Thuế quan của Mỹ: Những động thái mới trước 'giờ G'
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp thông báo các thỏa thuận thuế đối ứng đạt được với 3 quốc gia, bao gồm thỏa thuận thương mại lịch sử với Nhật Bản, trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là tới 'hạn chót' mà Mỹ đặt ra về việc áp mức thuế mới.
Sáng 23/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, theo đó Tokyo sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, trong khi Washington áp mức thuế đối ứng 15%. Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết, Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường thương mại, trong đó có các mặt hàng như ôtô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp, cùng nhiều mặt hàng khác nhập khẩu từ Mỹ. Tổng thống Mỹ nhận định đây có thể là "thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay", đồng thời bày tỏ tin tưởng thỏa thuận có thể tạo ra hàng trăm nghìn việc làm.
Thỏa thuận này đạt được ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đối mặt với một cuộc bầu cử đầy khó khăn khiến liên minh của ông mất thế đa số tại Thượng viện. Tuy nhiên, theo thông báo của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba, nước này sẽ chỉ tăng lượng gạo nhập khẩu từ Mỹ theo hạn ngạch "tiếp cận tối thiểu", một khuôn khổ phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nói rõ thỏa thuận thuế quan giữa hai nước không đặt ra hạn ngạch đối với xe ôtô của Nhật Bản vào Mỹ và cũng không bao gồm mức thuế 50% đối với nhôm, thép của Nhật Bản xuất sang thị trường Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo các thỏa thuận thuế quan mới đạt được với Nhật Bản, Indonesia và Philippines trong ngày 22/7 (giờ địa phương).
Việc Nhật Bản đạt được thỏa thuận với Mỹ, theo giới quan sát, đang gây áp lực lớn cho Hàn Quốc, trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là tới thời hạn áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Theo Yonhap, tân Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Kim Jung-kwan ngày 23/7 đã lên đường thăm Mỹ để đàm phán về thuế quan với Washington. Theo kế hoạch, ông Kim sẽ hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, tìm kiếm phương án nhằm đạt tiến triển cho quá trình đàm phán thuế quan, cũng như phương án tăng cường hợp tác trong các ngành công nghiệp chiến lược như đóng tàu, chip bán dẫn, pin. Hiện tại, các ban ngành liên quan đến lĩnh vực thương mại của Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để giảm nhẹ mức thuế đối ứng 25% mà Mỹ dự kiến sẽ áp với Hàn Quốc sau hạn chót hoãn thuế vào ngày 1/8 tới.
Trước đó, kênh truyền hình CBS News cho biết, Mỹ và Indonesia trong ngày 22/7 (giờ địa phương) đã ra tuyên bố chung với thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Theo các điều khoản mà Tổng thống Donald Trump hé lộ, hàng hóa của Indonesia xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 19%, nhưng nhìn chung, hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Indonesia sẽ không bị áp thuế. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump chia sẻ rằng hai nước đã nhất trí việc Indonesia sẽ mở cửa thị trường cho các sản phẩm công nghiệp, công nghệ và nông sản của Mỹ bằng cách xóa bỏ 99% hàng rào thuế quan, trong khi Indonesia sẽ phải chịu mức thuế 19% cho tất cả các sản phẩm của họ khi vào Mỹ. Cũng theo thỏa thuận, Indonesia sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng và chấp nhận giấy chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cũng như giấy phép tiếp thị trước đó đối với các thiết bị y tế và dược phẩm. Một thông cáo của Nhà Trắng cho biết, Indonesia đã đồng ý mua 3,2 tỷ USD máy bay của Mỹ, 4,5 tỷ USD đậu nành, lúa mỳ, bông và các sản phẩm nông nghiệp khác và 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí giảm nhẹ mức thuế quan đối với Philippines từ 20% xuống còn 19%, sau cuộc gặp mà ông đánh giá là thành công với người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington D.C. Phát biểu khi đón tiếp nhà lãnh đạo Philippines tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã gọi ông Marcos Jr. là một "nhà đàm phán rất giỏi và cứng rắn", đồng thời cho biết hai bên "đã hoàn tất thỏa thuận thương mại".
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngay sau đó, Tổng thống Trump cho biết, dù Philippines sẽ mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa của Mỹ, ông vẫn sẽ áp thuế suất 19% với các sản phẩm nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á, một nước xuất khẩu lớn các mặt hàng công nghệ cao và may mặc. Bình luận về thỏa thuận thương mại với Mỹ, Đại sứ Philippines tại Washington - ông Jose Manuel Romualdez nói rằng đây là "một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi đang dần hoàn thiện và có thể tiếp tục cải thiện theo thời gian", theo hãng tin Reuters.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 22/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông sẽ gặp các đối tác Trung Quốc tại Stockholm (Thụy Điển) vào tuần tới để đàm phán về vấn đề thuế quan trong bối cảnh thời hạn áp thuế trở lại ở mức cao hơn đang đến gần. Trả lời phỏng vấn của công ty truyền thông Fox Business, Bộ trưởng Scott Bessent nêu rõ ông sẽ trao đổi với các quan chức Trung Quốc vào ngày 28-29/7 trong vòng đàm phán cấp cao thứ 3 để thảo luận về việc có nên gia hạn hoãn áp thuế như hiện nay hay không.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh các chính phủ trên khắp thế giới đang gấp rút đàm phán với chính quyền của Tổng thống Trump để giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu của họ trước thời hạn ngày 1/8, thời điểm cam kết của ông Trump về việc áp mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực. Giới đầu tư kỳ vọng các thỏa thuận thương mại với Philippines cũng như các chi tiết trong thỏa thuận với Indonesia mà ông Trump công bố sẽ mở đường cho thêm nhiều thỏa thuận mới với các nước khác, tạo dòng chảy thương mại thuận lợi cho các doanh nghiệp.