Tiết lộ Israel làm điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại khi giao tranh 12 ngày với Iran

Trong tất cả các cuộc tập trận mô phỏng tấn công cơ sở hạt nhân Iran, quân đội Israel đều tính tới khả năng sử dụng hàng loạt máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ để có thể tiếp cận mục tiêu. Nhưng trong xung đột kéo dài 12 ngày vào tháng trước, ngay cả khi không có các máy bay tiếp dầu của Mỹ, không quân Israel đã làm điều tưởng chừng như không thể này.

Dù thiếu máy bay tiếp dầu, Israel vẫn duy trì không kích Iran trong 12 ngày liên tiếp. Ảnh: TWZ.

Mỹ không tiếp nhiên liệu cho máy bay Israel trong xung đột với Iran

Theo trang mạng The War Zone (TWZ) của Mỹ, trong cuộc xung đột kéo dài gần hai tuần với Iran, không quân Israel đã thực hiện hàng loạt phi vụ tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương mà không có sự hỗ trợ tiếp nhiên liệu từ Mỹ – điều từng được cho là bất khả thi trong mọi kịch bản tập trận trước đó.

Theo giới quan sát, khoảng cách giữa Israel và Iran lên tới gần 1.000 km, khiến các chiến đấu cơ như F-15, F-16 và F-35 phải được tiếp nhiên liệu giữa không trung để hoàn thành nhiệm vụ và trở về an toàn. Tuy nhiên, Israel hiện chỉ sở hữu 7 máy bay tiếp dầu KC-707 đời cũ, và không có bằng chứng nào cho thấy Washington đã hỗ trợ bí mật trong cuộc xung đột.

Người phát ngôn Không quân Mỹ hôm 16/7 tuyên bố dứt khoát Washington “không thực hiện bất kỳ hoạt động tiếp dầu nào cho Israel trong cuộc xung đột với Iran”.

Chiến đấu cơ F-15 của Israel tiếp nhiên liệu từ máy bay KC-707. Ảnh: TWZ.

Theo TWZ, không quân Israel đã phải dùng tới hàng loạt chiến thuật phi truyền thống để khắc phục bài toán tiếp dầu. Các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel đều được trang bị thùng nhiên liệu phụ theo thân (conformal fuel tanks) và phải mang thêm nhiều thùng nhiên liệu rời (drop tanks).

Trong đợt tấn công đầu tiên, các máy bay được chất đầy nhiên liệu nhất có thể, trong quá trình bay sẽ thả các thùng nhiên liệu rời sau khi dùng hết để giảm tải trọng.

Thùng dầu phụ có giá không hề rẻ, không phải lúc nào cũng bị vứt lại sau khi dùng xong, Nhưng không quân Israel đã quyết định như vậy để tối đa hóa tầm bay tới Iran, theo TWZ.

Chiến dịch không kích tầm xa chưa từng có tiền lệ

Một chiến đấu cơ Israel mang tới 3 thùng dầu phụ gắn rời bên ngoài. Ảnh: TWZ.

Những đợt không kích ban đầu nhằm vào các vị trí gần biên giới Iran - Iraq, sau đó mở rộng sâu vào lãnh thổ Iran. Israel dường như đã tính toán kỹ lưỡng hành trình bay nhằm tận dụng tối đa tầm hoạt động của từng phi đội. Một số tiêm kích F-35I của Israel còn được cho là đã được tinh chỉnh phần mềm và cấu hình để tăng tầm bay. Tuy chưa rõ chi tiết, nhưng nhiều phi công Israel dường như hạ cánh trong tình trạng máy bay gần như cạn kiệt nhiên liệu hoàn toàn.

Thách thức lớn nhất là đợt không kích ngày đầu tiên khi Israel thông báo huy động tới hơn 300 máy bay để dội bom các mục tiêu ở Iran. Trong những sau đó, tần suất không kích được duy trì nhưng với cường độ và rủi ro thấp hơn khi các hệ thống phòng không Iran phần nào đã bị vô hiệu hóa.

Thùng dầu rỗng được chiến đấu cơ Israel thả xuống Syria trong cuộc xung đột với Iran. Nguồn: TWZ.

Việc Israel duy trì hàng trăm phi vụ không kích Iran trong 12 ngày với chỉ 7 máy bay tiếp dầu là điều “khó tin”. Ngoài sự can thiệp của Mỹ khi dội bom cơ sở hạt nhân Iran, vấn đề không kích trong khi thiếu máy bay tiếp dầu có thể là một trong những lý do khiến Israel cần nhanh chóng kết thúc chiến dịch vì nguy cơ quá tải hậu cần.

Dù từng có giả thiết về khả năng Israel được hỗ trợ tiếp dầu từ Ả Rập Saudi, Jordan hay thậm chí là Azerbaijan, nhưng không có bằng chứng nào củng cố điều đó.

Có thể nói, với tuyên bố phủ nhận từ phía Mỹ, Israel dường như đã tự thân vận động, làm nên một chiến dịch không kích tầm xa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại, TWZ kết luận.

Đăng Nguyễn - TWZ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tiet-lo-israel-lam-dieu-chua-tung-co-tien-le-trong-lich-su-hien-dai-khi-giao-tranh-12-ngay-voi-iran-204251707105205949.htm
Zalo