Tín hiệu ngoại giao mới từ cuộc điện đàm hiếm hoi giữa Tổng thống Macron và ông Putin

Ngày 2/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hai giờ – đánh dấu lần liên lạc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN phát

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: TTXVN phát

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày càng phức tạp, đặc biệt sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran và tuyên bố của Tehran về việc chấm dứt hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Tìm kiếm tiếng nói chung về Iran

Theo thông cáo từ Điện Kremlin, hai nguyên thủ quốc gia – với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu. Cả Paris và Moskva đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước quyết định của Iran đình chỉ hoàn toàn hợp tác với IAEA, bao gồm cả việc không cho phép các thanh tra viên tiếp cận các cơ sở hạt nhân.

Theo nguồn tin từ Điện Élyseé, Tổng thống Macron bày tỏ sự lạc quan thận trọng về khả năng Nga có thể đóng vai trò thuyết phục Iran quay lại bàn đàm phán và nối lại hợp tác với IAEA. Pháp cũng thể hiện thiện chí sẵn sàng thảo luận một trong những yêu cầu then chốt của Tehran: quyền làm giàu uranium trong nước, miễn là Iran cam kết không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Đây là quyền từng được công nhận trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA), vốn bị đình trệ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Về phần mình, Nga khẳng định ủng hộ quyền chính đáng của Iran trong việc phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời nhấn mạnh rằng Tehran cần tuân thủ đầy đủ các cam kết theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), bao gồm cả việc duy trì hợp tác với IAEA.

Biểu tượng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại trụ sở ở Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế tại trụ sở ở Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN

Căng thẳng giữa Iran và các cường quốc phương Tây gia tăng sau loạt vụ tấn công nghi là do Israel thực hiện nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran. Tehran coi đây là hành vi “vi phạm trắng trợn” luật pháp quốc tế và là một trong những lý do chính dẫn tới quyết định chấm dứt hợp tác với IAEA.

Bộ Ngoại giao Đức đã gọi động thái của Iran là một “tín hiệu thảm họa”, đồng thời nhấn mạnh rằng điều kiện tiên quyết cho bất kỳ giải pháp ngoại giao nào là sự hợp tác của Iran với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Berlin cũng xác nhận đã được Paris thông báo trước về cuộc điện đàm giữa ông Macron và ông Putin.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định chỉ có một khuôn khổ đàm phán toàn diện mới có thể loại bỏ triệt để nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công của Israel là “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Theo ông, dù những hành động này có thể làm chậm chương trình hạt nhân của Iran, chúng không thể thay thế một giải pháp ngoại giao bền vững.

Ngoại trưởng Barrot cũng cảnh báo lãnh thổ châu Âu hiện nằm trong tầm bắn của một số loại tên lửa đạn đạo do Iran phát triển. Ông nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần đảm bảo Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nga tìm vai trò trung gian, Pháp nỗ lực tái thiết ảnh hưởng

Cuộc điện đàm được đánh giá là bước đi ngoại giao đáng chú ý, trong bối cảnh các nước phương Tây phần lớn hạn chế tiếp xúc cấp cao với Nga kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Tổng thống Macron là một trong số ít lãnh đạo châu Âu duy trì quan điểm rằng cần giữ các kênh đối thoại mở với Moskva để có thể xử lý hiệu quả các khủng hoảng khu vực và toàn cầu.

Theo The New York Times, cuộc gọi lần này cho thấy nỗ lực của ông Macron nhằm tái định vị vai trò của Pháp tại Trung Đông – nơi ảnh hưởng của Paris đang suy giảm trước các hành động đơn phương từ Washington và sự nổi lên của các cường quốc khu vực. Trong khi đó, ông Putin tận dụng cơ hội này để thể hiện Nga vẫn là một bên trung gian có tiếng nói, đặc biệt khi nước này duy trì quan hệ gần gũi với Iran và vẫn giữ quan hệ tương đối ổn định với Israel.

Ukraine – “Lằn ranh” chưa thể xóa nhòa

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Paris ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Paris ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù đạt được một số đồng thuận trong vấn đề Iran, hai nhà lãnh đạo vẫn không thể thu hẹp khác biệt sâu sắc về cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Macron khẳng định “sự ủng hộ kiên định của Pháp đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời kêu gọi sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp, ông Macron đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước và sau cuộc gọi với ông Putin để đảm bảo thông tin và lập trường được truyền đạt rõ ràng, minh bạch.

Về phía Nga, Điện Kremlin không đưa ra dấu hiệu thay đổi lập trường. Tổng thống Putin tiếp tục khẳng định phương Tây – đặc biệt là NATO – phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần giải quyết các “nguyên nhân gốc rễ” của cuộc xung đột, trong đó bao gồm các yêu cầu về an ninh chiến lược của Nga tại Đông Âu.

Nguy cơ leo thang khu vực và triển vọng hòa bình mong manh

Tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran. Theo tờ Haaretz (Israel), Iran đã phóng khoảng 530 tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel, phần lớn rơi vào các khu vực không có dân cư. Hệ thống phòng không của Israel và Mỹ đã đánh chặn phần còn lại với tỷ lệ thành công khoảng 86%. Tổng chi phí cho hoạt động phòng thủ này được ước tính khoảng 5 tỷ shekel.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cũng kêu gọi nhanh chóng khôi phục Hội nghị đặc biệt của Liên hợp quốc về giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel – Palestine.

“Chúng ta đang đối mặt với một tình huống khẩn cấp – khẩn cấp ở Gaza, đối với các con tin và người dân Palestine. Đồng thời, cần nhanh chóng thiết lập lại một triển vọng chính trị, điều duy nhất có thể chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài và đáp ứng khát vọng chính đáng của cả hai dân tộc”, ông nói.

Ông cũng cảnh báo rằng giải pháp hai nhà nước đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chính sách mở rộng khu định cư tại Bờ Tây, mức độ tàn phá ở Gaza và sự buông xuôi của cộng đồng quốc tế.

“Nguy cơ lớn nhất là giải pháp chính trị sẽ đến quá muộn”, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tin-hieu-ngoai-giao-moi-tu-cuoc-dien-dam-hiem-hoi-giua-tong-thong-macron-va-ong-putin-20250703072814269.htm
Zalo