Tìm lại nụ cười cho trẻ mắc dị tật bẩm sinh
Trong hành trình điều trị miễn phí cho trẻ bị khiếm khuyết, dị tật trên khuôn mặt của các y bác sĩ Bệnh viện E nhiều năm qua, không ít trẻ đã thay đổi cuộc đời. Để tái sinh một nụ cười trọn vẹn, một gương mặt lành lặn… là cả chặng đường dài gian nan.
Hành trình hy vọng
Vượt chặng đường dài hơn 300km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, cậu bé T.Đ.K cùng mẹ có mặt tại chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí cho người mắc dị tật trên khuôn mặt ở Bệnh viện E vào một ngày giữa tháng 7.

BS Hồng Nhung thăm khám trẻ bị dị tật bẩm sinh sứt môi hở hàm ếch.
Ít ai ngờ, K đã trải qua 5 lần phẫu thuật với 4 lần mổ tim bẩm sinh (trong đó có 3 lần mổ mở và 1 lần can thiệp mạch) cùng 1 lần phẫu thuật tạo hình khe hở môi - vòm miệng.
Ca mổ tim đầu khi K mới 4 tháng tuổi. Ở lần phẫu thuật thứ hai, gia đình rơi vào tuyệt vọng khi các bác sĩ thông báo bé K chỉ còn 10% cơ hội sống do biến chứng viêm phổi nặng và nhiễm trùng hậu phẫu.
Thế nhưng, "chiến binh nhí" ấy đã vượt qua cửa tử và trở về trong vòng tay cha mẹ. Chính những cuộc phẫu thuật liên miên đã khiến cậu bé 12 tuổi chỉ nặng vỏn vẹn 26kg, bằng đứa trẻ 5 tuổi.
Gia đình vốn khó khăn lại thêm biến cố khi bố em bị TNGT khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai mẹ, hành trình phẫu thuật của K ngỡ sẽ phải dừng lại. Biết tin ca khám và điều trị miễn phí, hai mẹ con lại quyết tâm tìm về Hà Nội với hy vọng K có cơ hội hàn gắn dị tật khe hở môi, vòm miệng.
Do sức khỏe của K khá phức tạp nên các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật ghép xương ổ răng sau khi tầm soát hết các vấn đề về tim mạch. Đây là bước can thiệp quan trọng để chuẩn bị cho quá trình chỉnh nha và giúp bé phục hồi chức năng ăn nhai trong tương lai.
"Chiếc phao cứu sinh" của trẻ kém may mắn
Cũng từ Hà Tĩnh, bé Đ.B.B, mới 4 tháng tuổi được bố mẹ đưa về Hà Nội khám. Bé B dị tật khe hở môi - vòm miệng toàn bộ hai bên, một dạng dị tật phức tạp ảnh hưởng lớn đến khả năng ăn uống và phát âm.
Với chương trình này, chúng tôi mong muốn mang đến điều kỳ diệu cho những trẻ em kém may mắn khi mắc các dị tật bẩm sinh. Mỗi khi đi khám sàng lọc ở các tỉnh thành trong cả nước, chúng tôi gặp lại các cháu đã được phẫu thuật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác tại Bệnh viện E với nụ cười trong trẻo. Đó là điều hạnh phúc với các y bác sĩ chúng tôi.
BS Phan Thảo Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E
Bố bé B cho hay: "Dù biết con bị dị tật bẩm sinh nhưng gia đình khó khăn nên chưa thể đưa con đi phẫu thuật. Đến với chương trình này, vợ chồng tôi như nắm được chiếc phao cứu sinh vậy".
Sau khi được khám sàng lọc, bé B được chỉ định phẫu thuật tạo hình môi hai bên, bước đầu giúp cải thiện rõ nét cấu trúc khuôn mặt và mở đường cho các can thiệp tiếp theo sau này.
Còn bé H.Đ.A chào đời với dị tật khe hở môi - vòm miệng bên trái, nên rất khó khăn trong việc bú sữa mẹ. Người nhà cho hay do trong quá trình mang thai người mẹ có sử dụng thuốc chống trầm cảm nên không may làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Mới 3 tháng tuổi, bé A được đưa đến thăm khám và được chỉ định phẫu thuật tạo hình môi bên trái. Với phẫu thuật này giúp cải thiện rõ nét cấu trúc khuôn mặt và mở ra hi vọng cho hành trình điều trị sau này, để bé có thể lớn lên với nụ cười tròn trịa như bao đứa trẻ khác.
Chiếc khẩu trang che kín khuôn mặt, bé L.H.L (9 tuổi, Ninh Bình) rụt rè nép vào mẹ khi ngồi chờ khám. Khi chiếc khẩu trang được tháo, lộ ra một khối u sắc tố lớn chiếm toàn bộ 1/2 khuôn mặt bên trái khiến vùng mí mắt sụp xuống rõ rệt, mắt trái mờ hơn so với bên phải.
Mẹ bé L cho hay: "Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khối u đen khiến con mang nhiều mặc cảm, sống khép kín, ít giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh".
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện E, với tình trạng của bé L muốn hoàn thiện gương mặt cần phải xác định đây là một hành trình dài cho cả bé và gia đình. Trước mắt, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt một phần khối u, ưu tiên xử lý vùng quanh mắt, nơi đang có dấu hiệu sụp mí tiến triển và viêm kết mạc, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng nhìn.
Việc can thiệp này chỉ là bước đầu, vừa đảm bảo cải thiện chức năng thị giác, vừa giảm bớt tâm lý mặc cảm cho bé. Khi con bước vào độ tuổi trưởng thành hơn (khoảng từ 13 tuổi trở lên), sẽ được đánh giá lại và lên kế hoạch phẫu thuật tạo hình toàn bộ vùng mặt bị tổn thương.
Bền bỉ với nhiều "mùa chữa lành"
Tại Bệnh viện E, hành trình "tìm lại nụ cười" đã bước sang mùa thứ 10, đánh dấu một chặng đường bền bỉ, âm thầm của các thầy thuốc trong việc "vá lành" những khe hở không chỉ trên gương mặt, mà cả trong tâm hồn của những đứa trẻ kém may mắn.
Mỗi gia đình tìm đến chương trình là mỗi câu chuyện riêng với hành trình dài đầy nhọc nhằn, khó khăn của những bậc cha mẹ có con mắc dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt. Phía sau mỗi ca bệnh là nỗi lo, là gánh nặng chi phí điều trị, là những trăn trở về tương lai con trẻ. Nhưng vượt lên tất cả là niềm hy vọng con có một nụ cười trọn vẹn với một gương mặt lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Luôn thấu hiểu, chương trình phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện E là một quá trình khép kín, đồng hành lâu dài với trẻ từ giai đoạn sàng lọc, phẫu thuật, hậu phẫu đến tái khám. Trẻ tham gia đều được miễn phí toàn bộ chi phí mổ, chăm sóc và hỗ trợ ăn ở trong thời gian điều trị.
BS Nhung chia sẻ: "Với hàng trăm ca phẫu thuật đã được thực hiện, hàng trăm nụ cười đã được tái sinh, từ đó thắp lên những ước mơ còn dang dở và trao lại sự tự tin cho các em nhỏ trên hành trình trưởng thành".