Thương mại dịch vụ duy trì đà tăng trưởng
11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thái Nguyên đạt tăng trưởng cao, đưa lĩnh vực này tiếp tục giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 71,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 51,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Với kết quả ước tính 11 tháng như trên, tháng 12-2024 duy trì được đà tăng trưởng như bình quân 11 tháng năm 2024 thì sẽ vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 78,86 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ bằng 104,5% kế hoạch. Đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, một số tỉnh phía Bắc cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phục hồi sản xuất, ổn định thị trường cung cầu hàng hóa sau bão số 3.
Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng lĩnh vực này, những tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu hệ thống phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và các tiểu thương.
Thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối DN phân phối của tỉnh với nguồn hàng tại các địa phương nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.
Bên cạnh những giải pháp dài hạn như xây dựng chuỗi cung ứng, hỗ trợ sản xuất, Sở Công Thương còn hỗ trợ DN cung ứng, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước thông qua các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại. Dự báo trong thời gian tới, ngành thương mại dịch vụ (TMDV) tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Thái Nguyên.
Cuối tháng 11-2024, Sở Công Thương phối hợp với UBND huyện Phú Bình tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên 2024. Hội chợ tổ chức từ ngày 27/11/2024 đến ngày 1/12/2024.
Từ ngày 5-12 đến hết ngày 9-12, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND TP. Phổ Yên tổ chức Hội chợ “Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch lần thứ 2 - Thái Nguyên 2024”. 2 hoạt động này nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, mở rộng kênh phân phối các sản phẩm thế mạnh của địa phương trong tỉnh.
Tham gia gian hàng tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên 2024 tổ chức tại huyện Phú Bình, HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt giới thiệu đến đông đảo du khách sản phẩm cơm cháy Én Vàng, nguyên liệu là gạo nếp Thầu dầu - đặc sản của huyện Phú Bình.
Bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt, phấn chấn nói: Ngoài sản phẩm cơm cháy của HTX sản xuất, chúng tôi còn liên kết với 20 HTX trong tỉnh thành Teem nông sản. Quầy hàng của HTX trưng bày tại Hội chợ này, chúng tôi đã giới thiệu, phân phối, mở rộng tiêu thụ các sản phẩm OCOP là đặc sản thế mạnh của các địa phương trong tỉnh của các HTX khác, như sản phẩm trà của HTX chè Hảo Đạt; mỳ gạo Bao Thai (Định Hóa) của HTX Tâm Chè Thái; sản phẩm măng nứa sấy khô, mộc nhĩ, nấm hương của HTX chế biến nông sản Võ Nhai…
Ngoài đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thông qua tổ chức các hội chợ, dự báo mức bán lẻ dịp Tết 2025 tăng trưởng từ 10-15% so với cùng kỳ, Sở Công Thương khuyến khích các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng nguồn dự trữ hàng hóa, tham gia các chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm; tham gia “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024” và Chương trình “online Friday năm 2024”.
Bà Ngô Thị Lý, Giám đốc Siêu thị GO! Thái Nguyên, cho biết: Doanh thu của GO hiện nay đạt bình quân khoảng 25 tỷ đồng/tháng, tăng 15% so với cùng kỳ. Để chuẩn bị chu đáo cho Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, bảo đảm đủ sản lượng phục vụ khách hàng. Dịp này, các mặt hàng thiết yếu, hàng Tết, quà tặng siêu thị tập trung vào các sản phẩm hàng Việt Nam và bổ sung thêm hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Từ đầu tháng 11, việc chuẩn bị hàng cho Tết 2025 đã được Siêu thị GO! Thái Nguyên triển khai đồng bộ từ kho bãi dự trữ hàng hóa, tới các trang thiết bị và tuyển dụng nhân sự. Để đảm bảo giá ổn định trước, trong và sau dịp Tết, Siêu thị đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn với hàng nghìn sản phẩm, các mức giảm giá từ 10-50%. Nếu như năm 2024, lượng hàng phục vụ Tết khoảng 2,6 triệu sản phẩm, thì năm nay Siêu thị dự kiến lượng hàng dự trữ tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với các kênh bán hàng truyền thống, thời gian qua các sở, ban, ngành của tỉnh đã tích cực hỗ trợ các DN, HTX khai thác các nền tảng số đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Tại buổi làm việc với Sở Công Thương mới đây, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, giao nhiệm vụ cho Sở tập trung phát triển thương mại số. Đồng chí đề nghị ngành Công Thương dành sự quan tâm nhiều hơn nữa cho các DN, HTX để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Trước mắt cần tập trung để có gian hàng của tỉnh Thái Nguyên trên các sàn thương mại điện tử lớn của quốc tế, như Shopee, Lazada; quan tâm đưa được sản phẩm trà và chè Thái Nguyên lên các sàn bán lẻ và bán buôn, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, với mục tiêu trở thành cây “tỷ đô” trước năm 2030.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Bá Chính: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở đang tích cực làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như Lazada, Shoppe, TikTok để xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm tham gia các sàn giao dịch. Qua đó giúp các DN, HTX quảng bá, mở rộng kênh phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực thương mại dịch vụ.