Thuế quan của Mỹ: Ấn Độ có thể biến nguy thành cơ?
Trang tin timesofindia bình luận việc Ấn Độ có hay không đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ không còn là vấn đề quan trọng.

Cảng hàng hóa ở Thiruvananthapuram, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Theo bài viết đăng tải trên trang tin này, trong bối cảnh các cuộc đàm phán "nhanh chóng" giữa Ấn Độ và Mỹ về một thỏa thuận thương mại tạm thời vẫn đang tiếp diễn, mức thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump cuối cùng sẽ áp dụng cho Ấn Độ là điểm đáng chú ý nhất.
Vào tháng 4/2025, Tổng thống Trump từng công bố áp đặt mức thuế đối ứng 26% đối với hàng hóa từ Ấn Độ. Sau đó, ông Trump đã tạm thời hạ thuế cho tất cả các quốc gia đối tác có trong danh sách bị áp thuế xuống còn 10% (ngoại trừ Trung Quốc) tạo không gian cho các nước có thể đàm phán thành công một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Sau các điều chỉnh liên tục của ông Trump, hạn chót mới nhất để áp thuế trở lại hiện là ngày 1/8/2025. Đối với Ấn Độ, ông Trump đã nói rằng thỏa thuận thương mại song phương sẽ giúp Mỹ tiếp cận thị trường Ấn Độ tốt hơn.
Vậy Ấn Độ đang đứng ở đâu trong cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump châm ngòi trên toàn cầu? Mức thuế nào sẽ có lợi cho Ấn Độ? Và quan trọng hơn, nếu thuế nằm ở ngưỡng từ 20% trở lên, liệu Ấn Độ có thực sự rơi vào thế bất lợi lớn hay không?
Trong báo cáo mới nhất, SBI Research (thuộc Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ - SBI) cho biết Ấn Độ sẽ có thể đa dạng hóa các cơ hội xuất khẩu để ứng phó với bất kỳ tác động tiêu cực nào từ một thỏa thuận không mấy thuận lợi với Mỹ.
Có thỏa thuận hay không, Ấn Độ vẫn đủ dư địa và lợi thế so sánh
SBI Research nhận định: “Chúng tôi tin rằng ngay cả khi thỏa thuận thương mại Ấn Độ-Mỹ không diễn ra như mong muốn và Ấn Độ bị áp thêm 10% thuế quan (bên cạnh mức thuế cơ sở 10% hiện đang áp dụng), vẫn có nhiều cách để quốc gia Nam Á này đa dạng hóa xuất khẩu”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh một điểm quan trọng: xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ tiếp tục đạt mức kỷ lục, dự kiến đạt 387,5 tỷ USD trong năm tài chính 2024-2025, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực công nghệ - thông tin (CNTT), tài chính và dịch vụ kinh doanh - cho thấy ảnh hưởng của thuế quan đến tổng kim ngạch xuất khẩu là không đáng kể.
Theo thông báo của Tổng thống Trump, ông đã gửi thư cho khoảng 20 quốc gia, đơn phương áp đặt thuế quan cho các quốc gia này với thời hạn thực thi bắt đầu từ ngày 1/8/2025. Dựa trên các thông báo có thể thấy rằng hầu hết các nước châu Á bị áp mức thuế cao hơn so với mức thuế dự kiến Ấn Độ sẽ phải gánh chịu. Báo cáo của SBI cho biết, tình hình này tạo điều kiện cho Ấn Độ tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Ấn Độ sở hữu lợi thế so sánh rõ ràng.
Phân tích của SBI chỉ ra rằng trong số 5 mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ, Ấn Độ hiện chỉ có lợi thế tương đối về hóa chất. Trung Quốc và Singapore hiện đang duy trì thị phần xuất khẩu lớn hơn sang thị trường Mỹ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang chịu mức thuế quan cao, Ấn Độ có tiềm năng mở rộng xuất khẩu hóa chất và dược phẩm sang Mỹ.
Nếu Ấn Độ đạt được thỏa thuận thương mại với mức thuế quan giảm xuống dưới 25% (hiện đang áp dụng cho Singapore), nước này có thể giành được thêm thị phần trong lĩnh vực này.
Báo cáo của SBI nêu rõ: “Nếu Ấn Độ có thể chiếm được 2% thị phần xuất khẩu hóa chất từ các đối thủ cạnh tranh, thì nước này có thể tạo ra thêm 0,2% cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 1% thị phần khác có thể được chiếm từ việc thay thế Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc - những quốc gia hiện đang phải chịu mức thuế quan cao hơn Ấn Độ - qua đó đóng góp thêm 0,1% vào GDP của Ấn Độ".
Về xuất khẩu hàng may mặc, SBI đánh giá Ấn Độ có tiềm năng giành được thị phần xuất khẩu hàng may mặc từ Bangladesh, Campuchia và Indonesia. Hiện tại, Ấn Độ chiếm 6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ, nếu giành được thêm 5% thị phần từ các nước nói trên sẽ có thêm 0,1% đóng góp vào GDP của Ấn Độ.
Đa dạng hóa thị trường bên ngoài Mỹ
Ấn Độ hiện đang rà soát lại Hiệp định Thương mại Hàng hóa với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), viết tắt là ATIGA, để giải quyết các bất thường về thuế quan và củng cố các điều khoản về "quy tắc xuất xứ".
ASEAN là đối tác thương mại lớn của Ấn Độ, với kim ngạch thương mại song phương đạt 123 tỷ USD vào năm 2024-2025. Tỷ trọng của ASEAN trong xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm qua các năm, trong khi tỷ trọng nhập khẩu vẫn ổn định.
Hơn nữa, Ấn Độ vẫn còn nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các quốc gia châu Á - hiện đang phải đối mặt với mức thuế quan cao của Mỹ. Quốc gia Nam Á này có thể tăng cường xuất khẩu hóa chất, hàng nông sản, các sản phẩm từ chăn nuôi, phế liệu và phế thải (đặc biệt là phế liệu kim loại), và một số sản phẩm chế biến từ động – thực vật sang các thị trường này.
Thực tế đàm phán thỏa thuận thương mại Ấn Độ - Mỹ
Bắt đầu từ ngày 7/7, ông Trump đã thực hiện việc gửi thư cho các đối tác thương mai của Mỹ, cập nhật thông tin về thuế quan đến hơn 20 quốc gia. Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ lá thư nào từ Tổng thống Trump. Nguyên nhân có thể là do hai nước đang tiến gần đến việc đạt được một thỏa thuận thương mại mới.
Trong khi 17 quốc gia đã được giảm thuế so với thông báo ban đầu vào ngày 2/4/2025, 6 quốc gia, bao gồm Brazil, Canada, Nhật Bản, Brunei, Philippines và Malaysia, phải đối mặt với việc Mỹ tăng thuế quan.
Theo báo cáo của SBI, "quyết định cuối cùng về thỏa thuận thương mại Ấn Độ - Mỹ sẽ được đưa ra trong vài ngày tới, với khả năng một thỏa thuận thương mại thu nhỏ sẽ được công bố vào giữa tháng 7/2025".
Thông tin mới nhất cho biết, Ấn Độ đã đưa ra một "đề xuất hợp lý cuối cùng", đang được các nhà lập pháp tại Quốc hội Mỹ xem xét. Dựa trên các tín hiệu hiện tại, đề xuất của Ấn Độ bao gồm hoạt động thương mại hàng hóa trị giá khoảng 150-200 tỷ USD giữa hai nước.
Mặc dù Ấn Độ đã tuyên bố rõ ràng rằng nước này không làm việc theo các “hạn chót” trong đàm phán thương mại, song một phái đoàn quan chức Bộ Công Thương Ấn Độ vẫn đang có mặt tại Mỹ để tiếp tục một vòng đàm phán mới.
Bộ trưởng Công Thương Piyush Goyal cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Ấn Độ đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp và các sản phẩm sữa, và theo các nguồn tin, hai vấn đề gây tranh cãi này nhiều khả năng sẽ bị loại khỏi thỏa thuận thương mại tạm thời.