Thuế nhập khẩu - thách thức mới của ôtô Trung Quốc

Làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của ôtô Trung Quốc là một phần nguyên nhân khiến nhiều nơi phải gấp rút áp dụng các mức thuế nhập khẩu mới dành cho nhóm xe này.

Năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô hàng đầu thế giới. Sau 12 tháng của năm 2023, đã có tổng cộng 5,22 triệu ôtô có nguồn gốc Trung Quốc được chuyển đến các quốc gia khác nhau trên toàn cầu với tổng giá trị kim ngạch hơn 101,6 tỷ USD.

Làn sóng đổ bộ mạnh mẽ của ôtô Trung Quốc khiến nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu, phải cảm thấy e dè. Từ đây, thuế nhập khẩu bổ sung được đưa ra như một giải pháp cứu cánh, phần nào giảm bớt khả năng bành trướng của ôtô Trung Quốc.

Nhiều nơi mạnh tay với xe Trung Quốc

Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ban hành mức thuế bổ sung mới dành cho ôtô điện có nguồn gốc Trung Quốc, tăng từ 25% lên mức 100%. Như vậy, bên cạnh mức thuế nhập khẩu chung 2,5%, các hãng xe điện Trung Quốc khi đưa sản phẩm vào Mỹ còn phải chịu thêm khoản thuế bổ sung mới, đưa tổng giá trị thuế nhập khẩu hiện hành lên mức 102,5%.

Thậm chí, Mỹ còn mạnh tay với nhóm ngành công nghiệp phụ trợ xe điện Trung Quốc khi áp đặt khoản thuế bổ sung mới ở mức 25% cho pin lithium-ion có nguồn gốc từ quốc gia tỷ dân.

Những động thái cứng rắn của chính quyền Mỹ được cho là nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô nội địa trước khả năng đổ bộ của xe điện Trung Quốc vào thị trường này. Trước đó, ôtô điện Trung Quốc đã nhanh chóng áp đảo và giành chiến thắng tại các thị trường Nga, Brazil cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á.

 BYD Atto 3 là xe điện bán chạy nhất Thái Lan trong năm vừa rồi.

BYD Atto 3 là xe điện bán chạy nhất Thái Lan trong năm vừa rồi.

Chuyên trang Car News China cho biết Canada cũng đang cân nhắc áp đặt một khoản thuế nhập khẩu lên xe điện Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô nước này. Hiện, xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào Canada đang phải chịu mức thuế 6%, nhưng ông Doug Ford - Thủ hiến của tỉnh bang Ontario - đã kêu gọi quốc gia Bắc Mỹ này áp đặt mức thuế nhập khẩu đến 100% đối với ôtô có nguồn gốc Trung Quốc.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng để ngỏ khả năng áp thuế nhập khẩu cao dành cho ôtô điện Trung Quốc. Theo kế hoạch, mức thuế nhập khẩu mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng cho xe điện Trung Quốc sẽ là 40% nhưng đi kèm định mức tối thiểu 7.000 USD trên mỗi xe. Ví dụ, nếu mức thuế nhập khẩu tương đương 40% giá trị xe nằm dưới mốc 7.000 USD, chiếc xe đó vẫn sẽ bị đánh thuế nhập khẩu bổ sung ở mức 7.000 USD.

Trong khi đó, châu Âu cũng cho thấy những động thái cứng rắn với ôtô nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc. Cụ thể vào ngày 12/6, Ủy ban châu Âu xác nhận một mức thuế nhập khẩu tạm thời sẽ có hiệu lực từ ngày 4/7, áp dụng cho các xe điện có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo đó, ôtô thương hiệu BYD nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải chịu mức thuế 17,4%, trong khi các xe thuộc tập đoàn Geely sẽ chịu mức thuế 20%.

Các hãng xe cho thấy dấu hiệu hợp tác với Ủy ban châu Âu trong cuộc điều tra liên quan đến vấn đề trợ cấp của chính quyền Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 21%, còn những hãng xe không hợp tác sẽ chịu mức thuế lên đến 38,1%.

Trong số này, SAIC là một trong những tên tuổi trong ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc dự kiến phải chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất tại thị trường châu Âu, ở mức 38,1%.

 Nhiều nơi mạnh tay với ôtô Trung Quốc thông qua các khoản thuế nhập khẩu bổ sung. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nơi mạnh tay với ôtô Trung Quốc thông qua các khoản thuế nhập khẩu bổ sung. Ảnh: Bloomberg.

Các khoản thuế nhập khẩu bổ sung vừa công bố được xem là “đòn đau” giáng thẳng vào tham vọng bành trướng sức ảnh hưởng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, nhất là tại khu vực lục địa già. Số liệu từ ACEA cho thấy trong năm 2023, Trung Quốc đã hoàn thành xuất khẩu 438.034 ôtô thuần điện sang các nước châu Âu, tổng giá trị kim ngạch đạt xấp xỉ 10,37 tỷ USD.

Số liệu nói trên cho thấy châu Âu vẫn đang là một điểm ngắm khá quan trọng của các hãng xe Trung Quốc, và mức thuế nhập khẩu bổ sung mà chính quyền lục địa già dự kiến áp dụng có thể sẽ khiến quá trình mở rộng thị phần tại đây bị ảnh hưởng ít nhiều.

Thách thức mới

Tuy nhiên, nguồn tin mới nhất từ Bloomberg cho hay cánh cửa vào thị trường châu Âu dường như vẫn chưa hoàn toàn đóng sập đối với ôtô điện Trung Quốc. Theo đó, các khoản thuế nhập khẩu bổ sung mà Ủy ban châu Âu công bố hồi đầu tháng có thể sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng giảm.

Theo Bloomberg, sự điều chỉnh này là kết quả từ cuộc đàm phán giữa Bộ Thương mại Trung Quốc với Liên minh châu Âu. Nhờ đó, mức thuế cao nhất dành cho SAIC và các hãng xe được cho là bất hợp tác trong cuộc điều tra sẽ giảm từ 38,1% xuống còn 37,6%. Mức thuế nhập khẩu vào châu Âu dành cho Geely dự kiến được điều chỉnh về mức 19,9%, còn ôtô của thương hiệu BYD vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu bổ sung 17,4%.

 Châu Âu dự kiến điều chỉnh thuế nhập khẩu bổ sung dành cho xe điện Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Châu Âu dự kiến điều chỉnh thuế nhập khẩu bổ sung dành cho xe điện Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Các hãng xe cho thấy dấu hiệu hợp tác trong cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung 20,8% thay vì 21% như kế hoạch ban đầu. Các khoản thuế bổ sung này sẽ được áp dụng cho nhóm ôtô có nguồn gốc Trung Quốc, bên cạnh mức thuế 10% đang áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu vào châu Âu.

Những diễn biến mới nhất từ lục địa già có thể không phải là tín hiệu quá tích cực dành cho ôtô Trung Quốc, nhưng đã phần nào giải tỏa những áp lực mà các hãng xe Trung Quốc có thể gặp phải trong nỗ lực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

Số liệu từ Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) cho thấy nước này đã hoàn thành xuất khẩu 568.000 ôtô các loại trong tháng 5, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 2,45 triệu ôtô sang các thị trường nước ngoài, đạt mức tăng trưởng 26% so với cùng kỳ của năm 2023.

So với tổng lượng xuất khẩu 5,22 triệu xe đạt được trong năm 2023, tỷ trọng ôtô xuất khẩu của Trung Quốc sau 5 tháng đầu năm đang ở mức 47%. Nhiều khả năng lượng ôtô xuất khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn còn lại của năm 2024 sẽ chứng kiến sự sụt giảm do những ảnh hưởng từ các khoản thuế nhập khẩu đã đề cập phía trên.

Sau những trở ngại về niềm tin của khách hàng hay định kiến về chất lượng sản phẩm, thuế nhập khẩu dường như đang trở thành một thách thức toàn cầu mới dành cho ôtô điện Trung Quốc.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thue-nhap-khau-thach-thuc-moi-cua-oto-trung-quoc-post1483491.html
Zalo