Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ
Ngày 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 120/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Người dân xã Con Cuông (Nghệ An) dùng thuyền di chuyển vì nhà ngập gần tới nóc
Bão số 3 (bão Wipha) đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12, gây mưa lớn, nước biển dâng cao, ngập úng tại nhiều khu vực ven biển. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện lũ đặc biệt lớn tại thượng nguồn sông Cả (lưu lượng dòng chảy về hồ Bản Vẽ vượt lưu lượng lũ kiểm tra), gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại nhiều khu dân cư ven sông. Một số nơi đã xảy ra sự cố đê điều, hồ đập, lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã theo dõi nắm chắc tình hình, có 3 công điện chỉ đạo chủ động từ sớm, từ xa, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, hiệu quả, sát diễn biến bão lũ. Ban Bí thư đã có văn bản yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội không được chủ quan, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, ứng phó với bão.
Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động, tích cực vào cuộc, bám sát địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với đó là sự tự giác, chủ động trong ứng phó của nhân dân đã góp phần hạn chế được thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, nhà nước, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhiều nơi bước đầu đã được hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, sát dân theo phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống thiên tai.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành bị ảnh hưởng do đợt bão, mưa lũ tập trung triển khai các biện pháp cần thiết để giảm thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp, kịp thời tiêu úng, chống ngập bảo vệ diện tích lúa mới cấy, hoa màu và cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm đếm, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do bão, mưa lũ, kịp thời sử dụng dự phòng ngân sách và các nguồn lực của địa phương để chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại, nhất là các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng yếu thế theo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực chi hỗ trợ, UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp xử lý theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo lực lượng quân đội, công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả bão lũ khi có đề nghị của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương; chỉ đạo rà soát, kịp thời sửa chữa các công trình hồ đập thủy lợi, đê điều bị sự cố để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương và chủ đập thủy điện rà soát, xây dựng phương án ứng phó để chủ động bảo đảm an toàn cho các hồ đập thủy điện, nhất là khi xuất hiện các tình huống mưa lũ lớn vượt mức thiết kế, không để bị động, bất ngờ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo an toàn lưới điện trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, kịp thời khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đề xuất hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ của các địa phương theo đúng quy định.