Tín chỉ carbon: Doanh nghiệp nội có thêm lựa chọn bù trừ phát thải
Dự thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng cho phép bù trừ tín chỉ carbon trong nước, mở thêm lựa chọn giảm phát thải cho doanh nghiệp Việt.
Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm góp ý “Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng” do Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức sáng nay (15/7) tại Hà Nội.
Nhiều nội hàm cần được làm rõ
Góp ý vào dự thảo Nghị định, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho hay, tại Điều 2 Dự thảo Nghị định có nhiều các cụm từ ngữ cần giải thích, trong đó, cụm từ “giảm phát thải khí nhà kính của rừng" rất đáng chú ý. Liệu có một trách nhiệm riêng là giảm phát thải khí nhà kính với rừng và nếu có cần được giải thích rõ ràng hơn.
“Tôi không rõ nội hàm của “giảm phát thải của rừng” là gì trong khoản 3 hay nội hàm của “Dự án carbon rừng" tại khoản 6, Điều 2 của dự thảo Nghị định. Nếu có cũng cần giải thích cho rõ”, ông Hứa Đức Nhị đặt vấn đề.

Tọa đàm góp ý “Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”.
Cũng theo ông Hứa Đức Nhị, vấn đề “cơ chế bù trừ trao đổi carbon" với rừng cũng chưa rõ. Nghị định đang bàn thảo cách áp dụng các công cụ, các thể chế của quốc tế trong chi trả và vận hành của thị trường tín chỉ carbon đối với rừng của Việt Nam. Cần giải thích rõ ràng tín chỉ carbon của rừng là gì? Phải chăng “Tín chỉ carbon rừng” là một công cụ của dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon theo thời gian, được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo Nghị định này?...
Về tín chỉ carbon, trong cơ chế thị trường, đây là một loại hàng hóa đặc biệt, khi nó luôn tồn tại theo thời gian, nó được mua với cam kết của người bán là sẽ giữ rừng đến ngày kết thúc trách nhiệm của việc hấp thụ và lưu giữ carbon của ha rừng đó. Tín chỉ sẽ không còn hiệu lực khi rừng bị chặt đi. Vậy việc mua bán tín chỉ carbon được thực hiện như thế nào? Có ứng trước tiền, có thanh toán sau khi hết hạn tín chỉ? Khi có tranh chấp thì tổ chức nào giải quyết và hiệu lực giải quyết là gì?
Về Ủy thác qua hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cần làm rõ trong Điều 14 Nghị định: Nhà nước giao cho hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam thực hiện việc thanh toán tín chỉ carbon trên thị trường carbon với toàn bộ diện tích rừng thuộc sở hữu Nhà nước và có thể nhận ủy thác thanh toán với rừng thuộc sở hữu của các thành phần khác.
Khi triển khai thực hiện Nghị định về hấp thụ và lưu giữ carbon này, vẫn đề được đặt ra (nhất là về sở hữu rừng) sẽ rất phức tạp khi mà thực tế quản lý rừng của chúng ta còn nhiều bất cập, khi mà các ghi nhận về rừng, về chủ rừng trong hồ sơ của các cấp quản lý còn khác xa so với thực tế quản trị rừng. Do đó, cần có điều khoản mở hơn khi triển khai thực hiện Nghị định.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Tổ chức Forest Trends, cho rằng, dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh Nhà nước có thể huy động thêm nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua cơ chế vận hành của thị trường carbon.
Một trong những điểm mấu chốt, theo ông Phúc là khả năng thu hút dòng vốn không chỉ từ quốc tế mà cả từ khu vực tư nhân trong nước. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để mở rộng đầu tư vào ngành lâm nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
TS. Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, với những diện tích rừng trồng do hộ gia đình đầu tư bằng vốn tự có, nhất là các hộ được giao đất lâu dài, cần được coi là tài sản tư nhân. Dự thảo Nghị định cần tạo cơ chế linh hoạt, cho phép các hộ dân tự do lựa chọn hình thức tham gia thị trường carbon, bao gồm liên doanh, liên kết hay hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
Đối với các tài sản sở hữu toàn dân hoặc sở hữu nhà nước, sau khi Nhà nước tính toán phần tín chỉ dùng để đáp ứng cam kết NDC, phần còn lại nên được mở cửa để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hợp tác đầu tư, tạo tín chỉ và giao dịch trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Từ "dịch vụ môi trường" chứ không đơn thuần là "thị trường"
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Trần Quang Bảo, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, tên gọi Nghị định là “dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon rừng” thay vì “quản lý thị trường carbon rừng” bởi mục tiêu Nghị định là thiết lập cơ sở pháp lý cho loại hình dịch vụ môi trường rừng thứ năm (bên cạnh bốn loại dịch vụ đã có gồm thủy điện, nước sạch, nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái). Tên gọi này phản ánh rõ bản chất là dịch vụ môi trường, không đơn thuần là giao dịch thị trường.

PGS.TS Trần Quang Bảo, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu tại tọa đàm
“Hiện nay, ngoài quy định thí điểm tại khu vực Bắc Trung Bộ, vẫn chưa có khung pháp lý cho dịch vụ carbon rừng. Nguyên nhân một phần là do chưa rõ quyền sở hữu carbon rừng thuộc về ai, nhất là với rừng tự nhiên (thuộc sở hữu nhà nước) và rừng trồng (nhiều chủ thể quản lý). Quan điểm của chúng tôi là nguồn lợi từ carbon rừng nên ưu tiên trả lại cho chủ rừng trực tiếp được giao đất, giao rừng”, ông Trần Quang Bảo nói.
Cùng theo ông Bảo, Việt Nam đang phát triển đề án thị trường carbon, bao gồm cả sàn giao dịch và phân bổ hạn ngạch phát thải. Ngành lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có phát thải âm, nghĩa là có thể tạo ra lượng tín chỉ carbon dương để giao dịch. Tuy nhiên, cũng như các ngành khác, ngành rừng cũng bị phân bổ hạn ngạch đóng góp vào NDC, nên không phải toàn bộ lượng tín chỉ tạo ra đều được phép chuyển nhượng.
Nghị định hướng tới thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực rừng trồng. Với rừng tự nhiên, khả năng tăng trữ lượng carbon không còn nhiều so với đường tham chiếu trong tương lai. Vì vậy, chỉ khi có dòng vốn tư nhân tham gia (trồng rừng, phục hồi rừng), tiềm năng tín chỉ carbon mới mở rộng đáng kể.
Liên quan điều kiện giao dịch tín chỉ, ông Bảo cho biết nghị định phải đồng bộ với các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định 06/2022 và dự thảo sửa đổi Nghị định 119. Theo đó, để được giao dịch, tín chỉ carbon phải gắn với dự án cụ thể. Dự thảo nghị định lần này đã rút gọn tối đa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ rừng tham gia thị trường.
Điểm mới nổi bật trong dự thảo là cho phép bù trừ tín chỉ carbon trong nước, thay vì chỉ hướng đến giao dịch quốc tế như trước đây. Điều này tạo thêm lựa chọn cho doanh nghiệp nội địa trong thực hiện trách nhiệm giảm phát thải, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Không giống với các dịch vụ môi trường khác như nước sạch hay thủy điện vốn có người sử dụng rõ ràng, dịch vụ carbon rừng có tính chất đặc thù, người mua tín chỉ không sử dụng tài nguyên rừng mà nhằm bù đắp phần phát thải của chính họ. Chính tính chất này khiến cơ chế vận hành, giao dịch và phân bổ trách nhiệm trong dịch vụ carbon rừng phức tạp hơn, cần được thiết kế riêng biệt”, ông Bảo nói.
Các đóng góp của chủ rừng, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện Nghị định, sớm đưa chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Dự thảo nghị định đưa ra hai cơ chế giao dịch: Theo thỏa thuận song phương, tương tự mô hình thí điểm ở Bắc Trung Bộ; giao dịch trên sàn carbon quốc gia theo quy định của Chính phủ. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ sẽ được phân bổ trực tiếp về cho chủ rừng, theo cơ chế tương tự chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay.