Thực tập sinh phụ cấp 1 triệu nhưng 'ôm' việc như nhân viên chính thức

Chỉ nhận phụ cấp 1-2 triệu đồng mỗi tháng song Trần Ngọc và Phan Ánh cho biết khối lượng công việc được giao không khác gì nhân viên chính thức.

 Thực tập sinh đánh giá mức phụ cấp không tương xứng với khối lượng công việc được giao.

Thực tập sinh đánh giá mức phụ cấp không tương xứng với khối lượng công việc được giao.

Tháng 5/2024, Trần Ngọc ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh Copywriter (người biên soạn nội dung nhằm quảng cáo hoặc marketing sản phẩm) tại một công ty ở Hà Nội.

“Mình giật mình khi nghe HR nói sẽ phụ cấp 1 triệu đồng/tháng, nhưng làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, khối lượng công việc ngang ngửa nhân viên chính thức”, Ngọc, 22 tuổi, tân cử nhân đại học ở Hà Nội, chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Đã qua thời thực tập sinh chỉ biết rót nước pha trà. Ở thời điểm hiện tại, nhiều sinh viên, cử nhân mới ra trường dù đi thực tập nhưng rất năng động.

Họ thậm chí "ôm" cả công việc của nhân viên chính thức và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, song dường như mức đãi ngộ họ nhận được lại không tương xứng. Thậm chí, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tuyển thực tập sinh để tiết kiệm kha khá tiền cho nhân sự.

Thực tập nhưng ôm 2-3 đầu việc

Trần Ngọc cho biết vì chọn làm việc trái ngành, muốn trau dồi thêm, cô chấp nhận thử sức ở công ty này. Cô nói mình làm từ sáng đến tối, viết nội dung quảng cáo theo yêu cầu. Là thực tập sinh, nhưng Ngọc đã có một số kinh nghiệm trước đó, nên vẫn hoàn thành công việc được giao.

Tuy nhiên, sau 2 tuần, Ngọc “đầu hàng” vì lượng công việc quá nhiều, bằng 70% nhân viên chính thức, song mức phụ cấp nhận được quá thấp. Tất nhiên, vì không ký hợp đồng thỏa thuận, công ty cũng không trả công 14 ngày làm việc.

Không chỉ ở công ty này, trước đó 4 tháng, theo kế hoạch của trường, Ngọc cũng được phân công thực tập tại một trung tâm IELTS, vị trí thực tập sinh Content Marketing. Cô đi thực tập 12 tuần, tương đương 60 buổi làm việc tại văn phòng, mỗi buổi 4 giờ.

8h hàng ngày, Ngọc bắt đầu một ngày làm việc ở công ty. Cô được giao làm mảng SEO (tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm - PV), chỉnh sửa ảnh, dịch và làm phụ đề video tiếng Anh cùng một số nhiệm vụ khác.

Do là người mới, chưa quen với số lượng công việc được giao, thời gian đầu, ngày 4 giờ làm việc ở công ty là không đủ, Ngọc buộc phải mang việc về nhà, tranh thủ làm trong lúc nghỉ giữa giờ trên lớp hoặc sau giờ làm thêm buổi tối để kịp deadline.

Điều khiến Ngọc băn khoăn là cùng nhiệm vụ được giao, cùng đạt hiệu quả công việc, nhưng cộng tác viên của công ty đều được trả lương và không phải đến văn phòng, trong khi những thực tập sinh như Ngọc thì không có phụ cấp suốt 3 tháng. Bản thân cô cũng thấy không học được gì nhiều ở lần thực tập này, nên thấy phí thời gian.

“Việc không có phụ cấp khiến mình không có động lực làm việc. Thú thật nhiều hôm, mình làm việc cá nhân ngay trong giờ làm để có thêm thu nhập”, Ngọc chia sẻ.

 Ánh hiện là thực tập sinh hỗ trợ quản lý khách hàng. Ảnh: NVCC.

Ánh hiện là thực tập sinh hỗ trợ quản lý khách hàng. Ảnh: NVCC.

Không riêng Ngọc, Phan Ánh, tân cử nhân một trường đại học ở TP.HCM, cũng đang trải qua những ngày thực tập tất bật như nhân viên chính thức nhưng chỉ nhận phụ cấp 2 triệu đồng mỗi tháng.

Ra trường, Ánh cũng chọn đi làm trái ngành nên chấp nhận thực tập thêm một thời gian. Cô hiện là thực tập sinh hỗ trợ quản lý khách hàng. Do đơn vị thiếu nhân sự, ngay tháng đầu, Ánh đã được giao tiếp xúc trực tiếp với khách hàng - công việc của một nhân viên chín thức, có kinh nghiệm 1-2 năm. Ngoài ra, cô còn làm giấy tờ như hợp đồng, biên bản nghiệm thu, chuẩn bị cho dự án, viết social post...

Nhiều hôm, để hoàn thành deadline, Ánh phải tăng ca đến 22h và làm thêm vào cuối tuần. Nếu là một nhân viên chính thức, có lẽ tiền lương phải trả cũng từ chục triệu đồng.

“Mức phụ cấp 2 triệu đồng thực sự không tương xứng với công việc mình đảm nhận. Nó thậm chí không đủ tiền ăn uống mỗi tháng, chứ chưa nói đến xăng xe đi lại và các nhu cầu khác”, Ánh kể hai tháng vừa rồi, cô phải nhận thêm việc bên ngoài để có thêm thu nhập.

Khi được hỏi tại sao không thỏa thuận lại với doanh nghiệp trước khi nhận việc hay đề xuất lại sau khi làm, Ánh cho hay 2 triệu đồng là chi phí cố định công ty chi trả cho thực tập sinh, không thể thay đổi.

Đãi ngộ thực tập sinh cần tương xứng với công việc

Phụ cấp không tương xứng, đã có khi chán nản, song Ánh thừa nhận ở công ty này, cô được làm nhiều công việc nên học được nhiều thứ, lại có cơ hội trở thành nhân viên chính thức, nên chấp nhận duy trì gần 3 tháng nay.

Dù vậy, Ánh cho rằng những thực tập sinh như cô cũng cần phải sống, hơn nữa lại làm full-time. Vì vậy, cô mong muốn các doanh nghiệp nên nhìn nhận lại đóng góp của từng thực tập sinh để có mức phụ cấp phù hợp với khối lượng công việc.

“Mình nghĩ mức phụ cấp thấp nhất nên là 3 triệu đồng, ít ra cũng đủ 100.000 đồng tiền ăn mỗi ngày”, Ánh chia sẻ.

Đồng quan điểm với Ánh, Trần Ngọc cho rằng thực tế, các thực tập sinh không đặt nặng yêu cầu về lương hay phụ cấp trong thời gian thực tập bởi chính họ cũng mong muốn được học hỏi.

Tuy nhiên, nếu thực tập trong thời gian dài (từ 3 tháng trở lên), có yêu cầu kinh nghiệm hay chứng chỉ như IELTS, doanh nghiệp nên chi trả lương, phụ cấp cho thực tập sinh. Điều này giúp thu hút nhân sự chất lượng (nếu công ty tuyển nguồn), và tạo động lực cho thực tập sinh làm việc.

“Mình biết thực tập sinh không nên đòi hỏi gì nhiều, có thể thực tập không lương hoặc phụ cấp thấp, nhưng đó là khi mình nhận về giá trị xứng đáng, ví dụ như học hỏi được nhiều, có cơ hội lên chính thức. Tuy nhiên, việc không trả lương, phụ cấp cũng chỉ nên 3 tháng quay đầu”, Ngọc nói.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm lựa chọn nơi thực tập, Ngọc cho rằng sinh viên, cử nhân mới ra trường nên tìm hiểu kỹ về nơi mình định ứng tuyển. Ví dụ, thực tập ở vị trí SEOer, các bạn nên đánh giá sản phẩm hay website của công ty có giá trị cao không. Ngoài ra, những công ty chuyên nghiệp thường sẽ có phụ cấp và lộ trình rõ ràng với thực tập sinh.

Ở công ty hiện tại Ngọc đang làm việc, đơn vị phụ cấp gần 5 triệu đồng mỗi tháng cho thực tập sinh, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật, có người hướng dẫn chất lượng và thỏa thuận rõ ràng về lộ trình lên nhân viên chính thức. Ngoài ra, kể cả với thực tập sinh, công ty cũng giao kết hợp đồng rõ ràng.

Còn ở đơn vị thực tập chi trả phụ cấp 1 triệu đồng trước đây, Ngọc cho hay sau này tìm hiểu mới biết công ty này tuyển thực tập sinh liên tục, chỉ ghi lương thỏa thuận, rất có thể đang lợi dụng lao động với chi phí rẻ mạt.

Phan Ánh cũng đồng ý với quan điểm này, cô cho rằng thực tập sinh nên “né” những doanh nghiệp không có cam kết, không hướng dẫn hay không công nhận những đóng góp của thực tập sinh. Ngoài ra, thực tập sinh cũng nên chú ý xem công ty có nhu cầu về nhân sự chính thức, có kế hoạch dài hạn rõ ràng và sẵn sàng cho thực tập sinh lên nhân viên chính thức nếu làm tốt không.

 Thực tập sinh cần phải tìm hiểu thông tin doanh nghiệp rõ ràng, đồng thời cần đề nghị doanh nghiệp ký các thỏa thuận trong công việc. Ảnh: Freepik.

Thực tập sinh cần phải tìm hiểu thông tin doanh nghiệp rõ ràng, đồng thời cần đề nghị doanh nghiệp ký các thỏa thuận trong công việc. Ảnh: Freepik.

Tuy nhiên, để được thực tập trong môi trường tốt, Trần Ngọc đánh giá ứng viên cũng phải chuẩn bị chút kinh nghiệm, kỹ năng cũng như kiến thức chuyên môn để đủ sức cạnh tranh trong quá trình tuyển dụng.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Phạm Thị Tịnh, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Cổ phần quốc tế Nam Thành, nhìn nhận để được trả lương, phụ cấp xứng đáng và những giá trị khác, thực tập sinh phải thực sự nghiêm túc, chuyên nghiệp như tuân thủ thời gian, nội quy làm việc, chỉ thị từ quản lý.

Các bạn cũng cần thể hiện thái độ làm việc chăm chỉ, chủ động và cầu tiến, sẵn sàng tiếp nhận công việc được giao trước khi đòi hỏi chế độ đãi ngộ.

Ngoài ra, thực tập sinh cũng cần trung thực, trung thành, dám đặt câu hỏi khi vướng mắc và mạnh dạn đưa ra đề xuất, ý tưởng.

Ngược lại, bà Tịnh cho rằng phía doanh nghiệp cũng phải xác định nhu cầu, mục tiêu và kế hoạch rõ ràng khi tuyển thực tập sinh. Cơ chế, chính sách, quy định đối với thực tập sinh cũng là điều cần thiết. Cùng với đó là có lộ trình đào tạo cụ thể, phải có quy định kiểm soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tập sinh để đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đưa ra.

Bà Tịnh cũng thẳng thắn chỉ ra hiện tại, có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng việc tuyển dụng thực tập sinh vào làm để tận dụng sức lao động với chi phí thấp.

Để tránh gặp những doanh nghiệp như vậy, thực tập sinh cần phải tìm hiểu thông tin doanh nghiệp rõ ràng, đồng thời cần đề nghị doanh nghiệp ký các thỏa thuận trong công việc để tránh các trường hợp như trên.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thuc-tap-sinh-phu-cap-1-trieu-nhung-om-viec-nhu-nhan-vien-chinh-thuc-post1517750.html
Zalo