Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh

Ngày 6/12, HĐND các tỉnh Kon Tum, Tây Ninh, Hà Nam đã tổ chức họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, xem xét, thảo luận thông qua các nghị quyết quan trọng, đề ra những mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Kon Tum thông qua Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2025

Sáng 6/12, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc, thông qua 34 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

Các nghị quyết được thông qua như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2025; Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2025 tỉnh Kon Tum; Giao kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 trên địa bàn tỉnh…

Năm 2025, Kon Tum đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trên 10%, phấn đấu đạt 19,79% theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; GRDP bình quân đầu người trên 70,81 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, hai huyện Đăk Hà và Ngọc Hồi đạt huyện nông thôn mới; toàn tỉnh có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 200 thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%.

Phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối và là năm có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cũng như Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh và các cấp, ngành cần có biện pháp, giải pháp cụ thể, đủ mạnh để khắc phục các nguyên nhân chủ quan khiến một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ, không hoàn thành kế hoạch đề ra.

“Ngay sau khi có chủ trương, chỉ đạo chính thức của Trung ương về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, các cấp, ngành, đại biểu HĐND, trước hết là các đại biểu HĐND tỉnh là thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải quán triệt, gương mẫu triển khai tốt chủ trương đặc biệt quan trọng này”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum yêu cầu.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề “nóng” như: một số xã không duy trì đạt chuẩn nông thôn mới; công tác quản lý quy hoạch, cấp phép thành lập và quản lý hoạt động của các Trạm cân thu mua nông sản trên địa bàn; việc chậm thi công Dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei trên địa bàn huyện Kon Rẫy; cải tạo vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum…

Các thành viên UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương đã trả lời các nội dung chất vấn trên tinh thần tiếp thu, ghi nhận và nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm các cá nhân, tập thể có khuyết điểm, vi phạm...

Tây Ninh sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non được tuyển dụng

Ngày 6/12, Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã xem xét, biểu quyết thông qua 22 Nghị quyết trên các lĩnh vực, quyết định nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh thống nhất ý kiến, biểu quyết thông qua các Nghị quyết trình tại kỳ họp. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh thống nhất ý kiến, biểu quyết thông qua các Nghị quyết trình tại kỳ họp. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Trong đó, có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết Kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách nhà nước; Nghị quyết về danh mục dự án được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 - đợt 4; Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh...

Đối với Nghị quyết quy định chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2025 - 2030, Tây Ninh sẽ thực hiện chính sách thu hút là hỗ trợ 50 triệu đồng/người đối với giáo viên được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã biên giới; Hỗ trợ 40 triệu đồng/người đối với giáo viên được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc các xã còn lại; 30 triệu đồng/giáo viên làm việc tại cơ sở mầm non công lập thuộc các phường, thị trấn.

Điều kiện được hưởng chính sách thu hút đối với giáo viên được tuyển dụng là ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc với cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Đồng thời, có cam kết thời gian giảng dạy là 5 năm kể từ ngày nhận việc theo hợp đồng làm việc đã ký kết.

Ngoài ra, Tây Ninh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trong đó, hỗ trợ mức 2 triệu đồng/người/tháng tại các xã biên giới; 1,2 triệu đồng/người/tháng tại các xã còn lại; 700.000 đồng/người/tháng tại các phường, thị trấn. Đặc biệt, giáo viên được tuyển dụng đã được hưởng chính sách thu hút, quá trình công tác còn được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Tại Kỳ họp thứ 16, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh khóa X biểu quyết thống nhất miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Tấn Tài, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh. Lý do, ông Nguyễn Tấn Tài được giải quyết thôi việc theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Cũng tại kỳ họp, trên cơ sở xem xét tờ trình của UBND tỉnh về việc bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh khóa X đã thực hiện công tác bầu cử. Kết quả, ông Nguyễn Hoàng Nam, Chánh Thanh tra tỉnh và ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh trúng cử Ủy viên UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh phát biểu. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh phát biểu. Ảnh: Minh Phú/TTXVN

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2025 là đột phá phát triển, tạo động lực, nền tảng để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thời gian tới, nhân dân toàn tỉnh đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền vượt khó, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị các cấp, các ngành tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội trong năm 2024. Đồng thời, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực y tế; chính sách thu hút và hỗ trợ đối với giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh...

Hà Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao

Sau 2,5 ngày làm việc, ngày 6/12, Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Hà Nam đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đã thảo luận, đóng góp những ý kiến quan trọng vào các báo cáo và xem xét, quyết định thông qua 31 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, cơ chế, chính sách, chủ trương đầu tư các dự án, biên chế và chương trình các kỳ họp, Kế hoạch giám sát năm 2025 của HĐND tỉnh…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này là những nghị quyết rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Do vậy, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát; kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để kiến nghị, yêu cầu UBND tỉnh và các cơ quan liên quan có các giải pháp bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam biểu quyết thông qua các nghị quyết ngày 6/12/2024. Ảnh: Thanh Tuấn /TTXVN

Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam biểu quyết thông qua các nghị quyết ngày 6/12/2024. Ảnh: Thanh Tuấn /TTXVN

Năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; năm quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025... Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, đồng thời có các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%...

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo sức lan tỏa về các nội dung của kỳ họp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các đơn vị tích cực tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Dư Toán- Giang Phương- Thanh Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tim-giai-phap-thuc-day-phat-trien-que-huong-giau-dep-van-minh-20241206174032092.htm
Zalo