Tìm giải pháp về khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Ngoài tính đa dạng của sản phẩm du lịch thì phẩm du lịch đặc thù là yếu tố thu hút được sự quan tâm của khách du lịch hay nói cách khác khả năng hấp dẫn của điểm đến du lịch không chỉ phụ thuộc vào việc du khách có thể lựa chọn được loại sản phẩm du lịch phù hợp với mình trong sự đa dạng về sản phẩm du lịch điểm đến có khả năng cung cấp mà còn phụ thuộc vào việc điểm đến có sản phẩm du lịch mới lạ, khác biệt mang tính đặc trưng của điểm đến.
Hội thảo Khoa học Quốc gia "Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù" vừa được tổ chức tại Đại học Nguyễn Tất Thành-TPHMC đã thu hút hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo ngành, học giả đầu ngành, giảng viên và sinh viên cùng các phiên gặp gỡ – kết nối chuyên sâu liên quan đến cộng đồng nghiên cứu và thị trường du lịch toàn quốc.
Hội thảo đã nhận được hơn 160 bài tham luận từ 22 cơ sở đào tạo, nghiên cứu trải khắp cả nước. Những tham luận đến từ các trường đại học quốc gia cùng các học viện chuyên ngành, đại học địa phương và viện nghiên cứu quốc tế đã thể hiện rõ sự đa dạng về góc nhìn học thuật và tính liên ngành trong phân tích giá trị văn hóa gắn với du lịch.

Hội thảo Khoa học Quốc gia "Khai thác giá trị văn hóa trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù".
Phát triển du lịch theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng và trải nghiệm độc đáo của du khách
Theo TS. Trần Ái Cầm –Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước một bước chuyển mình mạnh mẽ. Thời của du lịch đại chúng, chạy theo số lượng đã dần qua đi, nhường chỗ cho một xu hướng tất yếu: Phát triển du lịch theo chiều sâu, tập trung vào chất lượng và trải nghiệm độc đáo của du khách. Hơn bao giờ hết, du khách hiện đại không chỉ tìm kiếm nơi nghỉ ngơi, mà còn khát khao được kết nối, khám phá, lắng nghe những câu chuyện và chạm vào "linh hồn" của mỗi điểm đến. Linh hồn đó chính là văn hóa, kho tàng vô giá của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc biến nguồn tài nguyên văn hóa phong phú này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và có giá trị kinh tế cao vẫn còn là một điểm nghẽn.
Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề then chốt: Từ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, đến vai trò của công nghệ và cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong du lịch. Những thảo luận và các công trình nghiên cứu được trình bày tại Phiên tổng thể và 3 tiểu ban là những gợi mở quan trọng, góp phần đưa ra những kiến nghị và giải pháp chiến lược, giúp nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù-Bước khẳng định giá trị thương hiệu cho điểm đến
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đặc biệt, đồng thời tham mưu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược, quy hoạch hệ thống du lịch và đã ban hành Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam. Trong đó yếu tố văn hóa luôn được xác định nền tảng phát triển sản phẩm, từ đó tạo nên bản sác và vị thế riêng cho du lịch Việt Nam. Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, đào tạo và Môi trường (Bộ VHTTDL), trong giai đoạn vừa qua, định hướng phát triển sản phẩm trong phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa đã được toàn ngành tổ chức triển khai, nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc đã được nghiên cứu, phát triển, từng bước khẳng định giá trị thương hiệu cho điểm đến các vùng miền và du lịch Việt Nam nói chung, góp phần quan trọng trong quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng đến du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, thách thức đặt ra hiện nay trước chúng ta là: làm sao để Khai thác giá trị văn hóa mà không làm mai một bản sắc, giá trị? Làm sao để sản phẩm du lịch đặc thù vừa hấp dẫn thị trường gắn với bảo tồn di sản? Đây là bài toán khó nhưng bắt buộc phải tìm lời giải nếu chung ta muốn phát triển du lịch thật sự bền vững và có chiều sâu.Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế – Tập trung hệ thống hóa khung phân tích "du lịch đặc thù", đối chiếu các mô hình thành công trên thế giới với bối cảnh Việt Nam, xác định giá trị nội sinh của di sản văn hóa và xu hướng trải nghiệm hóa. Phần thảo luận đã làm rõ nhu cầu kết nối liên ngành, mở rộng nghiên cứu từ di sản vật thể đến văn hóa phi vật thể.
"Chính vì thế, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về điểm đến du lịch ngày càng gay gắt, sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa riêng biệt chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Đồng thời, đó cũng là công cụ hữu hiệu để lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam – thân thiện, giảu bản sắc và luôn đổi mới", nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương-Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam (VITEA), với tư cách là ngành kinh tế, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch là yếu tố cốt lõi quyết định khả năng hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến du lịch. Điều này càng trở nên có ý nghĩa khi hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Phát triển du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương cấp tỉnh nói riêng với tư cách là điểm đến du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phù hợp với đặc điểm "cầu" của từng thị trường/ phân khúc thị trường, hay chất lượng của sản phẩm du lịch... Tuy nhiên, yếu tố được xem là quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của sản phẩm du lịch là sự "khác biệt" hoặc "duy nhất" không thể tìm thấy ở những điểm đến du lịch khác. Những sản phẩm du lịch được xây dựng để có được tính "khác biệt" hoặc "duy nhất" chính là sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài tính đa dạng của sản phẩm du lịch thì phẩm du lịch đặc thù là yếu tố thu hút được sự quan tâm của khách du lịch hay nói cách khác khả năng hấp dẫn của điểm đến du lịch không chỉ phụ thuộc vào việc du khách có thể lựa chọn được loại sản phẩm du lịch phù hợp với mình trong sự đa dạng về sản phẩm du lịch điểm đến có khả năng cung cấp mà còn phụ thuộc vào việc điểm đến có sản phẩm du lịch mới lạ, khác biệt mang tính đặc trưng của điểm đến.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp lữ hành cùng kiểm chứng, so sánh thực trạng và kinh nghiệm khai thác văn hóa du lịch tại nhiều vùng miền. Từ phân tích mô hình di sản sống ở các vùng nông thôn miền núi đến đánh giá hiệu quả chuyển đổi di sản đô thị thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, mỗi bài tham luận đều góp phần hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về tiềm năng và thách thức. Sự kiện cũng chính là cầu nối đưa kết quả nghiên cứu chạm đến cấp độ chính sách, khi các cơ quan quản lý du lịch cấp trung ương và địa phương có cơ hội tiếp cận trực tiếp với kinh nghiệm, xu hướng và đề xuất chiến lược.