Tiền gửi ngân hàng tăng thấp

Nửa chặng đường kinh tế năm 2024 đã đi qua, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 1,5% so với cuối năm 2023, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trước đó, số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng). Như vậy, so sánh hai số liệu trên, trong vòng 3 tháng huy động vốn của ngành ngân hàng chỉ tăng thêm hơn 2 triệu tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái do các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động về mức thấp mà theo đánh giá mặt bằng lãi suất huy động trong các tháng đầu năm nay còn thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng chạm đáy, giá vàng lại liên tục tăng trong nhiều tháng, cùng với biến động mạnh của giá nhà chung cư, chứng khoán nên nhiều người dân đã đưa tiền khỏi ngân hàng và đổ sang các kênh đầu tư khác.

Thời gian gần đây, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất, có nơi điều chỉnh tới 1,7%. Mặt bằng lãi suất tăng nhẹ và ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền. Các chuyên gia đánh giá, động thái điều chỉnh này nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua...

Nhóm chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm. Chuyên viên phân tích dự báo lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ trong quý II và III từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV/2024, kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn được yêu cầu giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Điều này sẽ tạo áp lực cho các ngân hàng thương mại trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao như thời gian qua. Mặt khác, nợ xấu tăng và chất lượng tài sản suy giảm cũng là những yếu tố quan trọng có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank, tính đến ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,4 % so với đầu năm. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngân hàng, bởi có thời điểm tăng trưởng âm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Thời gian qua, Viecombank đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tín dụng như cải tiến quy trình cấp tín dụng, áp dụng các giải pháp công nghệ, tăng giải ngân trực tuyến…

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank đã chỉ ra nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng, như nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn như bất động sản, tiêu dùng bán lẻ; cơ chế chính sách dù đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ nhưng việc thực hiện ở dưới cơ sở chưa đồng bộ, nhất là những thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển nhượng; nền kinh tế thế giới vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến động chính trị, lạm phát...

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tien-gui-ngan-hang-tang-thap-10284683.html
Zalo