Tiêu chí thứ 20!

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cả nước đạt nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Đến hết năm 2022, 18 tỉnh trong cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 5 tỉnh, 255 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 73,08% số xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng NTM trở thành phong trào hành động sôi nổi, rộng khắp từ nông thôn đến miền núi, hải đảo. Bộ mặt nông thôn Việt Nam thực sự khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao rõ nét.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo để đạt 19 tiêu chí và nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, tại Ninh Bình, ngoài 19 tiêu chí NTM theo quy định, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện trong toàn tỉnh thêm một tiêu chí, đó là đánh giá sự hài lòng của người dân về các tiêu chí NTM đã đạt được (Ninh Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tiêu chí này). Bằng cách phát phiếu khảo sát đến từng người dân, nếu địa phương đã về đích NTM nhưng có từ 50% người dân không hài lòng với một trong các tiêu chí thì cũng không được công nhận NTM. Đánh giá sự hài lòng của người dân trở thành “tiêu chí thứ 20” không thay đổi, dù là xây dựng NTM theo tiêu chí cũ hay NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

 Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Ảnh: baochinhphu.vn

Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. Ảnh: baochinhphu.vn

Trên bình diện chung trong cả nước, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng đâu đó vẫn còn một vài điều khiến người dân băn khoăn, trăn trở trong tiến trình xây dựng NTM. Không ít địa phương vì muốn sớm về đích NTM nên cố đẩy nhanh tiến độ và hệ quả là NTM không bền vững. Một số nơi vì chạy theo thành tích nên tỉnh “dồn” huyện, huyện tạo áp lực cho xã phải bằng mọi cách để hoàn thành các tiêu chí NTM. Mặc dù địa phương khó khăn trăm bề nhưng cũng cố dồn sức, “giật gấu vá vai”, rồi vay mượn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Thế nên mới có chuyện, dù xã được công nhận NTM, nhưng từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã cho đến nhân dân lại không vui. Người đứng đầu không vui là bởi, còn đó biết bao lo toan khi địa phương phải oằn mình “gánh” nợ vì NTM. Rồi chuyện làm sao để giữ được các tiêu chí NTM cũng là một bài toán hóc búa trong khi địa phương vừa thiếu về nguồn lực, yếu về nội lực, còn người dân thì tâm tư, vì là xã NTM nên không còn được thụ hưởng một số chính sách đặc thù...

Xây dựng NTM là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và toàn dân mà trong đó nhân dân làm chủ thể theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, bởi tất cả thành quả của NTM, người thụ hưởng chính là nhân dân. NTM chỉ thực sự bền vững khi địa phương biết tận dụng nguồn lực bên ngoài, phát huy nội lực trong nhân dân, được toàn dân đồng lòng góp sức. Mỗi vùng nông thôn chỉ thực sự là miền quê đáng sống khi người dân hài lòng và hạnh phúc với thành quả đang được thụ hưởng. Khi đó, dù là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hay trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, người dân sẽ không tiếc công, tiếc của để tiếp tục dựng xây, kiến tạo những giá trị mới cho quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân là thước đo chính xác nhất về kết quả, hiệu quả của NTM. Thiết nghĩ, tiêu chí này cần được áp dụng chung trong tổng thể tất cả lĩnh vực của nền hành chính phục vụ; qua đó vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa khẳng định tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tieu-chi-thu-20-733844
Zalo