Thúc đẩy quản lý rừng bền vững từ các mô hình trồng rừng chu kỳ dài

Việc chuyển đổi trồng rừng sang mô hình rừng trồng chu kỳ dài theo hướng sản xuất gỗ lớn phục vụ ngành chế biến trong nước là thiết yếu cho quản lý rừng bền vững và tạo giá trị lâu dài cho chủ rừng, cho các công ty lâm nghiệp, cũng như nguồn sinh kế dựa vào rừng của cộng đồng và những hộ/nhóm hộ gia đình sản xuất lâm nghiệp…

Mô hình chuyển đổi rừng cây gỗ lớn tại Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn. Ảnh: Chu Khôi.

Mô hình chuyển đổi rừng cây gỗ lớn tại Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn. Ảnh: Chu Khôi.

Trong các ngày 16-18/7/2025, tại tỉnh Gia Lai, trong khuôn khổ Dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Việt Nam (SFM)”, các đại diện đến từ nhiều cơ quan truyền thông trên cả nước, cùng các cán bộ đến từ Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã tham gia chuyến đi thực địa nhằm tìm hiểu các thực hành tiên phong trong quản lý rừng bền vững và sản xuất rừng trồng gỗ lớn tại tỉnh Gia Lai.

GIA LAI TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI TRỒNG RỪNG CÂY GỖ LỚN

Chiều ngày 16/7/2025, tại phường Quy Nhơn, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các chuyên gia của Dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Việt Nam” (SFM) cùng các nhà báo đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai cùng hai doanh nghiệp trồng rừng đang tham gia Dự án SFM.

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai. Ảnh: Chu Khôi.

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai. Ảnh: Chu Khôi.

Theo Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, rừng che phủ 42,02% diện tích đất của cả nước. Tuy nhiên, chất lượng rừng nhìn chung vẫn còn thấp và tính đa dạng loài còn hạn chế. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất ở Đông Nam Á, nhưng kinh tế rừng trồng chủ yếu dựa vào thâm canh rừng trồng chu kỳ ngắn để sản xuất dăm gỗ làm nguyên liệu sinh khối.

Dự án SFM do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) ủy thác, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp thực hiện. Dự án này được triển khai từ năm 2022 đến 2025 tại ba tỉnh: Quảng Trị, Gia Lai (tỉnh tách từ Bình Định cũ) và Đắk Lắk (tỉnh tách từ Phú Yên cũ).

Mô hình truyền thống này đã bộc lộ những giới hạn và không còn đáp ứng đầy đủ các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, hiện 50% lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam là gỗ lớn, do sản lượng gỗ lớn có nguồn gốc bền vững trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Danh Đàn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án SFM Trung ương, cho biết dự án hướng tới mục tiêu chuyển đổi mô hình trồng rừng từ chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài, tập trung sản xuất gỗ xẻ chất lượng cao, nâng cao tính đa dạng loài và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đồng thời hỗ trợ hoàn thiện khung pháp luật, thể chế và nâng cao năng lực cho các chủ thể trong ngành lâm nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình quản lý rừng bền vững.

“Mô hình quản lý rừng bền vững với chu kỳ trồng rừng dài không chỉ tăng hiệu quả kinh tế từ rừng gỗ lớn, mà còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải, biến rừng thành 'bể chứa carbon tự nhiên', giúp Việt Nam đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Đàn nhấn mạnh.

Trồng xen cây lim xanh trong rừng cây keo. Ảnh: Chu Khôi.

Trồng xen cây lim xanh trong rừng cây keo. Ảnh: Chu Khôi.

Tại Gia Lai, hai doanh nghiệp đang triển khai dự án là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Thời gian qua, các đơn vị này đã nhận được hỗ trợ từ dự án trong việc xây dựng các mô hình trình diễn trồng rừng chu kỳ dài, nâng cao kỹ thuật sản xuất gỗ xẻ, cải thiện phương án tài chính chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Theo kế hoạch, mỗi chủ rừng thiết lập diện tích 48 ha rừng làm điểm trình diễn mô hình quản lý rừng bền vững. Từ các mô hình này, các chủ rừng đã bắt đầu mở rộng thực hành quản lý lên tổng cộng 1.685 ha rừng trồng. Các điểm trình diễn không chỉ là nơi áp dụng thực tiễn, mà còn được tổ chức như lớp học thực hành kỹ thuật lâm sinh cho các bên liên quan – từ chủ rừng đến cộng đồng dân cư.

Cũng theo ông Đàn, trong khuôn khổ dự án, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp Trung ương cùng GIZ đang tư vấn cấp Trung ương và cấp tỉnh hoàn thiện các quy định pháp luật, đồng thời nghiên cứu phát triển các mô hình kinh doanh mới cho chủ rừng, thiết kế các phương án tài chính và mở rộng hợp tác với các hộ trồng rừng thông qua các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.

Dự án cũng nhấn mạnh việc lồng ghép các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong toàn bộ chuỗi cung ứng lâm nghiệp. Các chủ rừng, cộng đồng và các đối tác được trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận thức được tầm quan trọng của giới và cách triển khai công việc một cách công bằng, hiệu quả cho cả nam và nữ.

Ông Nguyễn Văn Hoan: "Gia Lai có thế mạnh về tài nguyên rừng và đang là một trong những 'thủ phủ' xuất khẩu gỗ lớn của cả nước". Ảnh: Chu Khôi

Ông Nguyễn Văn Hoan: "Gia Lai có thế mạnh về tài nguyên rừng và đang là một trong những 'thủ phủ' xuất khẩu gỗ lớn của cả nước". Ảnh: Chu Khôi

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai, đánh giá cao hiệu quả bước đầu của dự án, dù mới trong giai đoạn triển khai; đồng thời, ông Hoan cho biết Gia Lai có thế mạnh về tài nguyên rừng và đang là một trong những “thủ phủ” xuất khẩu gỗ lớn của cả nước. Việc chuyển đổi sang phát triển rừng gỗ lớn và quản lý bền vững là hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, việc gắn phát triển rừng với tín chỉ carbon mở ra cơ hội lớn cho địa phương và người dân tham gia chuỗi liên kết giá trị rừng.

“Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các mô hình rừng gỗ lớn trong dự án còn được kỳ vọng tạo ra lợi ích rõ rệt cho đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế cho cộng đồng và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Những mô hình này cũng sẽ là nền tảng để mở rộng, nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới”, ông Hoan khẳng định.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ KINH TẾ DÀI HẠN CHO RỪNG

Ngày 17/7/2025. các đại biểu đã tham gia chuyến đi thực địa chuyên sâu tại các khu rừng trình diễn do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý, tại xã Bình Hiệp, tỉnh Gia Lai. Trong buổi sáng, đoàn đã tham quan các khu trình diễn, bao gồm: Khu trồng xen các loài cây bản địa nhằm tăng khả năng phục hồi sinh thái; Khu rừng 5 năm được tỉa thưa hướng tới chuyển đổi sang rừng trồng gỗ lớn; Khu nhân rộng mô hình trình diễn hiệu quả và khu rừng đối chứng để so sánh.

Mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn và trồng xen cây bản địa. Ảnh: Chu Khôi.

Mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn và trồng xen cây bản địa. Ảnh: Chu Khôi.

Công ty Lâm nghiệp sông Kôn đang trở thành đơn vị tiên phong trong quá trình chuyển đổi của công ty từ trồng rừng luân canh chu kỳ ngắn sang sản xuất gỗ lớn chất lượng cao với chu kỳ dài, thông qua việc áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến như tỉa thưa, tỉa cành sớm một cách cẩn trọng, cũng như trồng xen các loài cây bản địa trong các khu rừng trồng thuần loài hiện có.

Áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến để cây rừng sinh trưởng cho gỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất đồ gỗ. Ảnh Chu Khôi

Áp dụng các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến để cây rừng sinh trưởng cho gỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất đồ gỗ. Ảnh Chu Khôi

Việc trồng xen các loài cây bản địa sinh trưởng chậm (như Lim Xanh) với các loài ngoại lai sinh trưởng nhanh như Keo mang lại một cách tiếp cận lâm nghiệp tích hợp, nhằm tạo nguồn thu từ rừng trồng ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau theo thời gian. Trong khi Keo trồng để sản xuất gỗ lớn có thể khai thác sau khoảng 10 năm, thì các loài cây gỗ bản địa thường cần chu kỳ sinh trưởng dài hơn. So với rừng trồng thuần loài, mô hình trồng rừng hỗn giao này giúp tăng cường đa dạng sinh học, cải thiện khả năng chống chịu của rừng và đa dạng hóa nguồn thu trong tương lai nhờ vào các loại gỗ cứng bản địa có giá trị cao và độ bền tốt.

“Việc chuyển đổi sang mô hình rừng gỗ lớn là bước đi chiến lược đối với chúng tôi. Không chỉ nâng cao giá trị kinh tế dài hạn cho rừng, định hướng này còn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Sự hỗ trợ của Dự án SFM đã giúp chúng tôi nâng cao năng lực và thử nghiệm thành công các kỹ thuật lâm sinh tiên tiến và có tiềm năng nhân rộng trên quy mô lớn”.

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn.

Đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn trao đổi, chia sẻ với các nhà báo. Ảnh: Chu Khôi.

Đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn trao đổi, chia sẻ với các nhà báo. Ảnh: Chu Khôi.

Buổi chiều tại xã Vĩnh Sơn, tỉnh Gia Lai, các nông dân người Ba Na đang trực tiếp tham gia Thỏa thuận hợp tác với Công ty Lâm nghiệp sông Kôn, đã chia sẻ về các hoạt động tuần tra rừng chung, tập huấn về bình đẳng giới và nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững. Một trong những lợi ích nổi bật từ mối quan hệ hợp tác này là sự gắn kết ngày càng bền chặt giữa cộng đồng địa phương và Công ty, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và chia sẻ trách nhiệm trong quản lý rừng bền vững.

Ngày 18/7, đoàn các đại biểu sẽ tham quan các mô hình trình diễn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-day-quan-ly-rung-ben-vung-tu-cac-mo-hinh-trong-rung-chu-ky-dai.htm
Zalo