Tiêu điểm: Nghị trường Quốc hội nóng về phương án rút BHXH 1 lần

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), hiện đưa ra 2 phương án về điều kiện hưởng BHXH một lần.

Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất, đối với những người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị; thì được hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần.

Còn Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần; nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại - được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội. Nhiều đại biểu đánh giá, cả 2 phương án đều chưa tối ưu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, phương án 1 đáp ứng yêu cầu hơn so với phương án 2.

Trước đây, chị Thương làm công nhân tại TPHCM được 10 năm. Sau khi sinh con nhỏ chị nghỉ việc về quê để chăm sóc con cái. Chuẩn bị sinh con thứ 2, không có việc làm, kinh tế khó khăn nên chị quyết định rút BHXH 1 lần.

Tại phiên thảo luận về Luật BHXH sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng người lao động gặp khó khăn nên không thể cấm họ rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại, nếu rút BHXH 1 lần sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi về già.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, ban soạn thảo đã tính toán đến tích hợp hai phương án như một số đại biểu phân tích. Theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo phương án 2.

TĂNG QUYỀN LỢI ĐỂ HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG RÚT BHXH 1 LẦN

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, Chính phủ cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động mất việc làm, bệnh tật để họ có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, để thu hút người dân tham gia vào lưới an sinh, hạn chế rút BHXH 1 lần, ban soạn thảo cần bổ sung theo hướng tăng quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH.

Tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2021 và bây giờ mới đang mang thai lần đầu, theo chị Thường mức hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 lần sinh con là quá thấp. Từ khi mang thai cho đến khi sinh nở phải tốn rất nhiều chi phí, nhất là viện phí tăng cao.

Liên quan đến tăng quyền lợi cho lao động nữ khi tham gia BHXH, một số đại biểu đồng tình với việc tăng mức hỗ trợ thai sản và số lần khám thai định kỳ cho người lao động.

Theo đại biểu, hiện dự thảo luật quy định “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp khi sinh con”, như vậy là không công bằng.

Ngoài ra, tăng số lần nghỉ thai sản cho lao động nam lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp vợ sinh thường và gấp đôi với những trường hợp vợ sinh đôi trở lên, hoặc sinh mổ, để tạo điều kiện cho các gia đình trong quá trình chăm con nhỏ.

XỬ LÝ HÌNH SỰ KHI DOANH NGHIỆP TRỐN ĐÓNG BHXH

Tăng quyền lợi không chỉ góp phần thu hút người dân tham gia BHXH mà điều này còn góp phần giữ chân người lao động ở lại lưới an sinh. Qua tổng hợp ý kiến từ các chuyên gia, góp ý của đại biểu Quốc hội, để lấy lòng tin của người lao động đối với hệ thống an sinh thì việc xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH là vấn đề cần được ban soạn thảo nghiên cứu. Một trong nhiều ý kiến đề xuất đó là xử lý hình sự đối với các trường hợp cố tình trốn đóng BHXH.

Chị Hiền, trước đây là công nhân tại Công ty Cổ phần Dệt 19-5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam. Từ tháng 3/2019 đến tháng 10/2022 chị bị doanh nghiệp này nợ BHXH. Suốt nhiều năm, chị và các lao động khác dùng mọi biện pháp, thậm chí là khởi kiện doanh nghiệp nhưng đến nay số nợ vẫn chưa được giải quyết.

Theo các đại biểu, ngoài việc quy định rõ thế nào là trốn đóng, nợ đọng BHXH, cơ quan soạn thảo cần đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa 2 hệ thống pháp luật.

Theo thống kê, cả nước có tới 200.000 người lao động bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH. Vì vậy, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng này như quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với đơn vị trốn đóng từ 6 tháng trở lên, hoãn xuất cảnh đối với đơn vị trốn đóng từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Phạm Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tieu-diem-nghi-truong-quoc-hoi-nong-ve-phuong-an-rut-bhxh-1-lan-227163.htm
Zalo