Tiêu hủy đàn heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi ở Lâm Đồng
Cơ quan chức năng đã tiêu hủy đàn heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi của một hộ gia đình ở xã Bảo Lâm 1 (Lâm Đồng), đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch.
Sáng 27-7, UBND xã Bảo Lâm 1 phối hợp với cơ quan liên quan tỉnh Lâm Đồng tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phitại xã thôn 5.
Trước đó, Trung tâm Chẩn đoán và Xét nghiệm Thú y Trung ương II (thuộc Cục Chăn nuôi và Thú y, đóng tại tỉnh Đắk Lắk) kết luận mẫu heo bị bệnh tại trang trại chăn nuôi của gia ông NVT (ngụ thôn 5) dương tính với virus bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Cơ quan chức năng đưa số heo bị bệnh dịch đi tiêu hủy. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi đã tiến hành đào hố trong vườn sản xuất thuộc khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình ông T, để tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị nhiễm bệnh theo quy định.
Ông Trịnh Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm 1, cho biết quá trình tiêu hủy đàn heo được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng triển khai đảm bảo chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Như PLO đã đưa tin, chiều 24-7, chính quyền địa phương tiếp nhận tin báo từ gia đình ông T về có 31 trong số 240 con heo của gia đình chết với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, lờ đờ, khó thở…
UBND xã Bảo Lâm 1 đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trạm Kỹ thuật Nông nghiệp khu vực Bảo Lộc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý.

Quá trình xử lý heo bệnh thực hiện theo quy trình phòng, chống dịch. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Toàn xã Bảo Lâm 1 hiện có hơn 10.000 con heo, chủ yếu chăn nuôi theo hộ gia đình cá nhân với mô hình gia trại, trang trại quy mô vừa và nhỏ.
Theo ông Trịnh Văn Thảo, ngay từ chiều 26-7, sau khi tiếp nhận hơn 1.000 liều vaccine tam liên (dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng) và thuốc sát trùng từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Lâm Đồng cấp, địa phương đã tiến hành tiêm bao vây vùng đệm cho đàn heo trên diện rộng.
Đồng thời, địa phương cũng tổ chức phun xịt tiêu độc, khử trùng trên diện rộng toàn xã để phòng chống bệnh dịch hiệu quả, với quyết tâm khống chế bệnh dịch, hạn chế đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi.