Thuế thu nhập cá nhân với bất động sản: 20% có đủ công bằng?

Bộ Tài chính đã công bố và lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân với bất động sản, nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng. Ảnh minh họa: IT

Áp dụng thuế suất 20% với lãi bất động sản mua bán sẽ công bằng hơn?

Một trong số các điều chỉnh được dư luận quan tâm nhất là đề xuất thay đổi cách tính thuế 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Theo Bộ Tài chính, nội dung này sẽ giúp điều tiết sát thực tế, có thể có lợi hơn cho người nộp thuế trong nhiều trường hợp.

Theo quy định hiện hành, cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải nộp 2% thuế thu nhập cá nhân tính trên tổng giá bán từng lần. Tuy nhiên, đối với trường hợp giá bán không cao hơn giá mua, hoặc giao dịch không phát sinh lợi nhuận thì phương pháp cũ chưa phản ánh được bản chất việc mua bán. Nhất là trường hợp người bán bất động sản bị thuế “oan” khi lỗ hoặc lãi thấp.

Vì vậy, trong hồ sơ dự thảo, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án lấy ý kiến: áp dụng thuế suất 20% trên phần thu nhập tính thuế, trong đó thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua và chi phí liên quan (lãi).

Qua phân tích, phương án này có thể mang lại mức điều tiết tương đương với thuế suất 2% hiện nay. Đặc biệt, trong những trường hợp chênh lệch giá mua và bán không lớn, hoặc cá nhân bị lỗ, phương án 20% sẽ giảm gánh nặng thuế, bảo đảm công bằng hơn vì đánh thuế theo đúng thu nhập thực tế.

Theo đó, với bất động sản có mức lãi khi bán cao thì sẽ bị đánh thuế cao hơn so với mức lãi thấp, khác với mức thuế hiện tại là 2% trên giá bán bất động sản dù lỗ hay lãi. Mục tiêu là đảm bảo công bằng hơn giữa các đối tượng nộp thuế và sát thực tế thu nhập phát sinh.

Rõ ràng, phương pháp áp thuế suất 20% trên lợi nhuận thực tế được cho là tiệm cận nguyên tắc công bằng thuế: ai lãi nhiều, nộp nhiều; lãi ít, nộp ít; không lãi, không nộp.

Bộ Tài chính cho biết, việc thu thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở, hay mức độ sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, bất động sản...

Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản để thu đúng số tiền thuế phải nộp.

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ trình Quốc hội 10/2025

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật thuế thuế thu nhập cá nhân và nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.

Theo đó, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thuế thu nhập cá nhân (thay thế) dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế thuế thu nhập cá nhân hiện hành với 7 nhóm chính sách, nhiều nội dung sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, đảm bảo phù hợp với định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế thuế thu nhập cá nhân nói riêng được xác định trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-voi-bat-dong-san-20-co-du-cong-bang-179250723073540475.htm
Zalo