Thực hiện kiểm kê khí nhà kính: Doanh nghiệp vận tải, logistics nên bắt đầu từ đâu?

75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải thuộc danh mục 2.166 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính lần đầu và sẽ phải thực hiện trước ngày 31/3/2025.

Cấp thiết thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol phối hợp tổ chức “Hội thảo đào tạo kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực vận tải và logistics”. Tham dự chương trình đào tạo là khoảng 100 đại diện đến từ hơn 70 doanh nghiệp, cơ quan tổ chức.

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - phát biểu tại hội nghị

Theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các doanh nghiệp thuộc Danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và cụ thể có trách nhiệm bao gồm: Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính; xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hàng năm; lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hàng năm.

Đến ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, trong đó có 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải thuộc danh mục 2.166 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính lần đầu và sẽ phải thực hiện trước ngày 31/3/2025. Chi tiết hơn, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (tức 1.000 TOE) trở lên nằm trong danh mục lĩnh vực, cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

Trên thực tế, còn rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải và logistics phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính theo mức tiêu thụ năng lượng được quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, ngành giao thông vận tải là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế, cũng là ngành có một lượng lớn khí thải xả ra bầu khí quyển, vì thế việc kiểm kê khí nhà kính trong ngành giao thông cũng được đánh giá là rất quan trọng và cấp thiết.

Việt Nam được xem là quốc gia có tỷ lệ sở hữu ô tô tăng nhanh nhất thế giới, cứ 1.000 người thì có 55 người sở hữu ô tô. Trong giai đoạn từ 2015-2020, tỷ lệ này của Việt Nam tăng đến 17%/năm. Hiện nay, tổng số phương tiện cả nước đang quản lý đã đăng ký là 82.313.968 phương tiện (6.541.549 ô tô, 75.772.419 mô tô, xe máy điện).

Hai thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiệu ứng nhà kính khi mật độ dân cư ngày càng tăng cao, ùn tắc giao thông.

Để Hà Nội không bị khói của các phương tiện giao thông xả thải trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số ngày một cao, tại Điều 28 của Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã quy định tiêu chí cùng các giải pháp để xây dựng các vùng phát thải thấp, sẽ phải áp dụng các biện pháp về giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.

Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 (theo nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017).

Xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất, Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định như Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/10/2021 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn 2050; Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2022 cũng Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg về việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, có 2.166 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và nông lâm nghiệp sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải trước ngày 31/3/2025.

Doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị từ sớm

Nhận định ngành giao thông vận tải là một mắt xích quan trọng trong quy trình kinh tế tuần hoàn, nên việc kiểm soát lượng khí thải của ngành giao thông vận tải là điều cần thiết phải làm, ông Nguyễn Công Hùng cho hay, việc kiểm kê khí nhà kính giúp các doanh nghiệp xác định rõ nguồn phát thải của mình và xây dựng các biện pháp giảm thiểu hiệu quả.

Trao chứng nhận công nhận hoàn thành chương trình đào tạo nhận thức về kiểm kê khí nhà kính

Trao chứng nhận công nhận hoàn thành chương trình đào tạo nhận thức về kiểm kê khí nhà kính

Tuy nhiên, để làm quen với việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính cần phải có mục tiêu và khắc phục những khó khăn, tồn tại như: Doanh nghiệp đang thiếu và yếu nguồn lực có kinh nghiệm; thiếu kiến thức và chuyên môn về đo lường, báo cáo và xác minh phát thải; khó khăn trong việc thiết lập hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu phát thải chính xác; chi phí đầu tư vào công nghệ và nhân lực để thực hiện kiểm kê và giảm phát thải cũng là một trở ngại đáng kể.

Để thực hiện điều này, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể các nguồn phát thải trong toàn bộ hoạt động, từ sản xuất đến vận hành và xác định các biện pháp giảm phát thải khả thi nhất; xây dựng lộ trình giảm phát thải, giảm thiểu các rủi ro tác động môi trường; thiết lập quy trình kiểm kê rõ ràng và liên tục cải tiết các biện pháp kiểm soát đảm bảo tiêu chuẩn.

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ đáp ứng được quy định pháp lý mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là tại các khu vực có yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải như châu Âu.

"Tham gia các chương trình đào tạo về kiểm kê khí nhà kính là bước đi đầu tiên để các doanh nghiệp vận tải và logistics bắt đầu hành trình hướng đến mục tiêu giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường" - ông Nguyễn Công Hùng nói, đồng thời cho rằng, với một loạt các chính sách đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua nhằm kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính thì các doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị từ sớm, nhằm tránh những rủi ro cho hoạt động có thể xảy ra khi các chính sách này đi vào cuộc sống.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) - đã trình bày tổng quan về chính sách và thực tiễn trên thế giới cũng như trong nước về vấn đề kiểm soát và giảm phát thải để thấy những áp lực mà doanh nghiệp sẽ phải giải quyết trong tương lai rất gần để duy trì công việc kinh doanh với các thị trường quan trọng như châu Âu và Bắc Mỹ.

Song, theo khảo sát của Ban 4, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp vận tải và logistics Việt Nam đang thấp hơn so với các ngành khác. Các báo cáo nghiên cứu của Ban 4 cũng đã chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp trong mục tiêu giảm phát thải và chuyển đổi xanh bao gồm nhân sự, kỹ thuật, tài chính và chiến lược.

Chương trình đào tạo cung cấp cho các doanh nghiệp về kiểm kê khí nhà kính tập trung vào lĩnh vực vận tải. Vì vậy, Ban tổ chức đã thực hiện khảo sát số liệu tại 2 doanh nghiệp có hoạt động vận tải đường bộ là Công ty Cổ phần Quốc tế Delta và Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ xuất nhập khẩu.

Dựa trên dữ liệu khảo sát, các học viên đã thực hành tính toán dưới sự hướng dẫn của chuyên gia khí nhà kính từ Vinacontrol. Kết thúc chương trình đào tạo, Hiệp hội Logistics Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol trao giấy chứng nhận đã tham dự chương trình cho các học viên tham gia.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-doanh-nghiep-van-tai-logistics-nen-bat-dau-tu-dau-363705.html
Zalo