Tiếp nhận 45 công dân Việt Nam bị trục xuất từ Campuchia

Trong số 45 công dân tiếp nhận đợt này (có 10 nữ), phần lớn là thanh niên đến từ nhiều tỉnh, thành trong như TP.HCM, Tây Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng...

Video: Tiếp nhận 45 công dân Việt Nam bị trục xuất từ Campuchia

Ngày 17-7, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Bộ đội Biên phòng Tây Ninh) phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 45 công dân Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và lực lượng chức năng Campuchia bàn giao.

Theo lực lượng chức năng Campuchia, các công dân này bị xác định là cư trú trái phép và bị trục xuất về nước.

Sau khi tiếp nhận, các đơn vị nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra, rà soát.

Trong số 45 công dân tiếp nhận đợt này (có 10 nữ), phần lớn là thanh niên đến từ nhiều tỉnh, thành trong như TP.HCM, Tây Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Gia Lai, Cà Mau…

 Các công dân Việt Nam làm thủ tục về nước.

Các công dân Việt Nam làm thủ tục về nước.

Qua sàng lọc, cơ quan chức năng phát hiện một trường hợp thuộc diện bị cấm xuất cảnh; sáu người từng có tiền án, tiền sự liên quan đến các tội danh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, đánh bạc, trộm cắp, cướp giật…

Các công dân này cho biết đã bị dụ dỗ xuất cảnh sang Campuchia làm việc thông qua các trang mạng xã hội quảng cáo “việc nhẹ lương cao”. Tuy nhiên, khi đến nơi, họ bị ép làm việc trong các tổ chức lừa đảo trực tuyến, chủ yếu giả danh để lừa người dùng Việt Nam qua các ứng dụng như “App Tình Yêu”, “Thương mại điện tử”, “Tài xỉu”, “Chứng khoán ảo”… hoặc giả danh công an, điện lực, nhân viên thuế để lừa đảo qua điện thoại.

Nạn nhân THD (quê Cà Mau) kể: “Mỗi ngày tôi bị ép tìm kiếm 200 tài khoản có điều kiện kinh tế để gửi lời kết bạn và nhắn tin gạ gẫm. Nếu không đạt chỉ tiêu, tôi bị đánh đập, không cho ăn, không được ngồi nghỉ, thậm chí bị tiêm thuốc. Chúng giam lỏng và giám sát nghiêm ngặt, trốn cũng không được. Nay được giải cứu, tôi như được hồi sinh thêm một lần nữa”.

Theo THD, những người bị lừa đều bị chia việc cụ thể, hoạt động dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu không làm đúng yêu cầu, nạn nhân sẽ bị đe dọa, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần.

Lực lượng chức năng cảnh báo: Người dân, nhất là thanh niên, cần nâng cao cảnh giác khi tìm việc làm qua mạng, không nên tin vào các lời mời gọi “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội. Trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ thông tin địa điểm, người môi giới và các tổ chức liên quan; chỉ nên thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp.

Khi phát hiện các hành vi lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

NGUYỄN TIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiep-nhan-45-cong-dan-viet-nam-bi-truc-xuat-tu-campuchia-post860795.html
Zalo