Thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ
HNN - Việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đang được xác định là một trong những mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở KH&CN
Ngành KH&CN đang hướng trọng tâm vào việc hình thành doanh nghiệp KH&CN. Bà có thể lý giải vì sao hoạt động này lại được ưu tiên?
Theo Luật KH&CN năm 2013, doanh nghiệp KH&CN là những đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đây không chỉ là doanh nghiệp đơn thuần, mà là những tổ chức có khả năng tăng trưởng nhanh, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, biết khai thác tri thức, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh dựa trên nghiên cứu và phát triển (R&D).
Chính vì vậy, doanh nghiệp KH&CN được xem là cầu nối nhanh nhất đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế tri thức và phát triển bền vững. Trong bối cảnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng để phát triển, thì vai trò của doanh nghiệp KH&CN càng trở nên rõ nét.

Kiểm tra hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất tại Công ty Công Thành
Cụ thể, Thành ủy Huế đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, thành phố phải có trên 20 doanh nghiệp KH&CN. UBND thành phố cũng đã "đặt hàng" cho ngành KH&CN từ nay đến cuối năm 2025 phải hình thành ít nhất từ 10 đến 15 doanh nghiệp KH&CN.
Tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn hiện nay ra sao và mục tiêu đặt ra cho năm nay liệu có khả thi không thưa bà?
Từ năm 2017 đến nay, thành phố Huế đã có 6 doanh nghiệp KH&CN được cấp chứng nhận. Tháng 4/2025, chúng tôi đã cấp thêm 1 giấy chứng nhận và hiện đã trình hội đồng xét duyệt thêm 2 doanh nghiệp là YesHue và Công ty CP KH&CN HUSCI - đơn vị trực thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Như vậy từ đây đến cuối năm, ngành KH&CN sẽ vận động, xúc tiến để thành lập thêm khoảng 10 doanh nghiệp KH&CN. Mục tiêu ít nhất là có được 15 doanh nghiệp KH&CN đến cuối năm 2025 như “đặt hàng” của UBND thành phố.
Con số như bà nêu là ít hay nhiều so với mặt bằng chung cũng như so với tiềm năng của Huế?
Thành thật mà nói, với thế mạnh của Huế, nơi có hệ thống viện, trường đại học, nguồn lực trí thức dồi dào thì 7 doanh nghiệp KH&CN được chứng nhận cho đến nay là khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng chung cả nước thì không phải thấp. Theo Quyết định 418/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 là cả nước có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Thế nhưng đến thời điểm đó mới chỉ có 538 doanh nghiệp, đạt hơn 10% kế hoạch. Đến năm 2023, con số này mới đạt 816 doanh nghiệp, tức khoảng 16,3%. So sánh như vậy để thấy, nỗ lực của Huế vẫn là đáng ghi nhận, nhưng rõ ràng tiềm năng chưa được khai thác đúng mức.
Vậy đâu là những điều kiện để được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và có phải vì tiêu chí khắt khe mà ít doanh nghiệp "mặn mà"?
Theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 điều kiện chính: Được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định; có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm cũng có thể được xem xét nếu đáp ứng các điều kiện tương ứng.
Về cơ bản, các tiêu chí không quá khắt khe. Tuy nhiên, khó khăn thường nằm ở chỗ doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH&CN, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KHCN… Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ hay đủ năng lực pháp lý để làm các thủ tục này. Chưa kể, thủ tục hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng... vẫn còn nhiều điểm khiến doanh nghiệp e ngại.
Bên cạnh đó, khả năng thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của nhiều doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn; việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Việc ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời... Đó là những "điểm nghẽn" khiến doanh nghiệp chưa mạnh dạn đăng ký, phát triển theo mô hình KH&CN.
Ngành đặt kỳ vọng gì vào những doanh nghiệp KH&CN, nhất là trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, thưa bà?
Chúng tôi luôn xem doanh nghiệp KH&CN là "trung tâm", là cầu nối nhanh nhất để đưa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đưa tri thức, công nghệ ra thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN càng trở nên cấp thiết. Với quan điểm luôn sẵn sàng - chủ động, kết nối - đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để phát triển, ngành KH&CN sẽ tiếp tục chủ động kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc cấp chứng nhận, mà sẽ hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu ươm tạo ý tưởng, phát triển công nghệ, đến tiếp cận thị trường và tận dụng các chính sách ưu đãi.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, ngành KH&CN sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp để đến cuối năm 2025, thành phố Huế sẽ có ít nhất 15 doanh nghiệp KH&CN hoạt động có hiệu quả, chất lượng.