Thuế thu nhập cá nhân hướng tới đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính xây dựng, đang được lấy ý kiến đã nhận được sự quan tâm cao của xã hội. Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung lần này hướng đến việc đơn giản, đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân để khắc phục các vướng mắc phát sinh, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng giảm trừ gia cảnh có lợi cho người nộp thuế
Tại Tờ trình dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, mục đích của việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nhằm mở rộng cơ sở thuế; sửa đổi, bổ sung các quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế; điều chỉnh ngưỡng cũng như mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với một số loại thu nhập để đảm bảo phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập và mục tiêu điều tiết của thuế TNCN.
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến một số khoản giảm trừ đặc thù cho phù hợp với bối cảnh mới; giảm số bậc thuế của Biểu thuế suất lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công để góp phần đơn giản hóa biểu thuế.
Một nội dung khác cũng rất quan trọng trong dự thảo Luật, đó là sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm thuế TNCN cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút nhân lực công nghệ cao, thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh các quy định mới này, việc sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật cũng hướng đến việc đơn giản trong thực hiện chính sách thuế TNCN cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, tránh thuế; khắc phục các bất cập, vướng mắc phát sinh để đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đề cập đến các sửa đổi, bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế TNCN hiện hành, với 6 nhóm cụ thể.
Thứ nhất là sửa đổi, bổ sung nhóm chính sách về hoàn thiện quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với từng loại thu nhập chịu thuế.
Thứ hai là sửa đổi, bổ sung nhóm chính sách liên quan đến thu nhập được miễn thuế, giảm thuế TNCN để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với yêu cầu thúc đẩy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân và phát triển bền vững, nông nghiệp nông thôn…
Thứ ba là hoàn thiện quy định về thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh.
Thứ tư là điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của các chỉ số kinh tế vĩ mô, chỉ số giá và mức sống của người dân trong thời gian qua và dự báo giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo và các khoản giảm trừ đặc thù khác.
Thứ năm là điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các mức thuế suất tại Biểu thuế toàn phần đối với một số loại thu nhập.
Thứ sáu là rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ tính thuế, khấu trừ thuế, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của người nộp thuế.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân về hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân để có đề xuất chính sách phù hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.
Thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán, bất động sản
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) hướng đến việc đơn giản trong thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn thuế, tránh thuế.
Liên quan đến quy định về thuế TNCN đối với hoạt động chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, phương pháp tính thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và có tính khả thi cao.
Đối với quy định về thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, hiện có sự khác biệt về phương pháp tính thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán giữa cá nhân cư trú và không cư trú. Trong khi đó, phương pháp tính thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản lại không có sự khác biệt này.
"Ở một số nước, hầu hết các loại thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Tuy nhiên, cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác nhau giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết. Ở một số quốc gia, việc miễn, giảm thuế còn được áp dụng đối với các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán", ông Minh nói.
Về thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đề xuất áp thuế TNCN theo thời gian nắm giữ bất động sản.
Liên quan đến quy định này trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, quy định này nhằm thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ (Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 15/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản, Thông báo số 294/TB-VPCP ngày 9/6/2025 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thị trường bất động sản…). Vì vậy, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã đề xuất tỷ lệ thu thuế TNCN đối với bất động sản theo thời gian nắm giữ để hạn chế đầu cơ.
“Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia có sử dụng các công cụ thuế, trong đó có thuế TNCN để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản trong nền kinh tế. Trong đó, một số nước đã áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian nắm giữ bất động sản. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng để có đề xuất phù hợp với Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nói.
Giải thích thêm về mức thuế TNCN trong dự thảo Luật đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đang quy định thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy định thu thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đúng theo bản chất giao dịch kinh tế. Cụ thể, thu thuế TNCN theo mức 20% trên thu nhập tính thuế. Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ đi giá mua bất động sản và các chi phí liên quan.
“Tiếp thu các ý kiến này, tại hồ sơ dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đang đưa ra thêm phương án thu thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản theo thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế. Qua tính toán, so với mức thuế hiện đang áp dụng là 2% trên giá chuyển nhượng thì việc thu thuế 20% trên thu nhập thực tế (giá bán trừ giá mua và các chi phí hợp lệ), người chuyển nhượng cũng chỉ phải nộp mức thuế tương đương”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ.
“Có lộ trình phù hợp”
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn
Về thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trong một số trường hợp, khi chênh lệch giữa giá bán và giá mua ít hơn, không phát sinh thu nhập hoặc bị lỗ, thì việc thu 20% trên thu nhập chịu thuế sẽ có lợi hơn cho người chuyển nhượng, điều tiết thu thuế theo đúng thu nhập thực tế của hoạt động giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, việc thu thuế TNCN theo phương pháp 20% trên thu nhập cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách khác liên quan đến đất đai, nhà ở, mức sẵn sàng của cơ sở dữ liệu cũng như hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký, chuyển nhượng đất đai, bất động sản. Qua đó, có thể tạo điều kiện cho cơ quan thuế có đủ thông tin và cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản để thu đúng tiền thuế phải nộp.
“Giảm đầu cơ, khuyến khích đầu tư dài hạn bất động sản”
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã được đưa vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025). Trong đó, điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) so với Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đó là bổ sung một số thay đổi về thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Trong ngắn hạn có thể xảy ra làn sóng bán ra trước khi luật có hiệu lực, đặc biệt với những người có mục tiêu nắm giữ bất động sản dưới 2 năm. Điều này có thể đẩy giao dịch tăng vọt trong nửa cuối năm 2025.
Về tác động dài hạn, Luật thuế TNCN này sẽ khuyến khích xu hướng đầu tư dài hạn. Nhiều người bán sẽ trì hoãn kế hoạch bán ra đến khi đạt mốc 2-5 năm. Đầu tư cho thuê cũng sẽ hấp dẫn hơn.
Về giá bất động sản, dù nguồn cung thứ cấp giảm, giá sẽ tăng chậm lại và ít biến động hơn. Về dài hạn, giá sẽ tăng bền vững hơn nhờ phản ánh đúng bản chất thị trường.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả việc tính thuế dựa trên cơ sở thu nhập tính thuế xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan, đòi hỏi phải có cơ sở dữ liệu về lịch sử giao dịch của bất động sản để xác định giá vốn của bất động sản, điều kiện về hóa đơn, chứng từ chứng minh các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.
“Khuyến khích tiêu dùng, tạo sự đồng thuận xã hội”
Bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội
Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu nhập tính thuế từ 11 triệu đồng lên 13,3 - 15,5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng lên 5,3 - 6,2 triệu đồng/tháng là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay; bảo vệ thu nhập thực tế của người lao động; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Việc rút gọn biểu thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc cũng sẽ giảm độ phức tạp trong tính toán thuế; hạn chế “nhảy bậc” bất hợp lý, vì khoảng cách giữa các bậc thuế hiện nay khá ngắn, khiến người có thu nhập cao hơn một chút đã chịu thuế suất cao hơn; khuyến khích lao động tăng thu nhập; thuận lợi hơn cho quản lý thuế.
Qua nghiên cứu thấy rằng, dự thảo lần này không chỉ điều chỉnh mức giảm trừ và biểu thuế, mà còn hướng đến đơn giản hóa và minh bạch chính sách, cụ thể:
Chuẩn hóa và số hóa quy trình quản lý thuế TNCN: Việc khai, nộp và quyết toán được tích hợp trên nền tảng điện tử, hạn chế việc khai sai, khai thiếu hoặc không khai.
Cắt giảm thủ tục hành chính: Ví dụ, đề xuất về việc cá nhân không phải quyết toán nếu thu nhập từ một nguồn, đã khấu trừ đủ thuế, giúp giảm gánh nặng thủ tục cho người nộp thuế và cơ quan thuế.
Tăng tính minh bạch trong cơ sở dữ liệu thuế: Kết nối với ngân hàng, đơn vị chi trả thu nhập, bảo hiểm… để theo dõi thu nhập thực tế.
Ngăn chặn trốn thuế hiệu quả hơn: Với biểu thuế hợp lý và các công cụ kiểm soát số hóa, hành vi lách luật, hoặc không khai thuế sẽ bị phát hiện dễ hơn.
Có thể nói, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này mang tính toàn diện, không chỉ giảm gánh nặng thuế cho người lao động, mà còn hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác quản lý thuế, hướng đến một hệ thống thuế công bằng - hiệu quả - dễ thực hiện. Đây là một bước tiến phù hợp với xu hướng cải cách tài chính công và chuyển đổi số hiện nay.
“Công bằng, bình đẳng giữa những người nộp thuế”
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín
Theo Khoản 2, Điều 32, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành và Điều 9, Điều 13 dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đều quy định cá nhân là người lao động, cổ đông khi nhận cổ phiếu thưởng, cổ tức trả bằng cổ phiếu đều phải nộp thuế ngay khi tổ chức trả thu nhập hoặc trả cổ tức. Tuy nhiên, để tạo điều kiện hỗ trợ người nộp thuế, Nghị định 126/2020/NĐ-CP không bắt buộc người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ thuế ngay, mà chờ đến khi chuyển nhượng các loại cổ phiếu này mới thu thuế.
Để đảm bảo thống nhất và đồng bộ với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 126 cho phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành và phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Việc sửa đổi quy định thu thuế ngay khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng là phù hợp với tinh thần của Luật, định hướng chung của Nhà nước.
Quy định này không chỉ giúp tăng thu ngân sách nhà nước, mà còn đảm bảo công bằng, bình đẳng, tạo thuận lợi hơn cho các bên, trong đó có người nộp thuế, tổ chức phát hành cổ phiếu cũng như công ty chứng khoán và cơ quan thuế. Đồng thời, chính sách này còn giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý thu nộp thuế.
Tôi cho rằng, nếu quy định này được áp dụng sẽ không ảnh hưởng đến giá của chứng khoán, bởi thuế TNCN này chỉ ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà đầu tư phải ứng trước để nộp thuế. Tất nhiên, cũng sẽ có trường hợp bị áp lực nộp thuế nên phải thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu ngay, nhưng tôi cho rằng trường hợp này là không nhiều.
Mặt khác, quy định hiện nay về giá vốn chuyển nhượng chứng khoán được tính theo phương pháp bình quân gia quyền, nên khi chưa thu thuế ngay đối với các loại cổ phiếu này dẫn đến cá nhân người nộp thuế, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, công ty chứng khoán và cơ quan thuế phải theo dõi chi tiết chứng khoán theo từng loại để thực hiện nghĩa vụ thuế và thu thuế đúng pháp luật. Việc làm này sẽ rất mất thời gian và tốn kém chi phí xã hội, đặc biệt nếu số lượng chứng khoán giao dịch nhiều lần và trải dài qua nhiều năm.
Do đó, tôi cho rằng, việc thu thuế ngay đối với trường hợp này là hợp lý, giúp giảm tải công việc, thời gian, chi phí cho các bên, từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như công tác quản lý thu nộp thuế.