Tiếc cho Thành Long
Thay vì để Thành Long tỏa sáng như một huyền thoại sống, thì 'Karate Kid: Legends' lại biến ông thành 'nhân vật minh họa' - góp mặt chỉ để tạo hiệu ứng hoài niệm.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim.
Không phải thương hiệu nào cũng đủ sức bước qua lớp bụi hoài niệm để sống lại bằng một câu chuyện mới. Karate Kid: Legends là một thử nghiệm như vậy, đầy tham vọng, nhưng không khỏi loạng choạng trên chính đôi chân của mình.
15 năm sau thành công của Karate Kid, Sony quyết định hồi sinh thương hiệu điện ảnh với dự án mới Karate Kid: Legends, mang theo cả Ralph Macchio lẫn Thành Long, với hy vọng tái hiện ánh hào quang năm xưa bằng một màn “song kiếm hợp bích” của võ học Đông - Tây. Nhưng tiếc thay, thứ để lại sau cùng chỉ là cảm giác hụt hẫng trong người hâm mộ, cùng sự tiếc nuối trước cú trượt dài của Thành Long - ngôi sao hành động một thời - giữa vòng luẩn quẩn của những dự án bết bát.
Lạc lối giữa những công thức cũ kỹ
Câu chuyện của Karate Kid: Legends theo chân Lý Phong (Ben Wang) một thiếu niên gốc Hoa từng học võ tại Bắc Kinh, buộc phải từ bỏ võ thuật sau cái chết của anh trai. Khi chuyển tới New York, cậu gặp rắc rối tại môi trường mới. Bị bắt nạt và tổn thương, Lý Phong miễn cưỡng quay lại học võ để bảo vệ bạn bè và giúp cha bạn gái - một cựu võ sĩ quyền Anh - vượt qua khó khăn.
Dưới sự chỉ dẫn của hai sư phụ là ông Hán (Thành Long) và Daniel LaRusso (Ralph Macchio), chàng trai trẻ học cách kết hợp kung fu và karate để đối đầu đối thủ mạnh trong giải đấu Five Boroughs. Trận chung kết trở thành nơi Lý Phong vượt qua nỗi sợ, giành chiến thắng và tìm lại niềm tin ở chính mình.

Tác phẩm do Jonathan Entwistle đạo diễn, nổi tiếng với series I'm Not Okay with This (2020).
Điều đáng tiếc nhất Karate Kid: Legends là cách phim lựa chọn kể lại một công thức vốn quá quen thuộc, mà không cho thấy bất kỳ nỗ lực trong việc tìm tòi, làm mới các chi tiết. Nhiều nút thắt trong kịch bản như khoản nợ của chủ tiệm pizza, việc ông từng là võ sĩ, hay sự kết nối với võ đường Karate đối thủ đều bị dàn xếp một cách gượng ép.
Phim từ đó dần rơi vào cái bẫy quen thuộc của nhiều tác phẩm Hollywood khai thác chủ đề phương Đông. Thay vì chắt lọc từ hiện thực văn hóa để kể một câu chuyện giàu tính bản địa, họ chọn lối cắt dán khuôn sáo từ motif "Đông Tây giao thoa", thiếu đi những quan sát và phát hiện tinh tế, sống động.
Ngay cả chi tiết mang tính biểu tượng, sự kết hợp giữa Kung Fu và Karate, cũng chỉ dừng lại ở lời thoại sáo rỗng của hai bậc thầy võ thuật là ông Hán và Daniel LaRusso. Những triết lý về sự giao thoa võ học còn hời hợt, lại nặng tính giáo điều. Điều đó khiến ý tưởng “một thân cây, hai nhánh võ” - vốn có thể là cốt lõi làm nên chiều sâu cho câu chuyện - rốt cuộc trở thành lớp vỏ bọc nhìn thì lấp lánh nhưng thực chất không nhiều giá trị.
Trong khi, cao trào của phim, trận đấu cuối, lại được xây dựng quá dễ đoán. Cú đá “di sản” mà nam chính sử dụng để lật ngược tình thế chẳng những thiếu sáng tạo, mà còn không mang lại cảm xúc bùng nổ như mong chờ. Việc đặt toàn bộ chiến thắng vào một chiêu thức do người anh trai quá cố tự mày mò, thay vì những bài học mới từ hai người thầy, khiến khán giả không khỏi đặt câu hỏi về mục đích thực sự của hành trình tầm sư học võ.
Thành Long "vùng vẫy"
Dù đường dây câu chuyện còn nhiều điểm gãy đổ, Karate Kid: Legends vẫn cho thấy một số nỗ lực nhất định trong việc kết nối các thế hệ khán giả bằng một câu chuyện mang màu sắc di sản. Tác phẩm không chỉ đưa trở lại bộ đôi nhân vật biểu tượng - ông Hán và Daniel LaRusso - mà còn lồng ghép một số chi tiết trong vũ trụ Karate Kid, từ bản gốc đến loạt phim Cobra Kai, tạo thành một bức tranh tổng thể về hành trình trưởng thành qua võ đạo.

Phim có ngân sách sản xuất theo ước tính là 45 triệu USD.
Nhân vật chính Lý Phong cũng hiện lên với chiều sâu nội tâm. Cậu không đơn thuần là "nạn nhân" cần cứu rỗi, mà là một thiếu niên mang chấn thương tâm lý, dằn vặt giữa quá khứ và trách nhiệm hiện tại. Hành trình của chàng trai trẻ, từ khi từ bỏ võ thuật, mất phương hướng rồi "tái sinh" trong trận đấu cuối, vẫn mang đúng tinh thần vượt nghịch cảnh quen thuộc của thương hiệu.
Dù không phải nhân vật trung tâm, Thành Long không nghi ngờ gì vẫn là cái tên được mong chờ nhất trong dàn cast. Sự trở lại của tài tử sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh Hollywood từng khiến người hâm mộ kỳ vọng vào một màn trình diễn đầy sức hút, tương tự cái cách mà anh thể hiện trong phiên bản The Karate Kid (2010). Thế nhưng, sự thật là vai diễn của Thành Long lần này lại gây hụt hẫng vì mờ nhạt.
Nhân vật của Thành Long xuất hiện muộn, không có nhiều đất diễn để tỏa sáng. Các bài học ngắn ngủi, chủ yếu nhằm phô diễn chiêu thức hơn là truyền đạt tinh thần võ đạo, lẫn mối quan hệ, tương tác giữa ông Hán với nam chính Lý Phong đều thiếu sức nặng, chưa thể làm bật lên mối quan hệ sư đồ sâu sắc như những gì người xem mong đợi.
Tệ hơn, phần hành động, vốn là thế mạnh làm nên tên tuổi Thành Long, cũng hạn chế rõ rệt. Những thế võ quen thuộc, sự uyển chuyển và nét duyên dáng hài hước đặc trưng gần như biến mất, chỉ còn lại những đòn thế ngắn, rời rạc trong các phân đoạn cắt cảnh dồn dập. Nhiều cây bút phê bình quốc tế nhận xét rằng, thay vì để Thành Long tỏa sáng như một huyền thoại sống - đúng với tựa phim “Legends” - thì đứa con tinh thần của Jonathan Entwistle lại biến ông thành "nhân vật minh họa", chỉ góp mặt để tạo hiệu ứng hoài niệm.
Chính sự lãng phí này khiến màn tái xuất của Thành Long trở nên nhạt nhòa - điều đáng tiếc cho một nghệ sĩ gạo cội từng góp công hồi sinh thương hiệu. The Karate Kid tiếp tục là một cú trượt dài của tài tử, sau loạt dự án phim ảnh bết bát doanh thu lẫn chất lượng.

Thành Long chật vật đi tìm lại hào quang những năm gần đây.
Chẳng riêng nhân vật của Thành Long, nhiều cảnh võ thuật - linh hồn của Karate Kid - bị xử lý khá đơn điệu và cẩu thả, tạo cảm giác là những màn trình diễn trên sân khấu hơn là những pha đối đầu chân thật. Góc máy rung lắc, cắt cảnh liên tục góp phần thúc đẩy cảm giác hồi hộp, song điều chúng còn thiếu là sự biến hóa trong những cú máy, hay sự hiểm hóc của từng thế đòn cho tới cảm giác đau đớn, sát phạt cần có trong một trận đấu tay đôi.
Trong khi, Ben Wang dù đã nỗ lực tự mình thực hiện nhiều cảnh quay khó, nhưng thể chất và phong thái của nam diễn viên trẻ chưa đủ để khiến người xem tin rằng Lý Phong là một “kỳ tài võ học” như lời thoại mô tả.
Với chi phí sản xuất 45 triệu USD nhưng doanh thu toàn cầu chỉ nhỉnh hơn 100 triệu USD, Karate Kid: Legends không phải canh bạc thua lỗ, nhưng rõ ràng còn xa mới chạm tới kỳ vọng của hãng. Trong khi đó, giới phê bình lẫn khán giả cũng tỏ ra không mặn mà với nội dung tác phẩm. Phần lớn đánh giá cho rằng đây là phần hậu truyện nhạt nhòa, "dựa hơi" hào quang cũ chứ không phải một dự án độc lập đáng nhớ.