Thúc đẩy phát triển công nghệ vũ trụ thành động lực tăng trưởng mới

Ngày 24/7, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới', quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế, nhà khoa học trong nước, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Quang cảnh cuộc Tọa đàm.

Quang cảnh cuộc Tọa đàm.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Công nghệ vũ trụ được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong định hướng phát triển thời gian tới.

Tại sự kiện, các chuyên gia tập trung trao đổi về cơ hội, thách thức trong phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam; kiến nghị các giải pháp về cơ chế, chính sách và mô hình hợp tác để thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia có sự tham gia sâu rộng của ngành công nghiệp vũ trụ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, công nghệ vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà cần được xem như công nghệ hàng đầu, cùng với các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn, năng lượng hạt nhân. Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị và Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra định hướng phát triển các công nghệ và sản phẩm công nghệ chiến lược, trong đó có công nghệ vũ trụ phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của Việt Nam.

 Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Tọa đàm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại Tọa đàm.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đã dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực này trong những năm qua. Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc là minh chứng rõ nét cho cam kết đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ngoài ra, các mô hình giáo dục và truyền cảm hứng khoa học như Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo tại Bình Định với nhiều hạng mục về vũ trụ đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên.

Ông Trần Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định, nhu cầu ứng dụng công nghệ vũ trụ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt trong triển khai chính quyền điện tử và công tác quản lý giám sát từ Trung ương. Theo ông, công nghệ vũ trụ sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hậu kiểm, thanh tra, giám sát. Đồng thời, Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Bà Lê Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sao Vega cho biết, đơn vị đã có 10 năm đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu công nghệ vũ trụ và nhận thấy nhận thức của xã hội còn rất hạn chế về công nghệ vũ trụ; đơn vị sử dụng nhiều nhất là cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại chưa áp dụng các ứng dụng vũ trụ địa không gian vào công việc hàng ngày; nhân lực cho lĩnh vực công nghệ vũ trụ còn hạn chế.

Để thúc đẩy ngành công nghệ và dữ liệu vũ trụ, Chính phủ cần đưa công nghệ và dữ liệu Địa không gian vào chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Nó chính là lớp nền quan trọng cho toàn bộ hệ thống số vận hành hiệu quả.

Nghị quyết 57 và gần đây là 11 lĩnh vực khoa học, công nghệ chiến lược chính là lực đẩy giúp công nghệ vũ trụ sớm được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Hiện tại, Công ty đã phát triển mô hình đào tạo phát triển vệ tinh với 4 cấp độ học tập và mong muốn phổ cập kiến thức đến các trường phổ thông, trường đại học trong cả nước.

Công ty dự kiến sẽ khai trương Space Lab tại Khu công nghệ cao Hòa lạc vào năm 2026, nơi đây sẽ là nơi các start up công nghệ vũ trụ được hỗ trợ và hợp tác. Tuy nhiên, bà Lê Thanh Hương lo ngại sự chậm trễ thủ tục trong các thủ tục hành chính và hy vọng Chính phủ có thể cấp thẻ ưu tiên cho lĩnh vực này để đẩy nhanh việc triển khai Space Lab.

 Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ chia sẻ tại Tọa đàm.

Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ chia sẻ tại Tọa đàm.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ, cho biết phát triển công nghệ vũ trụ là yêu cầu tất yếu để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và khẳng định vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm cụ thể hóa định hướng này.

Trong đó có thể kể đến: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040; Quyết định 169/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030; Quyết định 1131/QĐ-TTg ban hành Danh mục công nghệ và sản phẩm công nghệ chiến lược.

Nội dung các chiến lược này đều xác định rõ ưu tiên đầu tư phát triển một số công nghệ vũ trụ quan trọng như: vệ tinh viễn thám và viễn thông tầm thấp; trạm mặt đất và điều khiển vệ tinh; thiết bị bay không người lái (UAV); khinh khí cầu; các hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo một số loại vệ tinh nhỏ như PicoDragon (2013), MicroDragon (2019), NanoDragon (2021), VNREDSat-1 (2013). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật – từ trạm thu ảnh đến trung tâm điều khiển vệ tinh – đang được đầu tư và vận hành bởi các cơ quan chuyên trách. Hai vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 được phóng lên vào các năm 2008 và 2012 đã góp phần bảo đảm an ninh thông tin và phát triển hạ tầng viễn thông quốc gia.

Cùng với đó, hệ thống UAV do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát triển đã được ứng dụng hiệu quả trong thu thập dữ liệu địa lý, giám sát biến động lớp phủ bề mặt và sử dụng đất. Tuy nhiên, các hệ thống này còn mang tính đơn lẻ, khả năng thương mại hóa và cạnh tranh của sản phẩm công nghệ vũ trụ trong nước vẫn đang là thách thức lớn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho rằng để tháo gỡ các rào cản hiện tại, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược dài hạn cho ngành công nghiệp vũ trụ, không chỉ trong khung thời gian 10 năm mà cần tầm nhìn đến năm 2040–2050, kèm theo đó là cơ chế đảm bảo tài chính đủ mạnh để thực thi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, hiện nay các hoạt động về vũ trụ vẫn còn phân tán giữa các bộ, ngành. Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mới chỉ hoạt động mang tính phối hợp, chưa có thực quyền. Để tạo sức mạnh tổng hợp, cần hình thành một cơ quan chuyên trách cấp quốc gia về hàng không-vũ trụ, như mô hình ở Philippines hoặc các quốc gia có chiến lược bài bản về công nghệ này.

“Vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế. Kinh tế vũ trụ toàn cầu được dự báo sẽ đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Nếu có chiến lược quốc gia rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón đầu các cơ hội lớn từ vệ tinh, viễn thông, quan sát Trái đất đến các dịch vụ ứng dụng công nghệ vũ trụ trong đời sống và sản xuất”, ông Tuấn nhận định.

Tọa đàm là dịp để các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhìn nhận lại thực trạng, đồng thời hiến kế cho một lộ trình phát triển khả thi, bài bản hơn cho công nghệ vũ trụ Việt Nam.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-phat-trien-cong-nghe-vu-tru-thanh-dong-luc-tang-truong-moi-post896122.html
Zalo