Thuế quan mới của Mỹ đối với Trung Quốc có thể thúc đẩy mạnh mẽ cho Đông Nam Á trong ngắn hạn

Làn sóng thuế quan mới của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chuyển hướng nhiều hoạt động sản xuất của Trung Quốc sang Đông Nam Á, nhưng nếu chính sách nhắm vào hàng hóa được vận chuyển qua các quốc gia thứ ba có thể dẫn tới những tác động trái chiều.

Động thái Mỹ áp thuế ít nhất 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc nếu được thực hiện như cam kết mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử sẽ đẩy nhiều nhà sản xuất Trung Quốc hơn vào các khu vực Đông Nam Á. Tại đó, các nhà sản xuất có thể vận chuyển hàng hóa đến thị trường Mỹ mà không cần những mức thuế đó.

Quá trình chuyển dịch trước đó đã bắt đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021, khi thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc tăng cao tới 25%.

Theo các nhà phân tích, Việt Nam đã nhanh chóng hưởng lợi với nền tảng lao động giá rẻ và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam đứng đầu về thị phần các dự án mới, với 29,7% tổng số được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm nay.

Tại Thái Lan, quốc gia đặt mục tiêu sản xuất 30% xe điện trong tổng sản lượng ô tô vào năm 2030 đã chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó bao gồm các thương hiệu xe điện hàng đầu thế giới.

Liu Kaiming, người sáng lập Viện Quan sát Đương đại (ICO) cho biết, ít nhất một nửa số sản phẩm dành cho trẻ em và nhu yếu phẩm hàng ngày hiện đang được miễn thuế có thể phải chịu thuế sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang các khu vực

Xuất khẩu của Trung Quốc sang các khu vực

“Điều này sẽ dẫn đến một làn sóng mới các công ty Trung Quốc chuyển năng lực sản xuất và hoạt động của họ sang Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia”, ông cho biết.

Dato' Ong Chong Yi, Giám đốc điều hành BRI Caucus khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (BRICAP) cho biết, ngày càng có nhiều công ty đầu tư vào Đông Nam Á và về cơ bản vốn của Trung Quốc tập trung tại khu vực này.

Theo công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN đạt khoảng 25,12 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 34,7% so với năm 2022.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ phản đối việc sử dụng các nước thứ ba để tránh thuế quan.

Nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc của ông Trump "có khả năng sẽ mở rộng sang các quốc gia được hưởng lợi từ việc chuyển hướng thương mại của Trung Quốc", Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế của Moody's Analytics cho biết.

“Các nhà khai thác vận tải biển tại Trung Quốc đang lên kế hoạch cho nhiều kịch bản khác nhau để phòng ngừa khả năng sẽ có những chính sách khắc nghiệt hơn trong bốn năm tới”, David Ng, Giám đốc phát triển thương mại cấp cao của công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Coface tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.

Bên cạnh đó, theo Zhang Jun, CEO của nền tảng kết nối các nhà xuất khẩu với các hãng vận tải biển Housanyou Information Technology: “Nếu thuế quan tăng, thì lượng hàng hóa thương mại sẽ giảm… Nếu điều này xảy ra, tất nhiên chúng tôi lo lắng”.

“Nội các mới nổi của ông Trump sẽ tỏ ra khó khăn trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào với Trung Quốc”, Gary Yim, người phát triển chiến lược kinh doanh cho dịch vụ giao hàng trọn gói quốc tế Bollyman Express tại Hồng Kông (Trung Quốc) nói và cho biết, các nhà xuất khẩu và hãng vận tải phải chuẩn bị cho thuế quan đối với Trung Quốc cũng như việc vận chuyển hàng.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thue-quan-moi-cua-my-doi-voi-trung-quoc-co-the-thuc-day-manh-me-cho-dong-nam-a-trong-ngan-han-post358448.html
Zalo