Thừa Thiên-Huế, Bình Định khẩn trương khắc phục mưa lũ, ổn định đời sống của dân

Những ngày qua, mưa lớn đã xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bình Định làm nhiều nhà dân bị ngập, sạt lở đất, gây thiệt hại về tài sản, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng, học sinh phải nghỉ học.

UBND phường Đông Ba huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn bùn non, tổng dọn vệ sinh sau lũ. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

UBND phường Đông Ba huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn bùn non, tổng dọn vệ sinh sau lũ. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Những ngày qua, mưa lớn đã xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Bình Định, làm nhiều nhà dân bị ngập, sạt lở đất, gây thiệt hại về tài sản, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng, học sinh phải nghỉ học.

Thừa Thiên-Huế: Khẩn trương khắc phục, ổn định cuộc sống người dân

Mưa đặc biệt lớn tại Thừa Thiên-Huế, với tổng lượng mưa trong 24 giờ lên tới 800-900mm, gây ngập lụt diện rộng, sạt lở đất, thiệt hại về tài sản, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng.

Đến chiều 16/11, lũ trên sông Hương và sông Bồ của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuống dưới báo động 3. Một số tuyến đường của thành phố Huế nước đã rút, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đường sá, sớm ổn định cuộc sống.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 17.500 ngôi nhà bị ngập. Tại thành phố Huế có khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập từ 0,5-1,2m. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Bến Nghé, Đống Đa, Bùi Thị Xuân.

Đợt mưa lần này diễn biến nhanh, lũ trên các sông Hương, sông Bồ đạt báo động 3, đặc biệt tại sông Hương đạt đỉnh 4,34m, vượt đỉnh lũ năm 2020. Nước lũ lên nhanh, ngập sâu khiến nhiều người dân “không kịp trở tay” nên bị thiệt hại nhiều tài sản.

Ông Tôn Thất Đính, trú tại phường Đông Ba, cho biết khoảng 20 giờ ngày 14/11 nước vẫn ở dưới sông Đông Ba nhưng đến gần 23 giờ nước lũ tràn lên đường và vào nhà của ông. Đợt lũ này nước lên rất nhanh, nhiều người không kịp trở tay.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, Phống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đợt mưa lần này khiến một người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh di dời hơn 3.900 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu đến nơi an toàn; thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 15-17/11. Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế đã sa thải lưới điện 28% toàn tỉnh.

 Người dân tranh thủ mua thực phẩm tại các xe bán hàng rau củ lưu động trước chợ Đông Ba. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Người dân tranh thủ mua thực phẩm tại các xe bán hàng rau củ lưu động trước chợ Đông Ba. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Chiều 16/11, mực nước trên các sông Hương, sông Bồ đang xuống nhưng còn ở mức cao. Một số tuyến đường tại thành phố Huế, nước đang rút dần, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, thu gom rác thải và dọn sạch bùn non.

Tranh thủ trời hửng nắng người dân ở thành phố Huế hối hả tẩy rửa nhà cửa, đường sá. Tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Ủy ban Nhân dân phường Đông Ba huy động hàng chục cán bộ, Đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể ra quân dọn đường và xịt, rửa bùn non.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đông Ba Trần chí Linh cho biết nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, Ủy ban Nhân dân phường huy động cán bộ cùng các lực lượng trên địa bàn hỗ trợ người dân tổng dọn vệ sinh và bùn non tại các tuyến đường, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó.

Theo dự báo, tình hình mưa lũ tại Thừa Thiên-Huế còn diễn biến phức tạp. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai phương án giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói; phòng trừ dịch bệnh; đảm bảo an toàn tại khu vực xung yếu, nơi nguy cơ xảy ra sạt lở.

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên khắc phục nhanh sự cố về giao thông, thủy lợi, ưu tiên công trình cấp thiết; đảm bảo lương thực cho nhân dân, nhất là ở khu vực bị cô lập; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, chế độ.

 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương (phải) trao đổi công tác điều tiết xả lũ các hồ chứa tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh. (Ảnh: Đỗ Trưởng/ TTXVN)

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương (phải) trao đổi công tác điều tiết xả lũ các hồ chứa tại Văn phòng Ban chỉ huy Phòng Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh. (Ảnh: Đỗ Trưởng/ TTXVN)

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân hảo tâm triển khai nhiều hoạt động cứu trợ ý nghĩa. Trong chiều 16/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, Chống Thiên tai phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam hỗ trợ 731 hộ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng thiên tai, kinh phí mỗi hộ 1,8 triệu đồng để mua lương thực, nhu yếu phẩm.

Bình Định: Mưa lũ gây ngập lụt, chia cắt giao thông, học sinh phải nghỉ học

Mưa lớn những ngày qua đã khiến một số tuyến giao thông ở vùng đông huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn, học sinh tại các xã ở phía đông huyện Tuy Phước và Phù Cát phải nghỉ học do trường bị ngập nước và đường giao thông bị chia cắt.

Cụ thể, tại huyện Tuy Phước, 8 trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở tại các xã Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Nghĩa, Phước Hòa đã chủ động cho học sinh nghỉ học.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện yêu cầu, Hiệu trưởng các trường Mầm non và Phổ thông trên địa bàn thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại địa phương; căn cứ tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học và bố trí lịch dạy bù phù hợp. Khi bão lũ đến bất ngờ, Hiệu trưởng các trường phối hợp với chính quyền địa phương cử người đưa học sinh qua các đoạn đường nguy hiểm hoặc giữ các em ở lại trường và thông báo cho gia đình đến đón.

 Mưa lớn gây chia cắt ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Mưa lớn gây chia cắt ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Tại huyện Phù Cát, nhiều khu vực ở các xã Cát Thắng, Cát Hải đã bị ngập nước, giao thông bị chia cắt. Do đó, Hiệu trưởng các trường trên địa bàn hai xã đã chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Từ ngày 14/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa to, nước từ đầu nguồn sông Côn đổ về gây ngập vùng hạ du. Nhiều tuyến giao thông liên thôn, xóm các xã đều bị ngập. Nhiều xe máy lưu thông bị chết máy. Một số tuyến giao thông tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh xuất hiện sạt lở gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn đã gây sạt lở một số vị trí đường ĐH33, đoạn qua đèo Vĩnh Sơn thuộc địa bàn Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Cụ thể, tuyến đèo Vĩnh Sơn có 5 điểm sạt lở lớn với khối lượng hơn 4.200m3, gây ách tắc giao thông; trong đó có 3 điểm sạt lở taluy âm và 2 điểm sạt lở ta luy dương.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Kim đang phối hợp với đơn vị trực tiếp thi công tuyến đường đèo Vĩnh Sơn bố trí lực lượng và xe đào đắp, san ủi đất đá để nhanh chóng khôi phục giao thông.../.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thua-thien-hue-binh-dinh-khan-truong-khac-phuc-mua-lu-on-dinh-doi-song-cua-dan-post908260.vnp
Zalo