Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

ĐTO - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn TP Cao Lãnh trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo được cải thiện.

Ông Trần Văn Hải ngụ ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ

Ông Trần Văn Hải ngụ ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ

TRIỂN KHAI KỊP THỜI CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO

Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV được thành phố quan tâm triển khai ngay từ đầu năm 2024 đến các thành viên Ban Chỉ đạo, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia thực hiện Chương trình, tạo sự lan tỏa, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND thành phố, UBND xã, phường đã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sống bằng nghề nông có mức sống trung bình trên địa bàn, có biện pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng đối tượng. Cùng với đó, đảm bảo đúng quy trình, đúng thực chất, đảm bảo công khai, dân chủ, thực hiện niêm yết công khai tại Ban nhân dân khóm, ấp và trụ sở UBND xã, phường để người dân giám sát, theo dõi, tạo được sự đồng tình, thống nhất trong cộng đồng dân cư. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, nhận thức của hộ nghèo từng bước được nâng lên, hạn chế tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội; nhiều hộ nghèo chí thú làm ăn, thoát nghèo bền vững được biểu dương nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong Nhân dân.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với GNBV được UBND các xã, phường, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp thực hiện. Theo đó, mỗi năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo việc làm và giảm nghèo giúp đỡ, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vận động thành viên hộ nghèo tham gia Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo về nhà ở, y tế, xem xét hỗ trợ vốn vay, miễn, giảm học phí... Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, UBND thành phố phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố vận động các nguồn lực trong, ngoài thành phố thực hiện công tác an sinh xã hội dành tặng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn...

Lao động nông thôn tham gia học nghề may công nghiệp

Lao động nông thôn tham gia học nghề may công nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Mai Trinh - Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, thời gian qua, thành phố đã quan tâm chỉ đạo ban hành nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, đồng thời triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, huy động được nhiều nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo, triển khai kịp thời, đầy đủ các dự án chính sách vay vốn, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của chương trình, khơi dậy ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân. Kết quả, đến cuối năm 2023 tỷ lệ giảm nghèo là 0,229%, đạt 114% so với chỉ tiêu đề ra và có 195 hộ thoát cận nghèo.

HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, TP Cao Lãnh huy động thêm các nguồn vốn khác từ cộng đồng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân sớm thoát nghèo. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và thoát nghèo.

Năm 2023, xã Tân Thuận Đông được TP Cao Lãnh chọn triển khai thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Dự án có 21 hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia với phương án sản xuất mô hình cải tạo vườn xoài, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cụ, dụng cụ, nguyên liệu sản xuất... với nguồn kinh phí thực hiện dự án hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ từ Chương trình trên 1 tỷ đồng, vốn đối ứng của hộ gia đình hơn 700 triệu đồng.

Là một trong những hộ được hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, ông Trần Văn Hải ngụ ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông được địa phương xét hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Với số tiền vay từ nguồn hỗ trợ không lãi suất của dự án, ông Hải mua xoài lá và vật tư về canh tác với diện tích hơn 3 công xoài, mỗi năm sau khi trừ chi phí ông lời khoảng 25 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Tú ngụ xã Tân Thuận Đông tranh thủ cắt lục bình kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống

Anh Phạm Văn Tú ngụ xã Tân Thuận Đông tranh thủ cắt lục bình kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống

Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Tú ngụ ấp Đông Định, xã Tân Thuận Đông có 4 nhân khẩu nhưng không có đất canh tác. Cuộc sống gia đình rất khó khăn, vợ chồng phải làm thuê mướn đủ nghề mưu sinh và nuôi 2 con nhỏ. Nhận thấy gia đình anh Tú tuy nghèo, nhưng chịu khó lao động, chí thú làm ăn, UBND xã Tân Thuận Đông đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ cất nhà tình thương và xem xét để gia đình anh Tú vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV. Anh Phạm Văn Tú cho biết: Với số tiền được xét vay, gia đình tôi thuê 2 công xoài lá canh tác, 1 năm thu hoạch 2 lần, mỗi vụ xoài sau khi trừ chi phí lời khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, tranh thủ thời gian rảnh, tôi cắt lục bình tươi bán kiếm thêm tiền chi tiêu hàng ngày, vợ mua bán ở chợ. “Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, giúp vợ chồng tôi có được ngôi nhà kiên cố, ổn định chỗ ở và có việc làm, thu nhập ổn định nên cuối năm 2023, gia đình tôi tự nguyện xin thoát nghèo” - anh Tú chia sẻ thêm.

Ông Phan Hoàng Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, cho biết: Sau khi tiếp nhận dự án, UBND xã khảo sát, xét chọn công khai theo tiêu chí, đặc biệt là có phương án làm ăn khả thi. Tham gia dự án, các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi không lãi suất trong thời gian 3 năm, trung bình mỗi hộ được vay khoảng 50 triệu đồng. Hiện nay, qua công tác theo dõi, giám sát, các hộ được tham gia dự án gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhìn chung, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích.

Trong thời gian tới, UBND TP Cao Lãnh tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững thành phố. Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhà hảo tâm cùng tham gia thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, Trưởng Ban nhân dân khóm, ấp, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu ở địa phương trong công tác giảm nghèo, kềm cặp giúp đỡ hộ nghèo. Đồng thời phân công thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên theo dõi, giám sát kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo kết quả thực hiện với Thành ủy và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội thành phố vận động, tư vấn người dân trên địa bàn, trong đó có các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các lớp nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp tại các xã, phường, vận động đưa lao động tham dự các phiên Giao dịch việc làm định kỳ, chuyên đề để tìm cơ hội việc làm trong, ngoài tỉnh, ở nước ngoài.

NGUYỄN LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/thuc-hien-hieu-qua-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-123573.aspx
Zalo