Thủ tướng yêu cầu 'làm ngày, làm đêm' để dẹp nạn hàng giả
Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng liên tục ra quân với tinh thần 'làm ngày, làm đêm' để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 341/TB-VPCP, truyền đạt kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xử lý hơn 50.000 vụ việc trong 6 tháng đầu năm
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong đợt cao điểm từ 15/5 đến 15/6. Trong giai đoạn này, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 10.400 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách trên 1.200 tỷ đồng, khởi tố hình sự hơn 200 vụ với 378 đối tượng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, đã có hơn 50.000 vụ việc bị phát hiện, xử lý, nộp ngân sách hơn 6.500 tỷ đồng, khởi tố hơn 1.800 vụ với hơn 3.200 đối tượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, một số địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc phát hiện, xử lý các ổ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng (chợ Ninh Hiệp, chợ La Phù, Trung tâm thương mại Saigon Square…).
Tuy nhiên, qua báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng cho thấy rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa kịp thời; việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, tài chính cho các lực lượng chức năng còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Qua các vụ việc lớn phát hiện gần đây cho thấy: Một là, do mất ý chí chiến đấu, bị mua chuộc; Hai là, thiếu tinh thần trách nhiệm, không dám đấu tranh, không dám đương đầu với các đối tượng. Việc này cần phải xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc phân định trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng chưa bảo đảm 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền" nên còn lúng túng trong phối hợp, thực hiện; chưa huy động được sức mạnh của Nhân dân, doanh nghiệp tham gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuyên chiến không khoan nhượng với thuốc giả, thực phẩm giả
Thủ tướng khẳng định: Dự báo thời gian tới tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận xuất xứ, hàng hóa nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam còn diễn biến phức tạp; vẫn còn nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô ngày càng lớn; tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn phổ biến.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt các hành vi vi phạm, đặc biệt tuyên chiến không khoan nhượng với thuốc giả, thực phẩm giả, những mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.
Thủ tướng kêu gọi phát động phong trào "mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ"; đồng thời, "mỗi người dân phải là người tiêu dùng thông minh trên thị trường".
Đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng "làm ngày, làm đêm, làm cả ngày nghỉ" để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng hệ thống dữ liệu mã hóa hàng hóa, tập trung điều tra, xác lập chuyên án về thuốc và thực phẩm giả. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng, cảnh sát biển tăng cường kiểm soát tuyến biên giới. Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan, thuế giám sát chặt hàng hóa nhập khẩu, chống gian lận xuất xứ, ngăn hàng giả vào thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là mặt hàng sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật để kiểm soát hoạt động thương mại điện tử; Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra thuốc, thực phẩm, dược phẩm; không để thuốc giả xuất hiện trong bệnh viện. Bộ Khoa học và Công nghệ siết quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; Bộ Nông nghiệp xử lý nghiêm thịt bẩn, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả.
Lãnh đạo các địa phương được yêu cầu chỉ đạo sát sao các lực lượng chức năng ra quân thường xuyên, bảo đảm không có vùng cấm. Đồng thời, phải đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu, phát hiện và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm.