cuối năm 2023 và tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng trưởng dương trở lại trong tháng 10 và tháng 11/2024. Trong đó tháng 11/2024 tăng 3,14%.
Tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng cao (chiếm 96,1%) trong tổng dư nợ tín dụng và tăng trưởng cao hơn mức tăng chung trên địa bàn, tăng 8,6% so với cuối năm và 13,4% so với cùng kỳ.