Thủ tướng Thái Lan làm rõ các định hướng chính sách quan trọng trong năm 2025
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ có bài phát biểu quan trọng trước công chúng vào ngày mai (12/12) nhằm điểm lại những hoạt động quan trọng của Chính phủ do bà lãnh đạo trong 3 tháng qua, đồng thời làm rõ các định hướng chính sách quan trọng của xứ sở chùa Vàng trong năm 2025.
Với tựa đề "Trao quyền cho người Thái năm 2025: Một khả năng thực sự", bài phát biểu của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Thái Lan NBT vào lúc 10 giờ sáng 12/12.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Jirayu Huangsap cho biết chính phủ lạc quan về những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ du lịch và nông nghiệp đến phát triển công nghiệp và đầu tư, đồng thời tin tưởng rằng tăng trưởng kinh tế vào năm 2025 sẽ vượt mức năm nay – vốn là mức thấp so với các nước thành viên ASEAN với dự báo trong khoảng từ 2,3% đến 2,8%.
Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat mới thực hiện cho thấy hầu hết người Thái mong muốn nhận được nhiều hơn các khoản tiền mặt hỗ trợ. Người dân cũng kỳ vọng chính phủ triển khai nhiều biện pháp để giúp giảm bớt chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao dưới hình thức các món quà đón năm mới truyền thống gửi tặng người dân.
Trong khi đó, Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) kêu gọi chính phủ hành động quyết liệt hơn để sớm vượt qua tình trạng kinh tế trì trệ. Theo Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiênnukul, dưới sự điều hành của Thủ tướng Paetongtarn, chính phủ đã có những thành tựu đáng kể trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với gần 2.000 dự án trong các lĩnh vực mục tiêu có trị giá hơn 720 tỷ baht (hơn 21 tỷ USD).
Bên cạnh nỗ lực duy trì liên tục các chính sách kinh tế từ các chính phủ tiền nhiệm, FTI hối thúc chính phủ đẩy nhanh các chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp mục tiêu như sản xuất bo mạch điện tử (PCB).
FTI kêu gọi chính phủ có các biện pháp can thiệp chủ động, có mục tiêu để duy trì tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề lâu dài như nợ hộ gia đình tăng, sức mua của người tiêu dùng giảm, và những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến tình trạng hàng nhập khẩu giá rẻ tràn lan dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp nội địa phải đóng cửa nhà máy và phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp mới.