TikTok cung cấp hàng trăm USD cho người dùng ở Mỹ mua sắm, mời bạn bè khi khó đảo ngược lệnh bán ứng dụng

TikTok đã nỗ lực tăng thời gian sử dụng của người dùng và phát triển thói quen mua sắm trước khi ứng dụng có thể bị cấm ở Mỹ vào ngày 19.1.2025.

TikTok đang cung cấp cho người dùng hàng trăm USD để dành thời gian trong ứng dụng, mời bạn bè tham gia và mua sản phẩm trên TikTok Shop, trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất có thể trước khi lệnh cấm có thể xảy ra tại Mỹ.

Người dùng TikTok ở Mỹ gần đây đã bắt đầu thấy một ưu đãi có thời hạn (limited time offer), trong đó họ được nhận phần thưởng dưới dạng tín dụng TikTok Shop. Các chương trình khuyến mãi đang xuất hiện trên trang Dành cho bạn (For You), nguồn cấp dữ liệu chính mà người dùng nhìn thấy khi mở ứng dụng.

Họ cũng có thể kiếm tiền bằng cách đăng nhập ứng dụng mỗi ngày trong một tuần và lướt qua 10 sản phẩm trên TikTok Shop 5 lần mỗi tuần. Những người nhấn vào ưu đãi có thể nhận thêm 80 USD dưới dạng phiếu giảm giá để chi tiêu sau khi mua hàng trên TikTok Shop.

TikTok không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

TikTok đang cung cấp cho người dùng hàng trăm USD để dành thời gian trong ứng dụng, mời bạn bè tham gia và mua sản phẩm trên TikTok Shop, trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất có thể trước khi lệnh cấm có thể xảy ra tại Mỹ - Ảnh: Internet

TikTok đang cung cấp cho người dùng hàng trăm USD để dành thời gian trong ứng dụng, mời bạn bè tham gia và mua sản phẩm trên TikTok Shop, trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất có thể trước khi lệnh cấm có thể xảy ra tại Mỹ - Ảnh: Internet

TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), đã nỗ lực thúc đẩy thời gian sử dụng của người dùng và phát triển thói quen mua sắm trước lệnh cấm có thể xảy ra.

Đầu năm nay, trong một động thái riêng biệt để thu hút người dùng mới, TikTok đã bắt đầu yêu cầu mọi người tải xuống ứng dụng nếu muốn xem video TikTok mà người khác chia sẻ. Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một đạo luật yêu cầu ByteDance phải bán TikTok cho một chủ sở hữu người Mỹ trước ngày 19.1.2025 để giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia, hoặc ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này đối mặt với lệnh cấm.

Các rào cản về mặt quy định không làm chậm lại kế hoạch tăng trưởng của ByteDance. Vào tháng 1, trang Bloomberg đưa tin tập đoàn Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng gấp 10 lần khối lượng hàng hóa được bán trên ứng dụng thông qua TikTok Shop, lên 17,5 tỉ USD. ByteDance thậm chí đã tăng tham vọng của mình kể từ đó. TikTok Shop đã tăng gấp ba doanh số bán hàng tại Mỹ lên hơn 100 triệu USD vào Black Friday.

Hôm 10.12, TikTok Shop đã ra mắt tại Tây Ban Nha, đánh dấu bước tiến đầu tiên trong kế hoạch mở rộng ra châu Âu.

Các chuyên gia pháp lý: ByteDance khó đảo ngược luật yêu cầu bán TikTok tại Mỹ

Một số nhà phân tích cho biết TikTok đang phải đối mặt với cuộc chiến gian nan tại Mỹ để lật ngược đạo luật yêu cầu ByteDance phải bán hoạt động kinh doanh tại Mỹ trước ngày 19.1.2025 hoặc sẽ bị cấm tại các cửa hàng ứng dụng ở quốc gia này.

TikTok đã cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý của mình và đang chờ Tòa án tối cao Mỹ xem xét lại sau khi tòa phúc thẩm liên bang tuần trước duy trì luật, nhưng theo các nhà phân tích, khả năng phán quyết bị đảo ngược là rất thấp.

“Sẽ là phép màu nếu Tòa án tối cao Mỹ thụ lý một vụ án gây tranh cãi và đưa ra quyết định đảo ngược phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang trong vòng chưa đầy 50 ngày, gồm cả mùa Giáng sinh”, Winston Ma, giáo sư thỉnh giảng tại khoa Luật của Đại học New York (Mỹ), nhận định.

Hôm 11.12, TikTok và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn khẩn cấp nhằm ngăn chặn luật bán hoặc bị cấm có hiệu lực vào 19.1.2025, một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Các luật sư Zhou Zhengping và Yang Mukun của công ty luật Kangda (Trung Quốc) viết trong một bài báo rằng quyết định của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ về việc duy trì luật này “phản ánh mức độ quan ngại cao về an ninh quốc gia”.

“Trong một số trường hợp, an ninh quốc gia có thể lấn át các quyền được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất. Dù Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận và dòng chảy thông tin, nhưng nhìn chung, tòa án thường chấp nhận các biện pháp hạn chế trong những trường hợp như vậy để ưu tiên bảo vệ an ninh quốc gia”, Zhou Zhengping và Yang Mukun viết trong bài được đăng trên tài khoản WeChat của công ty hôm 11.12.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

ByteDance nhiều lần tuyên bố sẽ không thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ.

Vào năm 2020, khi phải TikTok đối mặt với lệnh tương tự dưới thời chính quyền Trump đầu tiên, chính phủ Trung Quốc đã cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu của mình để bổ sung hai công nghệ được ứng dụng video ngắn phổ biến này sử dụng.

Vẫn chưa rõ thái độ của Trung Quốc với vụ việc này ra sao. Trung Quốc có thể cho phép bán TikTok cho các công ty hoặc nhà đầu tư Mỹ nếu ByteDance vẫn là chủ sở hữu thụ động và duy trì một số quyền kiểm soát với thuật toán, để đổi lấy một số biện pháp giảm nhẹ thuế quan mà ông Trump có thể áp dụng, theo Jim Lewis - nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Một số người cho rằng ByteDance vẫn còn một số cơ hội khi thực hiện hành động pháp lý. Trong một bài viết cho tờ Los Angeles Times, Erwin Chemerinsky (Hiệu trưởng Trường Luật của Đại học California Berkeley) cho rằng Tòa án Tối cao Mỹ "có thể cho phép xét xử nhanh chóng và đưa ra quyết định trước ngày 19.1, hoặc có thể tạm thời ngăn luật này có hiệu lực cho đến khi lắng nghe và giải quyết vấn đề vào cuối kỳ xét xử của tòa án vào cuối tháng 6.2025".

Thế nhưng, Erwin Chemerinsky chỉ ra rằng "có một lịch sử lâu dài về việc tòa án tôn trọng quyết định của chính phủ khi họ viện dẫn lý do an ninh quốc gia để biện minh cho hành động của mình".

Erwin Chemerinsky nói thêm rằng ngay cả khi Trump cam kết sẽ cứu TikTok khỏi lệnh cấm, "vẫn chưa rõ ông ấy có thể thực hiện được điều đó như thế nào".

"Trump không thể bãi bỏ luật cấm TikTok, điều đó sẽ cần đến một đạo luật của Quốc hội. Ông ấy có thể chỉ đạo Bộ Tư pháp không thực thi luật, nhưng có lẽ điều đó sẽ không đủ thuyết phục các công ty như Apple và Google tiếp tục cung cấp TikTok trên cửa hàng ứng dụng khi biết về trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn khi làm như vậy", Erwin Chemerinsky viết.

Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok, với 170 triệu người dùng, chiếm 17% trong tổng số 1 tỉ người dùng trên toàn cầu. Hôm 11.12, TikTok cho biết đã đóng góp 8,5 tỉ USD vào GDP của Mỹ, và các doanh nghiệp nhỏ trên nền tảng này sẽ mất hơn 1 tỉ USD doanh thu nếu nó bị cấm.

Hơn nữa, ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở phương Tây có thể khuyến khích các quốc gia khác làm theo. Giáo sư Winston Ma cho biết Canada đã hành động bằng cách đóng cửa các văn phòng của TikTok, còn Ấn Độ đã cấm ứng dụng này hồi tháng 6.2020, vì vậy “việc các quốc gia khác đi theo sau quyết định của tòa án Mỹ là hoàn toàn có thể”.

Một nhóm các nhà đầu tư siêu giàu ở Mỹ đã bày tỏ muốn mua nền tảng truyền thông xã hội này, gồm cả Kevin O'Leary của Shark Tank, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin và Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers)

"Chúng tôi không muốn thấy TikTok bị cấm. Tôi muốn nói thêm rằng Tổng thống đắc cử Trump cũng nói rằng ông không muốn nó bị cấm. Vậy nên bây giờ, chúng ta hãy hãy thảo luận về việc mua lại TikTok", Frank McCourt phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh CBS hôm 7.12.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tiktok-cung-cap-hang-tram-usd-cho-nguoi-dung-o-my-mua-sam-moi-ban-be-khi-kho-dao-nguoc-lenh-ban-ung-dung-227024.html
Zalo