Tín dụng sẵn sàng cán đích

Tính đến cuối tháng 6/2025, dư nợ tín dụng tăng trưởng 9,9%. Việc tín dụng tăng cao trong nửa đầu năm là bàn đạp tích cực để cán đích mục tiêu tăng trưởng 16% cả năm.

Tín dụng tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm

Tín dụng tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm

Lượng tiền lớn đã được “bơm”

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV thông tin, tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản BIDV đạt 2,92 triệu tỷ đồng, tăng 8,1%; huy động vốn thị trường 1 đạt 2,29 triệu tỷ đồng, tăng 7,1%; dư nợ đạt 2,14 triệu tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2024. Cơ cấu hoạt động được chuyển dịch mạnh mẽ, chất lượng tài sản được kiểm soát, năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh được nâng cao, các chỉ tiêu an toàn (CAR, LDR...) tuân thủ theo quy định.

“BIDV luôn tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vốn tín dụng tập trung các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh”, ông Tú nói.

Tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo an toàn và bền vững. Tín dụng được định hướng tăng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Tính đến 30/6/2025, tín dụng toàn Ngân hàng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1%. Chất lượng dư nợ tiếp tục được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%.

Còn tại MB, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12,5%; huy động vốn tăng 12%. MB kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 1,27%. Cùng với việc trích lập dự phòng đầy đủ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 100%.

Thông tin từ NHNN cho biết, tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm khi tính đến ngày 10/6/2025, lãi vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,3%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Như vậy, doanh nghiệp và người dân đang tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp hơn trước đây.

Những nỗ lực của các thành viên trong hệ thống là nền tảng để cải thiện tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu tín dụng, các ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37% tổng dư nợ; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; xây dựng chiếm 7,53%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 23,74% - cao nhất hệ thống; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 12,91%.

Một số ngành có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, trong đó có các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm lần lượt 23,16% và 17,51%; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 15,69% và 17,59%...

“Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực NHNN nhấn mạnh.

Được biết, tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2020-2024 lần lượt đạt 12,17%; 13,61%; 14,18%; 13,79% và 15,09%. Hiện vòng quay tiền tệ của Việt Nam đạt 0,68 lần/năm, thấp hơn 1 và tương đối ổn định qua các năm, đi kèm với giai đoạn lạm phát được kiểm soát tốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Chủ tịch HĐQT Vietcombank nói: “Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Vietcombank đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến 31/12/2025 đạt tối thiểu 16,5% và chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của nền kinh tế”.

Theo đó, các giải pháp được ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ như chủ động tiếp cận khách hàng; thiết kế các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù riêng của khách hàng; cùng khách hàng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thị trường… Đặc biệt, trước các diễn biến khó lường từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Vietcombank luôn khẳng định sự đồng hành cùng các doanh nghiệp và có các chính sách ứng phó phù hợp, triển khai nhiều giải pháp kết nối kinh doanh để hỗ trợ khách hàng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm, chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo giá trị gia tăng cho các khách hàng đang quan hệ tại Vietcombank.

“Thời gian qua, Vietcombank đã triển khai đồng thời nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất cho khách hàng và đang duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thuộc nhóm thấp nhất thị trường. Trong thời gian tới, Vietcombank cam kết tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng để tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, ông Tùng nhấn mạnh.

Song song với đó, ông Tùng cho biết, Vietcombank tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; không ngừng chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa thủ tục, quy trình nội bộ, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ trên kênh số để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới (Big Data, AI, Gen AI, chatbot, RPA…) để tiết giảm chi phí, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù xác định nỗ lực tự thân, nhưng ông Tùng vẫn đề xuất: “NHNN có các chỉ đạo nhằm ngăn chặn cuộc đua giảm lãi suất huy động vốn, nhất là trong cao điểm cuối năm. Bởi nếu không kiểm soát tốt có thể đẩy chi phí vốn tăng cao không cần thiết, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”.

Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào những công trình giao thông quốc gia trọng điểm, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu. Điều này cần thực hiện quyết liệt và đảm bảo hiệu quả để tạo hiệu ứng lan tỏa sang các ngành khác, khu vực kinh tế khác, làm tăng thu nhập cho bộ phận người lao động làm việc trong các ngành, nghề kinh tế, từ đó mở rộng được tổng cầu cũng như cầu tín dụng trong nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Việt Nam cần tăng tốc đầu tư và nên bắt nguồn từ đầu tư công để tạo sự lan tỏa sang đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư toàn xã hội. Khi đầu tư khu vực tư nhân được cải thiện, tín dụng ngân hàng cũng sẽ tăng tốc phù hợp với nhu cầu vốn tín dụng gia tăng”, ông Thái nói, đồng thời đề xuất, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ/ngành/địa tháo gỡ khó khăn, tồn tại về thủ tục pháp lý cho thị trường bất động sản; cần có giải pháp căn cơ để cân bằng cung - cầu thị trường, đặc biệt là tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Đối với các dự án xảy ra sai phạm, cần rà soát tháo gỡ triệt để những vướng mắc với quan điểm rõ ràng, thống nhất, đó là nhìn vào lợi ích tổng thể, lợi ích chung của xã hội để so sánh giữa việc dừng và tiếp tục triển khai dự án, phương án nào có lợi hơn.

Đồng thời, phát triển thị trường trái phiếu nhằm giúp tăng cường nguồn vốn cho các doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng; tăng cường vai trò của các trung gian thị trường, xây dựng “đường cong lợi suất” và tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Đây là những bước đi cần thiết để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, giúp trái phiếu doanh nghiệp trở lại quỹ đạo ổn định.

“MB cam kết điều hành tập trung tăng trưởng chất lượng các mục tiêu, tập trung cho 5 ngành ưu tiên, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng cá nhân, xuất nhập khẩu; tín dụng xanh và nông nghiệp nông thôn; các chương trình nhà ở xã hội; hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo song song với kiểm soát nợ xấu”, ông Thái nhấn mạnh.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-san-sang-can-dich-post372988.html
Zalo