Thương mại điện tử toàn cầu: bàn đạp mới cho xuất khẩu hàng Việt
Việc đưa sản phẩm Việt Nam lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đang mở ra cơ hội cho hàng Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả cơ hội này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Cơ hội từ các nền tảng số
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024 ghi nhận sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành TMĐT trên phạm vi toàn cầu, nhất là khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng 18-25% mỗi năm, thuộc tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh cho biết, việc xuất khẩu hàng Việt qua các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba… đã trở thành xu hướng của DN Việt. Thông qua các kênh bán hàng này, hàng Việt Nam tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng trên khắp thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU và ASEAN. “Hiện tại, một số thương hiệu Việt Nam như gốm sứ Minh Long; Đồ gia dụng Sunhouse; Rong nho Trường Thọ đã có mặt trên “quầy, kệ” của Amazon…” bà Lại Việt Anh nêu ví dụ.
Theo Tổng Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á Larry Hu, thời gian qua, xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam tại các sàn TMĐT đã có bước tiến ấn tượng. Riêng trên Amazon, trong 5 năm qua số lượng sản phẩm Việt bán trên Amazon đã tăng hơn 300%. “Điều này cho thấy sức hấp dẫn của hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng quốc tế cũng như tiềm năng to lớn mà TMĐT xuyên biên giới mang lại”- ông Larry Hu nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tiến cận sàn TMĐT Amazon đưa hàng Việt ra thế giới. Ảnh: Hoài Nam
Bên cạnh Amazon, nhiều DN Việt Nam cũng đã tận dụng hiệu quả các nền tảng khác như Alibaba, eBay để tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Trưởng phòng Xuất khẩu, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú (Hà Nội) Hoàng Thị Hương thông tin, ngay từ năm 2011, DN đã xuất khẩu qua các sàn TMĐT. Nhờ đó, hiện sản phẩm của DN đã có mặt tại 10 thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Tương tự, Phó Giám đốc Hợp tác xã Kiên Thuận (Lào Cai), Đỗ Tuấn Lương cho hay, trước khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, 70% doanh thu của hợp tác xã phụ thuộc vào thị trường nội địa. Thế nhưng, sau khi sản phẩm lên sàn TMĐT Alibaba.com tiêu thụ, đã giúp doanh thu xuất khẩu của hợp tác xã đạt kim ngạch 1 triệu USD. Hiện, các sản phẩm chè của công ty đã có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, TMĐT xuyên biên giới phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với TMĐT đang trở thành trào lưu của các quốc gia có kinh tế phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...Bên cạnh đó, TMĐT giúp cho các cá nhân, DN dễ dàng giới thiệu và bán sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Ngoài ra, việc tham gia vào hệ thống sàn TMĐT tạo cơ hội cho các DN Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm; Nâng cao giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Cách nào khai phá tiềm năng?
Mặc dù TMĐT phát triển mạnh mẽ nhưng trong quá trình này cũng tạo sự cạnh tranh khốc liệt. Báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn cho thấy, riêng trong năm 2024 đã có khoảng 165.000 shop đã phải rời bỏ thị trường TMĐT.
Phân tích nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng đóng cửa rời bỏ thị trường TMĐT, Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric Phạm Bảo Trung nêu rõ, hiện nhiều nhà bán hàng hoạt động không hiệu quả đã phải nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn. Bên cạnh đó người bán hàng trên TMĐT phải gánh nhiều loại chi phí quảng cáo, hoa hồng cho sàn TMĐT, thuế… chiếm từ 35 - 45% doanh thu khiến chi phí đội lên cao hơn.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Để trụ vững trong quá trình kinh doanh trên sàn TMĐT, Phó chủ nhiệm bộ môn Digital Marketing Đại học RMIT Tiến sĩ Anh Nguyễn cho rằng, để tiêu thụ sản phẩm, người bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đồng thời bảo đảm được lợi nhuận, chi phí không bị đội lên quá cao.“Nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí” - bà Anh Nguyễn “hiến kế”.
Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, để hỗ trợ cộng đồng DN, Cục TMĐT và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển TMĐT nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) qua đó hỗ trợ DN Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế. Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đào tạo TMĐT xuyên biên giới, từ đó nâng cao năng lực, kiến thức mới cho DN; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển TMĐT; xây dựng, triển khai sàn TMĐT hợp nhất cho các tỉnh, thành (sanviet.vn) từ đó tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ… "Hoạt động này giải quyết bài toán giảm chi phí vận chuyển, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT"-bà Huyền khẳng định.

Các chuyên gia, nhà quản lý hiến kế cách thức đưa hàng Việt ra thế giới thông qua sàn TMĐT. Ảnh: Hoài Nam
Thông tin về việc hỗ trợ DN đưa hàng Việt ra toàn cầu thông qua sàn TMĐT, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Cục Xúc tiến Thương mại và Amazon Global Selling Việt Nam đã ký kết hợp tác triển khai chương trình "Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu" (V-Brands Go Global with Amazon). Theo đó, từ 2025 - 2027, Amazon sẽ trang bị kiến thức Đào tạo xúc tiến xuất khẩu trực tuyến thông qua 20 khóa học trực tuyến chuyên biệt, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại trên môi trường số cho 1.000 DN Việt Nam, đồng thời hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện trên thị trường quốc tế thông qua sàn TMĐT Amazon.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ đa dạng hóa việc phối hợp với các sàn TMĐT qua đó hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, Cục sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương ký kết các thỏa thuận hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu xây dựng gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn trên thế giới để quảng bá hình ảnh, sản phẩm Việt Nam tới khách hàng quốc tế”-ông Phú nêu rõ