Thúc đẩy tiêu dùng nội địa
Những năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhất là thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại từ các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn đến hệ thống đại lý và các chợ truyền thống. Việc chủ động thúc đẩy tiêu dùng nội địa trở thành giải pháp quan trọng góp phần ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và giữ nhịp tăng trưởng kinh tế.

Người dân mua hàng tại Siêu thị GO! Thanh Hóa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 24 siêu thị và hàng trăm cửa hàng thương mại thuộc chuỗi cửa hàng VinMart, MediaMart, Thế giới di động... Ngoài ra, còn có 2 trung tâm thương mại và hơn 60.000 cơ sở bán lẻ. Mạng lưới chợ được phân bố ở hầu khắp các xã và hiện toàn tỉnh có 381 chợ nằm trong quy hoạch. Trong đó, có 118 chợ được chuyển đổi, chấp thuận chủ trương đầu tư để doanh nghiệp, HTX xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Sự phát triển nhanh chóng của các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở bán lẻ với nhiều mặt hàng phong phú, chất lượng, giá cả phù hợp phân bổ rộng rãi trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt lưu thông hàng hóa, góp phần phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh các phương thức kinh doanh truyền thống, đã bước đầu xuất hiện hình thức nhượng quyền thương mại, kinh doanh qua mạng, áp dụng thương mại điện tử.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, ngành công thương đã triển khai thực hiện giải pháp việc hỗ trợ doanh nghiệp, như: phối hợp với ngành thuế tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nắm được những ưu đãi về chính sách thuế của Nhà nước; thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký chương trình khuyến mại; mở rộng chi nhánh; tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại áp dụng theo từng ngành hàng khác nhau với hình thức hấp dẫn như: giảm giá, tích điểm, tặng quà, phiếu mua hàng, bán hàng đồng giá, chính sách ưu đãi dành riêng cho khách hàng thành viên hoặc mua sắm qua kênh online...
Tại siêu thị GO! Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay đã thực hiện hàng loạt đợt khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng như duy trì hoạt động khuyến mãi, giảm giá thường xuyên và luân phiên với hàng trăm sản phẩm, chủ yếu là ở nhóm hàng thiết yếu. Hiện tại, siêu thị đang triển khai các chương trình: “Đại tiệc sinh nhật - săn deal cực chất”; “Chợ sớm giảm sung”; “Mua nhiều tiết kiệm nhiều” đối với các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm công nghệ, hàng bách hóa, thời trang...
Song song với việc kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương cũng làm tốt vai trò dẫn dắt người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt thông qua việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng hóa tại các chợ truyền thống có những bước khởi sắc đáng kể với nhiều thương hiệu Việt tại các chợ đa dạng, phong phú hơn, giá cả ngày càng cạnh tranh hơn, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng... Tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, điều dễ dàng nhận thấy đó là nhiều mặt hàng có xuất xứ trong nước, trong tỉnh được trưng bày phong phú với hình thức, mẫu mã đa dạng trên kệ trưng bày và luôn thu hút được đông đảo người tiêu dùng đến lựa chọn, mua sắm. Các điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa; tăng cường cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã góp phần ổn định tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh và giữ được đà tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, thương mại nội địa hoạt động sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm. Các khu du lịch biển của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn thu hút du khách, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Nhờ vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 đạt 81.458 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 38.363 tỷ đồng, tăng 15,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 8,2%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) đạt 2.618 tỷ đồng, tăng 7,6%; xăng, dầu các loại đạt 10.103 tỷ đồng, tăng 7,6%...
Việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân. Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng xanh, bền vững, mở rộng các chuỗi liên kết giá trị nội tỉnh và liên tỉnh, nhằm tạo ra hệ sinh thái tiêu dùng lành mạnh, ổn định và phát triển dài hạn.