Tín dụng tăng chậm, ngành ngân hàng họp bàn giải pháp thúc đẩy

Hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ được tổ chức sáng mai, 19/6.

Thông tin từ Ngân hàng nhà nước cho biết, sáng 19/6, cơ quan này sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Hội nghị được kết nối với các điểm cầu Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trong cả nước; Lãnh đạo các ngân hàng thương mại sẽ tham dự và có ý kiến, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay.

Đến cuối tháng 5/2024, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023

Đến cuối tháng 5/2024, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023

Theo định hướng của Ngân hàng nhà nước, năm 2024, tín dụng đặt mục tiêu tăng trưởng từ 14-15%. Đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng dù đã cao hơn 1-2 tháng đầu năm nhưng vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng. Con số mới nhất được công bố cho thấy, đến cuối tháng 5/2024, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Trong 5 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện tiết giảm chi phí, đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất cho vay và đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 5-6% đến hết quý 2/2024.

Nhận xét về thị trường tiền tệ những tháng đầu năm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lượng tiền gửi tại các ngân hàng tăng cao nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng đang thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh không dám vay vốn, bởi đầu ra sản phẩm vẫn khó cả ở trong nước và nước ngoài.

Từ thực tế này, theo chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tín hiệu phục hồi, thị trường bất động sản đã “nhúc nhích” trở lại mà tăng trưởng tín dụng vẫn chưa bứt phá thì hội nghị được Ngân hàng nhà nước tổ chức ngày mai là rất cần thiết. “Cần những giải pháp quyết liệt hơn và chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng tín dụng”- vị chuyên gia này bày tỏ.

Được biết, để thúc đẩy tăng tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại đã tập trung đưa ra các gói tín dụng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất để tiếp cận vốn vay. Cụ thể, VietinBank tung gói ưu đãi phí “Zero Fee” dành cho doanh nghiệp ngành dược. Đây là gói ưu đãi chuyên biệt được ngân hàng ra mắt dành riêng cho doanh nghiệp ngành dược với ưu đãi “không phí” cho nhiều dịch vụ, đặc biệt là phát hành bảo lãnh dự thầu.

Theo đại diện Lãnh đạo VietinBank, từ đầu năm 2023, việc liên tục đưa ra các chính sách giúp khơi thông pháp lý cho ngành dược của Chính phủ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Việc sửa đổi Luật Dược cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho ngành phát triển, giúp doanh nghiệp dược trong nước mở rộng thị phần và theo đuổi các tiêu chuẩn cao hơn. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong “con sóng” phục hồi của ngành dược, gói Zero Fee là ưu đãi bảo lãnh dự thầu 0 đồng, giúp doanh nghiệp được hoàn lại 100% phí bảo lãnh dự thầu khi trúng thầu và phát hành bảo lãnh tiếp theo thuộc gói thầu đó. Đồng thời, nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí quản lý dòng tiền, VietinBank miễn phí duy trì dịch vụ, phí đăng ký/thay đổi thông tin đăng ký dịch vụ định danh tài khoản kể từ ngày sử dụng dịch vụ cho đến hết 31/12/2025.

“Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu mua bán ngoại tệ để nhập vật tư, thiết bị và thuốc của doanh nghiệp, VietinBank cũng ưu đãi lên đến 100 điểm tỷ giá cho các cặp đồng tiền EUR/VND, JPY/VND, USD/VND, giúp doanh nghiệp giảm đến tối thiểu rủi ro phát sinh lỗ khi mua bán ngoại tệ. Doanh nghiệp còn được ưu tiên cho vay vốn bổ sung vốn lưu động, trung dài hạn để thực hiện hợp đồng/dự án/gói thầu do VietinBank phát hành bảo lãnh với lãi suất cạnh tranh”, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Tại Sacombank, nhà băng này thực hiện đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bằng việc thúc đẩy tiêu dùng cá nhân thông qua cung cấp gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5% dành cho khách hàng có nhu cầu mua, xây, sửa chữa bất động sản; mua xe; cũng như sắm sửa các vật dụng, thiết bị cần thiết nhằm phục vụ đời sống. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn mức lãi suất cố định trong 6 tháng đầu, 12 tháng đầu, 24 tháng đầu lần lượt là 6,5%/năm, 7,0%/năm, 7,5%/năm cho nhu cầu vay mua và thế chấp chính tài sản hình thành từ vốn vay.

Còn tại Agribank, từ đầu năm 2024 đến nay ngân hàng đã 3 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 0,5%-1%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 1-1,5%/năm so với đầu năm. Hiện sàn lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn của ngân hàng chỉ từ 5,0%/năm, cho vay trung dài hạn chỉ từ 7,5%/năm. Theo Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, trong thời gian qua, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ. Cùng với chính sách giảm lãi suất, Agribank triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi tổng quy mô 220.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, xuất nhập khẩu… với lãi suất cho vay bình quân thấp hơn từ 1%-2,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ở mức thấp ít nhất từ nay đến cuối năm, là nhận định của ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) . Theo ông Phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ còn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng tín dụng nên lãi suất sẽ không tăng cao. Hơn nữa, hiện các ngân hàng phải công bố công khai lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn, cho nên ngân hàng không thể đơn phương tăng lãi vay.

Đánh giá về diễn biến tăng trưởng tín dụng cũng như gợi mở giải pháp, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc cho rằng, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. “Các tổ chức tín dụng nên linh hoạt hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng như xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công...”- ông Lực gợi ý. Theo ông Lực, việc tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng cũng cần được đẩy mạnh để góp phần tạo điều kiện hơn cho khách hàng tiếp cận vốn.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-dung-tang-cham-nganh-ngan-hang-hop-ban-giai-phap-thuc-day-326885.html
Zalo