Tiến tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9): Tháng bản lề của vận hội non sông
Với cột mốc 1-7-2025 bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tháng 7 được xem như là tháng bản lề của việc 'sắp xếp lại non sông' để dân tộc vươn mình vào kỷ nguyên mới.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Thị Hằng (thứ 2 từ phải qua) khảo sát tình hình hoạt động, cơ sở vật chất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã Tân Khai. Ảnh: Như Nam
Tháng 7 của 80 năm trước (năm 1945) cũng được đánh giá là “tháng bản lề” của “vận hội non sông” bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Bối cảnh thế giới
Tháng 7-1945, thế giới đánh dấu bước ngoặt lịch sử sau Thế chiến thứ 2, định hình cục diện chính trị toàn cầu. Tháng 5-1945, Đức quốc xã đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chiến tranh ở châu Âu. Đến tháng 7, các quốc gia chiến thắng, đặc biệt là Liên Xô, Mỹ và Anh, bước vào giai đoạn chiếm đóng và tái thiết.
Uống nước nhớ nguồn. Vui hưởng thắng lợi ngọt ngào của dân tộc khởi nguồn từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9-1945, không thể nào quên những ngày gian khổ trước đó.
Từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, Hội nghị Potsdam tại Đức để Mỹ, Nga, Anh phân chia thế giới. Đế quốc Nhật vẫn còn kháng cự yếu ớt, cuối cùng đến tháng 8-1845 cũng đầu hàng vô điều kiện. Các phong trào giải phóng dân tộc đòi độc lập trỗi dậy. Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia…, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ngày càng phát triển, đòi hỏi chấm dứt ách thực dân. Ở Đông Dương, Phong trào Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đang chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đây là thời điểm các cường quốc thiết lập nền tảng cho trật tự quốc tế sau chiến tranh, cũng là lúc cho các dân tộc thuộc địa trỗi dậy giành lấy độc lập, tự do.
Thời cơ và thách thức
Với cách mạng Việt Nam, tháng 7-1945 là thời điểm vô cùng quan trọng. Sau ngàn năm phong kiến, gần một thế kỷ bị thực dân đô hộ và gần 5 năm dưới ách thống trị của phát xít Nhật, đây là thời cơ “ngàn năm có một”, cũng là “thách thức khó vượt qua”, đòi hỏi hoặc nắm bắt cơ hội để vùng lên giải phóng dân tộc, hoặc chìm đắm vào hố sâu nô lệ. Trong nước, chính quyền phát xít Nhật dựng lên chính phủ bù nhìn mất uy tín và bất lực, xã hội khủng hoảng, dân tình đói khổ, khao khát độc lập dân tộc bùng lên.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (vào ngày 9-3-1945), Đảng Cộng sản Đông Dương (hoạt động bí mật) nhận thấy thời cơ cách mạng đang đến gần, quyết định đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước, phát động quần chúng vũ trang, xây dựng lực lượng, tổ chức tuyên truyền, phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo.
Lực lượng vũ trang (Việt Nam Giải phóng quân) được tổ chức chặt chẽ, ra sức luyện tập, chuẩn bị chiến đấu. Mặt trận Việt Minh được củng cố và mở rộng khắp cả nước, kể cả các vùng nông thôn, đô thị và vùng tạm chiếm. Chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã, huyện, đặc biệt ở Việt Bắc, Cao - Bắc - Lạng, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Tất cả khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Bản lề tháng 7-1945
Tháng 8-1945, gặt hái thành công của cánh mạng giành độc lập, tự do; mọi sự chuẩn bị đảm bảo cho thành công đã diễn ra từ tháng 7.
Để có Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 14 và 15-8-1945 và Quốc dân Đại hội 16-8-1945, từ tháng 7-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã thống nhất những chủ trương lớn: phát động Tổng khởi nghĩa toàn quốc được thống nhất; xác định thời cơ cách mạng đang chín muồi và cần chớp lấy; chuẩn bị thành lập Ủy ban Khởi nghĩa và các kế hoạch hành động cụ thể; chuẩn bị đề cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (chính phủ lâm thời).
Có thể nói, tháng 7-1945 là thời điểm cả nước bước vào giai đoạn chuẩn bị nước rút cho tổng khởi nghĩa: các đội vũ trang được lệnh sẵn sàng tiến về đồng bằng; hàng chục cuộc khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở cấp huyện, xã nổ ra tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng; hệ thống tuyên truyền cách mạng làm sục sôi tinh thần yêu nước, quyết giành lấy chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 7-1945 là giai đoạn cao trào tiền khởi nghĩa, thể hiện sự kết hợp tuyệt vời giữa thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Những quyết sách kịp thời, sáng suốt của Trung ương Đảng, cùng sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng, đã tạo tiền đề trực tiếp cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa
Từ ngày 4-5-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pác Pó về Tân Trào để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Trong 2 tháng ở Tân Trào, Bác Hồ làm việc khẩn trương, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, chủ trì nhiều cuộc họp, quy tụ cán bộ chủ chốt từ các địa phương về căn cứ Việt Bắc.
Đến tháng 7-1945, đường lối tổng khởi nghĩa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt trong các hội nghị của Đảng, thống nhất trong tư tưởng và kế hoạch hành động. Tư tưởng của Hồ Chí Minh thành quyết tâm chung: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu cũng nhất định giành cho được độc lập; “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, khẳng định vai trò quyết định của nhân dân trong cuộc cách mạng.
Theo bộ sách Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng biên soạn), để đường lối tổng khởi nghĩa được thực hiện thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc không ngơi nghỉ, quan tâm đến mọi việc, từ tổng thể đến chi tiết, lường trước, trông sau, đối nội, đối ngoại, sẵn sàng nhiều phương án giải quyết tình huống. Người cử cán bộ tiếp xúc với các phái bộ đồng minh tại Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng của tướng Mỹ Claire Lee Chennault đang hoạt động trong “Đội Hổ bay” (Flying Tigers), mục tiêu là tìm kiếm sự công nhận quốc tế, tranh thủ viện trợ và ngăn cản âm mưu tái chiếm của thực dân Pháp; tăng cường công tác huấn luyện và phát triển lực lượng vũ trang; trực tiếp chỉ đạo mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ nòng cốt; soạn thảo các bài nói, thư kêu gọi, tài liệu tuyên truyền để nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng; chuẩn bị cho sự kiện ra mắt Ủy ban Khởi nghĩa.
Khoảng đầu tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà ông Ma Văn Yến ở Lũng Cò (Tuyên Quang) trực tiếp chỉ đạo việc tiếp đón đội bay của đồng minh. Ở đó, Bác Hồ trực tiếp trao đổi với các sĩ quan Đội “Con Nai” (OSS) do đồng minh phái đến, thuyết phục các sĩ quan OSS hiểu rằng Mặt trận Việt Minh là tập hợp các đảng phái chính trị được tổ chức với mục đích duy nhất là đánh đổ tất cả các chính quyền nước ngoài và đấu tranh cho tự do và độc lập hoàn toàn của Đông Dương. Người nhấn mạnh sự bất bình của nhân dân Việt Nam đối với người Pháp. Thiện cảm của các sĩ quan OSS được tiếp xúc với Hồ Chí Minh lúc này có lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Sau khi từ Lũng Cò về đến Tân Trào, do lao tâm lao lực quá nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bệnh nặng, rất nguy kịch, một mình chiến đấu với cơn bạo bệnh tại lán Nà Lừa. Sức khỏe thể chất của Người suy yếu, nhưng tinh thần vẫn quyết tâm với tổng khởi nghĩa.
Theo lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một ngày cuối tháng 7, Đại tướng đến báo cáo công việc tại lán Nà Lừa, thấy Bác bệnh nặng, sốt cao, có lúc mê sảng, lo quá, xin ở lại bên Người. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. May quá, một thầy lang người Tày đến chữa bệnh cho Bác, Bác hồi phục sức khỏe, tiếp tục cuộc hành trình Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 8-1945, mở ra vận hội mới cho non sông...